Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc 2008: Vì một ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh

03/01/2008
Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc 2008: Vì một ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh
Sáng ngày 3/1/2008, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (11 – Lê Hồng Phong, Hà Nội), Hội nghị Triển khai công tác ngành Tư pháp đã diễn ra với sự tham dự của đại diện các Sở Tư pháp và cơ quan THADS các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Uông Chu Lưu – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến tham dự. Năm 2007 là năm đầy khó khăn, thử thách đối với toàn ngành Tư pháp nhưng trong bối cảnh đó, công tác tư pháp năm 2007 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo đà quan trọng cho năm 2008 và các năm tiếp theo.

THÀNH CÔNG NHỜ NỖ LỰC CHUNG
Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2007, nhiệm vụ, công tác tư pháp năm 2008. Nhìn lại một năm Thực hiện Chỉ thị số 01/2007/CT-BTP về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2007, toàn ngành Tư pháp có thể thấy tự hào về những kết quả đã đạt được. Năm 2007, Bộ đã thực hiện các kế hoạch kiện toàn, củng cố tổ chức với việc xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 theo hướng xác định, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ rõ ràng hơn và phù hợp hơn với tinh thần cải cách hành chính, cải cách tư pháp; ban hành và xây dựng các quy chế về tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ...
Là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành, công tác văn bản đã được thực hiện hiệu quả, nhiều địa phương như: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Cần Thơ, Hà Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Hải Phòng..., có số lượng các văn bản được cơ quan Tư pháp thẩm định, góp ý vượt hơn nhiều so với năm trước. Nhiều cơ quan tư pháp, Tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã trở thành bộ phận tham mưu, tư vấn cho việc xây dựng, ban hành VBQPPL của UBND, HĐND, các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức kiểm tra các văn bản liên quan đến các lĩnh vực quản lý của mình; phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền... góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản, từng bước hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, khẳng định vị thế của cơ quan Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương trong công tác văn bản.
Năm 2007, toàn Ngành triển khai thực hiện nhiều văn bản mới như Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, Luật Luật sư, Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường vai trò tự quản cho các tổ chức luật sư; từng bước được bổ sung, nâng cao kiến thức pháp luật và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên tư pháp (cấp thẻ cho 2040 giám định viên); đưa hoạt động đấu giá tài sản ở nhiều địa phương đi vào thế ổn định và phát triển với số lượng hợp đồng bán đấu giá được ký kết, số vụ việc đấu giá thành, giá trị tài sản bán đấu giá tăng mạnh so với năm 2006. Nhiều địa phương đã chuyển toàn bộ việc đấu giá quyền sử dụng đất cho các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá của Sở Tư pháp; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phát hiện, loại trừ được nhiều trường hợp kết hôn không lành mạnh, góp phần làm cho tỷ lệ phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc không tăng so với năm 2006 (có nơi như Tây Ninh giảm đến 70% so với năm 2006). Bộ cũng đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án ký kết Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi quốc tế.Là năm thứ 3 triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW và là năm cuối cùng thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2003 - 2007, năm 2007, toàn Ngành tiếp tục huy động được lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác PBGDPL; tiếp tục hướng mạnh hoạt động TTPBGDPL về cơ sở;... Đặc biệt, năm 2007 toàn Ngành tập trung cao độ cho hoạt động TTPBGDPL, góp phần phục vụ cho thành công của đợt bầu cử Quốc hội khoá XII. Cùng với hoạt động PBGDPL, năm 2007, công tác hòa giải được thực hiện tốt, góp phần giải quyết các tranh chấp ngay từ cơ sở, nhiều địa phương có tỷ lệ hoà giải thành cao như Sơn La 90%, Thái Bình 92%, Bắc Kạn 85%, Hà Tây 85%, Thanh Hoá 84%... Công tác TGPL năm 2007 đạt được nhiều kết quả tích cực trên đà kinh nghiệm của 10 năm thực hiện nhiệm vụ TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách và với tinh thần, khí thế mới của việc triển khai Luật TGPL.
Năm 2007 cũng là năm công tác quản lý và đăng ký giao dịch bảo đảm đi vào nề nếp và có xu hướng phát triển ngày càng mạnh, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường tài chính, tín dụng. Việc tổ chức thành công Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện công tác ĐKGDBĐ (2002-2005) đã góp phần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh để hoạt động này tiếp tục có bước phát triển mới, cơ bản hơn trong thời gian tới.


Không chỉ tập trung thực hiện tốt các hoạt động Tư pháp trong nước, năm 2007 toàn Ngành đã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành
Trong năm 2007, các cơ quan báo chí (Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật), NXB Tư pháp, cổng thông tin điện tử của Ngành tiếp tục có nhiều cố gắng trong việc khai thác các nguồn thông tin, phản ánh chính xác, kịp thời các vấn đề nổi bật của đất nước, của Ngành, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện công khai, dân chủ, chống tiêu cực, tham nhũng... Cũng trong năm 2007, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phục vụ tích cực cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ và các Sở Tư pháp.
Tuy nhiên, công tác tư pháp năm 2007 còn nhiều hạn chế, yếu kém cần được rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục để công tác năm 2008 được triển khai đúng phương hướng, có trọng tâm, trọng điểm với những chuyển biến mạnh mẽ hơn.

TIẾP TỤC VƯƠN LÊN
Đối với ngành Tư pháp, năm 2008 cũng là năm bản lề trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, triển khai sâu rộng các văn bản pháp luật mới được ban hành liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Ngành. Vì thế, nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong năm 2008 là rất nặng nề, đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính đột phá để tạo chuyển biến cơ bản trong các lĩnh vực của Ngành, nhất là trong công tác thẩm định văn bản và THADS.
Do vậy, năm 2008, toàn Ngành sẽ tập trung cao độ các nguồn lực để đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Đưa Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương và Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương xứng đáng là “người gác cổng”, chỗ dựa tin cậy, bộ phận tham mưu, tư vấn đắc lực cho Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND, HĐND trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện VBQPL; tạo chuyển biến cơ bản, về công tác THADS; tiếp tục lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với hoạt động tư pháp; Kiện toàn bộ máy và nhân sự của cơ quan tư pháp các cấp, nhất là tư pháp cấp xã. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường vai trò của báo chí, cổng thông tin điện tử; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của Bộ và Ngành; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng thể chế, chính sách, công tác cán bộ và THADS; hướng mạnh về cơ sở./.

Hương Giang
 

·        So với năm 2005, số lượng cán bộ các Sở Tư pháp đã tăng 17,5% , bình quân mỗi Sở Tư pháp có 50,27 cán bộ, mỗi đơn vị thuộc Sở có 5,47 cán bộ; các Phòng Tư pháp được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện với tổng số cán bộ tăng gần 20% so với thời điểm năm 2005, trung bình mỗi Phòng Tư pháp có 3,81 cán bộ; 98,8% đơn vị cấp xã có cán bộ tư pháp - hộ tịch chuyên trách (tăng 7,5% so với năm 2005), trong đó có 10,3% đơn vị cấp xã biên chế 02 cán bộ chuyên trách. Số cán bộ có trình độ hết lớp 12 tăng 5%, có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên tăng 8% so với năm 2005.

·        Tính đến 20/12/2007 có 20 văn bản, đề án (trong tổng số 47 văn bản, đề án các đơn vị thuộc Bộ đăng ký thực hiện) thuộc thẩm quyền ban hành, phê duyệt của Bộ được trình chính thức, chiếm 42,55% tổng số văn bản đã đăng ký; Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thành việc soạn thảo 12 văn bản, đề án trên tổng số 18 văn bản, đề án phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2007, đạt tỷ lệ 68 %, trong đó có 07 văn bản đã được ban hành.

·        Tính đến hết tháng 10/2007, các cơ quan Tư pháp địa phương trong toàn quốc đã giúp HĐND, UBND địa phương soạn thảo 12.893 VBQPPL. Tính đến hết ngày 30/11/2007, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định xong 373 văn bản, đề án, 82 điều ước quốc tế; góp ý vào 423 văn bản các loại do các Bộ, ngành gửi đến và 189 Điều ước quốc tế; cấp ý kiến pháp lý cho 27 khoản vay nước ngoài. Tính đến hết tháng 10/2007, các cơ quan Tư pháp địa phương đã thẩm định, góp ý kiến cho 30.516 VBQPPL, tăng 138% so với cùng kỳ năm ngoái.

·        Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2007 toàn Ngành đã kiểm tra được 170.574 văn bản, trong đó bước đầu đã phát hiện 2.958 văn bản có sai sót (riêng Bộ Tư pháp đã tiếp nhận để kiểm tra theo thẩm quyền 4.472 văn bản, phát hiện 320 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và đã có 31 công văn, chuyển 20 công văn của địa phương kiến nghị xử lý); tự kiểm tra, rà soát 114.685 văn bản, trên cơ sở đó Bộ Tư pháp và nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Danh mục các văn bản còn hiệu lực, hết hiệu lực và Danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

·        Tính đến hết ngày 31/9/2007, các cơ quan THADS trong toàn quốc đã thụ lý 648.266 việc (trong đó số thụ lý mới là 313.278 việc, chiếm 48,33%), đã uỷ thác 18.108 việc. Như vậy, số việc phải thi hành là 630.158 việc trong đó có 381.051 việc có điều kiện thi hành (chiếm 60%). Mặc dù số việc phải thi hành tăng 46.207 việc so với năm 2006 nhưng công tác THADS trong toàn quốc vẫn đạt được một số kết quả tích cực. So với năm 2006, năm 2007 đã khắc phục thêm được 25/47 đơn vị THADS cấp huyện chỉ có một Chấp hành viên; 25/39 đơn vị thiếu thủ trưởng cơ quan THA.