Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình: Bàn giải pháp tháo gỡ những nút thắt trong quy định của pháp luật

23/12/2007
Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình: Bàn giải pháp tháo gỡ những nút thắt trong quy định của pháp luật
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp vừa tới thăm, làm việc với UBND tỉnh và cán bộ, công chức ngành Tư pháp tỉnh Hòa Bình. Nhiều vấn đề rất đáng quan tâm tại địa phương cũng như những khó khăn trong công tác tư pháp đã trực tiếp được Bí thư tỉnh ủy Hoàng Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Tỉnh cùng các đồng chí thuộc Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình trao đổi với Đoàn Công tác nhằm tìm một giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
 2/3 công chức tư pháp xã chưa có trình độ trung cấp luật
Báo cáo với Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn công tác, ông Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch UBND Hòa Bình cho biết, hàng năm, Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh thẩm định trên dưới 50 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các mặt công tác khác như kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý … được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả. Về hoạt động bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, ông Tản cho biết, Đoàn Luật sư của tỉnh hiện có 6 luật sư và 3 người đang tập sự hành nghề luật sư. UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm giám định pháp y tỉnh gồm 4 giám định viên chuyên trách, 37 giám định viên vụ việc. Trong hai năm 2006, 2007, Trung tâm đã giám định cho 1.099 vụ việc theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Về thi hành án dân sự, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Sở Tư pháp Hòa Bình cho biết, năm 2006, toàn tỉnh thi hành đạt 92%, năm 2007 thi hành đạt 91% số việc có điều kiện thi hành. Đặc biệt, Hòa Bình là tỉnh ít khi phải dùng tới biện pháp cưỡng chế trong quá trình thi hành án. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của Tư pháp Hòa Bình là biên chế của các cơ quan tư pháp chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhất là biên chế của phòng tư pháp huyện, thành phố. Còn 2/3 công chức tư pháp cấp xã chưa có trình độ trung cấp luật.
Giật mình vì con số 2/3 này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cảnh báo một nguy cơ tiềm ẩn mất ổn định trong tương lai: " Trước kia, cán bộ Phòng công chức có chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác chứng thực bản sao, nên nhìn văn bản nào "có vấn đề" họ có thể biết ngay. Nay chúng ta giao hết cho tư pháp xã ký "sao y bản chính", kể cả những giao dịch về bất động sản. Tôi chắc chắn có không dưới 90% chứng nhận giao dịch tại tư pháp xã là làm hình thức bởi cán bộ tư pháp xã không thể đủ trình độ để nhận biết đâu là văn bản thật, đâu là văn bản bị làm giả. Điều này cự kỳ nguy hiểm và rất đáng lo ngại".
Cùng bày tỏ sự quan ngại về trình độ đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị các điều kiện để xin Chính phủ cho thành lập các trường Trung cấp pháp luật tại 3 miền, đào tạo một cách bài bản cán bộ tư pháp cấp xã. Nhưng trong lúc chờ đợi, theo Thứ trưởng Liên, tỉnh Hòa Bình nên tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ này: "Tỉnh Hòa Bình cứ làm đề xuất, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ về giáo viên, tài liệu học tập và nếu được thì hỗ trợ thêm một phần kinh phí". Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về sự quá tải của cán bộ tư pháp cấp xã, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nêu thực tế: " Trong công tác hành chính tư pháp, thời gian qua, Chính phủ thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cụ thể là lĩnh vực hộ tịch và công chứng, chứng thực, nhưng đúng là chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để phân cấp, dẫn tới tình trạng quá tải ở cán bộ tư pháp cấp xã. Bây giờ muốn khắc phục được tình trạng này, Trung ương và địa phương phải hỗ trợ nhau giải quyết". Do đó, cả Bộ Trưởng Hà Hùng Cường và Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đều mong muốn lãnh đạo tỉnh Hòa Bình quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở.
Đề nghị bỏ cơ quan tiếp dân của Đảng và Nhà nước tại Trung ương
Trao đổi với Đoàn công tác, ông Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phản ánh, theo quy định của Luật đất đai, có dự án mới được cấp đất, nhưng theo quy định của Luật Đầu tư thì có đất mới được cấp dự án. Đây là những quy định mâu thuẫn nhau, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế của địa phương. Cũng theo ông Tỉnh, các quy định pháp luật về giải phóng mặt bằng hiện nay còn quá rườm rà, phức tạp, có thể nói giải phóng mặt bằng là vấn đề khó khăn nhất của các địa phương hiện nay, nhất là đối với các địa phương có nguồn vốn đầu tư lớn. "Luật quy định đất đai là sở hữu toàn dân, giao quyền sử dụng đất cho nhân dân thì dễ, nhưng lấy lại là cả một vấn đề vô cùng khó khăn. Nhiều khi chỉ một, vài hộ dân cố tình cản trở giải phóng mặt bằng là cả một dự án lớn dậm chân tại chỗ. Bây giờ pháp luật phải quy định rõ, nếu người dân cố tình cản trở giải phóng mặt bằng thì có vi phạm không, xử lý như thế nào? " - ông Tỉnh ý kiến. Do đó, ông Bùi Văn Tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ xây dựng thể chế sao cho minh bạch và trao quyền mạnh hơn cho địa phương trong việc giải phóng mặt bằng.
Góp thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Duyệt, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Hòa Bình nhận định, hiện nay, không chỉ Hòa Bình mà hầu như địa phương nào trên cả nước cũng gặp vướng mắc trong việc xác định giá tiền đền bù đối với diện tích đất liền kề. Hòa Bình càng khó khăn hơn vì ở đây diện tích đất liền kề của các hộ dân thường rất rộng.
Liên quan tới quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Bùi Văn Tỉnh đề xuất một kiến nghị có thể nói là rất mới: "Tôi đề nghị bỏ cơ quan tiếp dân của Đảng và Nhà nước tại Trung ương rồi quy định theo hướng những khiếu nại, tố cáo liên quan tới Bộ, ngành, địa phương nào thì nơi đó trực tiếp đứng ra giải quyết. Nếu Bộ, ngành, địa phương không giải quyết thỏa đáng thì người dân có quyền kiện ra tòa án hành chính, giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu người dân không kiện ra tòa hành chính mà cố tình đi khiếu nại thì tuyên việc khiếu nại đó hết hiệu lực". Theo ông Tỉnh, có quy định như vậy thì chúng ta mới dần dần tháo gỡ được những nút thắt đang càng ngày càng phức tạp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.
Ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Bộ Tư pháp đang tham mưu xây dựng một Nghị quyết về hoàn thiện thể chế về sở hữu, giải quyết mối quan hệ giữa sở hữu toàn dân về đất đai và trách nhiệm của người sử dụng đất, có thái độ rõ ràng đối với chủ sở hữu và người có quyền đối với tài sản (Nghị quyết 6 Trung ương). Dự kiến, Nghị quyết này sẽ được trình vào tháng 1/2008. Về vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo tại các văn bản luật và các quy định của pháp luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, dự kiến, năm 2008, Bộ Tư pháp sẽ xin ý kiến Quốc hội cho phép tiến hành tổng rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, từ đó kiến nghị hủy bỏ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật, sao cho luật pháp của chúng ta vừa chặt chẽ, vừa hiệu quả. Những kế hoạch, dự định này của Bộ Tư pháp được lãnh đạo tỉnh Hòa Bình rất hoan nghênh.
Đối với riêng công tác của ngành Tư pháp Hòa Bình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong muốn lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để tư pháp "vào cuộc" nhiều hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Về sự hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ đã có quy định rõ ràng trong việc hỗ trợ những tỉnh miền núi như Hòa Bình phát triển đội ngũ luật sư, công chứng… Bởi vậy, Bộ trưởng lưu ý ngành Tư pháp Hòa Bình nên chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xây dựng chiến lược phát triển từng lĩnh vực mà ngành mình quản lý.
Hồng Thúy - Báo PLVN