Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Hải Phòng và Hải Dương: Cần phát triển đội ngũ luật sư

05/12/2007
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Hải Phòng và Hải Dương: Cần phát triển đội ngũ luật sư
Trong hai ngày 30/11 và 1/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã tới thăm, làm việc với ngành tư pháp của TP Hải Phòng và Hải Dương. Những kết quả đáng ghi nhận cũng như nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong công tác thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật... đã được Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng lãnh đạo hai địa phương lắng nghe và chỉ đạo hướng giải quyết.

“Nhất thiết phải qua khâu thẩm định của Sở Tư pháp”

          Báo cáo với Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng cho biết, trong thời gian qua, công tác Tư pháp của thành phố đã được triển khai đồng bộ, đều khắp trên tất cả các lĩnh vực. Sở Tư pháp Thành phố đã tổ chức thực hiện tốt công tác thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trước khi các văn bản này được trình ký, ban hành. Từ tháng 10 năm nay, Hải Phòng là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thực hiện việc đăng công khai toàn văn các VBQPPL của Hội đồng nhân dân, UBND thành phố trên Phụ trương Pháp luật của thành phố.

"Trong công tác bổ trợ tư pháp, bán đấu giá tài sản là một trong những thế mạnh của tư pháp Hải Phòng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã tổ chức thành công 51 phiên bán đấu giá tài sản với tổng giá bán 61 tỷ 365 triệu đồng, vượt giá khởi điểm gần 16 tỷ đồng" - ông Thái phấn khởi báo cáo. Hải Phòng cũng là địa phương tổ chức thực hiện tốt các nội dung cải cách hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. 100% các đơn vị từ cấp xã, cấp huyện đến thành phố đều tổ chức triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả các việc về hộ tịch, quốc tịch theo cơ chế "một cửa" từ quý I/2006.

Tương tự như Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Tài, giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương cho biết, ngay từ đầu năm, ngành tư pháp Hải Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tới các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức trong toàn ngành và đã đạt được một số kết quả tích cực. Năm nay, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hoá VBQPPL đã cơ bản đi vào nền nếp. "Trước đây, các Sở, ban, ngành khi ban hành văn bản cứ "chạy thẳng" lên tỉnh để ký, nay chúng tôi yêu cầu nhất thiết phải qua khâu thẩm định của Sở Tư pháp và lãnh đạo tỉnh cũng chỉ ký khi văn bản đã qua thẩm định của Sở" - ông Tài nói.

           Đề nghị xã hội hoá công tác thi hành án và tính lại cách thống kê

Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự và tổ chức luật sư mà Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất quan tâm, Đoàn Công tác đã trực tiếp nghe ông Nguyễn Ngọc Nghinh, Trưởng THA dân sự thành phố Hải Phòng báo cáo tình hình. Ông Nghinh cho biết, trong năm 2007, tổng số việc mà THA Hải phòng phải thi hành là 19.650 việc thì chỉ có 7.288 việc có điều kiện thi hành, đến nay đã thi hành xong 5.759 việc. Từ thực tế công tác của Hải Phòng, ông Nghinh cho rằng, để giảm lượng án tồn đọng, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của cơ quan THA, đã đến lúc cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác thi hành án dân sự theo hướng tạo điều kiện để các công ty, các tổ chức thực hiện một số việc thi hành án, cơ quan THA và Chấp hành viên quản lý, hướng dẫn và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tổ chức thi hành án.

Cũng vướng mắc về thi hành án, ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương góp thêm, trong năm 2007, tổng số việc mà THA Hải Dương phải thi hành là 8.485 việc thì có tới 3.992 việc chưa có điều kiện thi hành. Ông Tài khẩn thiết: "Cứ tình hình này, số án tồn đọng càng ngày càng nhiều, có những án tuyên từ năm 1958 đến nay không có điều kiện thi hành nhưng năm nào cũng phải tính. Chúng tôi kiến nghị Bộ xem xét, cái nào thấy khó khả thi quá thì xoá, nếu không xoá được thì cũng nên "khoanh" lại, không đưa vào số liệu thống kê nữa".

Trả lời những băn khoăn, kiến nghị của Tư pháp Hải Phòng và Hải Dương, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Quốc hội đã đồng ý trong năm 2008 giao Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì xây dựng dự án Luật Thi hành án. Tất cả những khó khăn, vướng mắc trong công tác THA của các địa phương sẽ được Ban soạn thảo dự án cân nhắc, tìm hướng tháo gỡ bằng các quy định cụ thể trong Luật. "Nếu Hải Phòng nhận làm thí điểm xã hội hoá công tác THA dân sự thì Bộ rất hoan nghênh" - Bộ trưởng gợi ý. Tuy nhiên, trước mắt, Bộ trưởng đề nghị các địa phương nên chọn nơi, chọn cách làm có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác THA dân sự năm 2008.

Trong quá trình làm việc, vấn đề thiếu luật sư, tư pháp xã quá tải và thiếu kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng là những nội dung được hai địa phương tập trung kiến nghị với Bộ trưởng và Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp. Nhiều kiến nghị đã được các thành viên Đoàn giải đáp trực tiếp. Về đội ngũ luật sư, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng với một thành phố năng động như Hải Phòng mà hiện nay mới có hơn 70 luật sư, Hải Dương mới có 41 luật sư là quá ít so với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm, tạo điều kiện  về trụ sở cũng như các điều kiện khác cho sự phát triển của đội ngũ luật sư. Lãnh đạo hai địa phương đều nhất trí sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Tư pháp và mong ngành Tư pháp cũng tiếp tục nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển chung của địa phương. 

Ông Phan Nhật Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trăn trở: "Có những lúc chúng tôi nghĩ hay cho tiền để đẩy mạnh công tác THA lên, nhưng nếu làm thế thì không đúng luật. Nói như thế để thấy rằng lãnh đạo tỉnh Hải Dương rất quan tâm và trăn trở với công tác THA dân sự, nhưng đúng là cách thống kê số lượng các vụ việc THA hàng năm cần xem xét lại".



Ông Hoàng Văn Kể, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định: "Đối với Hải Phòng, tư pháp là nơi "canh" rất chắc "cửa" ban hành VBQPPL, góp phần rất tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố".


  

 Hồng Thuý - Ban Thời sự, Báo Pháp luật VN