Việt Nam và Lào sẽ sớm giải quyết vấn đề quốc tịch ở khu vực biên giới chung

22/11/2007
Ngày 21/11, sau hai ngày làm việc tại trụ sở Bộ Tư pháp Lào ở thủ đô Viêng Chăn, Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào do Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Cha Lơn Ya Pao Hơ (Chaleune Yiapaoher) dẫn đầu đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác pháp luật, tư pháp giữa hai nước Việt Nam – Lào. Bên cạnh việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong một số lĩnh vực như thi hành án, công chứng, luật sư, hộ tịch, hai bên cũng quyết tâm trong năm tới sẽ cùng nhau giải quyết một số vấn đề chung liên quan tới quốc tịch của đồng bào sống gần biên giới chung của hai nước.

Chiều qua (21/11), sau hai ngày làm việc tại trụ sở Bộ Tư pháp Lào ở thủ đô Viêng Chăn, Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào do Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Cha Lơn Ya Pao Hơ (Chaleune Yiapaoher) dẫn đầu đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác pháp luật, tư pháp giữa hai nước Việt Nam – Lào. Bên cạnh việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong một số lĩnh vực như thi hành án, công chứng, luật sư, hộ tịch, hai bên cũng quyết tâm trong năm tới sẽ cùng nhau giải quyết một số vấn đề chung liên quan tới quốc tịch của đồng bào sống gần biên giới chung của hai nước.

Một trong những vấn đề hai bên hết sức quan tâm trong chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng Đoàn tới Lào là trao đổi thông tin và tìm cách giải quyết sớm đối với vấn đề quốc tịch cho đồng bào Việt Nam và Lào sinh sống hai bên biên giới Việt-Lào. Biên giới giữa Việt Nam và Lào là biên giới rất hữu nghị. Đường biên giới tự nhiên cơ bản đã xác định xong, nhưng biên giới “mềm” (dân cư) thì giải quyết nhiều năm nay chưa xong. Như vậy, để đảm bảo về mọi mặt cho biên giới chung, hai bên cần thiết phải quản lý chặt chẽ hộ tịch ở cả hai phía. Theo con số đã thống nhất, tính đến cuối năm 2006, về phía Việt Nam có 999 hộ gia đình mà tổng số nhân khẩu gần 5200 người dân Lào đang sinh sống trên phần lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa nhập hộ khẩu Việt Nam. Ngược lại, người dân Việt Nam bên lãnh thổ lào cũng không ít.

Trước đây, hai bên đã có thoả thuận Cửa Lò, theo đó có những nguyên tắc giải quyết về hộ tịch và quốc tịch cho đồng bào của hai bên. Tuy nhiên, hiện nay, khi bà con Lào sinh sống trên phần lãnh thổ Việt Nam muốn nhập hộ khẩu Việt Nam và ngược lại, công việc giải quyết rất khó khăn. Người Lào muốn nhập hộ khẩu Việt Nam đăng ký lên Bộ Tư pháp rất nhiều, trong khi đó Việt Nam quy định họ phải bỏ quốc tịch Lào rồi mới nhập được quốc tịch Việt Nam. Nhưng những người này đều nghèo, không có điều kiện kinh tế để về Viêng Chăn hoàn tất thủ tục.

Để giải quyết được vấn đề vướng mắc trên, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp Bộ Tư pháp Việt Nam đề xuất phương án: Cơ quan tư pháp Việt Nam và Lào cùng đứng ra làm việc. Theo đó, Bộ Tư pháp Việt Nam gửi danh sách cho Bộ Tư pháp Lào và Bộ Tư pháp Lào cho phép những người đó thôi quốc tịch Lào để chuyển quốc tịch Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam sẽ miễn tất cả các điều kiện khác, kể cả tiền phí 1 triệu. Vì hộ tịch và quốc tịch là hai vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau nên phía Việt  Nam mong muốn bạn Lào nhanh chóng tiến hành ngay việc đăng ký hộ tịch. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với phía Lào để cùng nhau giải quyết.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, giải quyết vấn đề quốc tịch là trách nhiệm của Bộ Tư pháp Việt Nam, không chỉ riêng quốc tịch cho bà con ở khu vực biên giới với Lào mà còn với Campuchia. Bộ trưởng rất chia sẻ những khó khăn của đồng bào ở những khu vực này: điều kiện kinh tế khó khăn, dân trí thấp, họ không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh trong khi vẫn tiếp tục sinh con cái… Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào cần cùng phải cố gắng để giải quyết vấn đề không rõ ràng về quốc tịch này. Theo luật pháp quốc tế, khi phân định biên giới, cần phải để cho bà con có quyền lựa chọn theo quốc tịch nào, phải làm sao để họ hiểu rằng họ cần có quốc tịch, được hưởng các quyền… Nhất trí với Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Cha Lơn Ya Pao Hơ nói rằng, Bộ Tư pháp Lào sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao Lào để làm thủ tục bỏ quốc tịch Lào cho bà con nào muốn nhập quốc tịch Việt Nam làm sao để tạo điều kiện thuận lợi, không gây khó cho dân.

Bên cạnh vấn đề quốc tịch, hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi về việc hợp tác trong công tác đào tạo cán bộ. Bộ trưởng Cha Lơn Ya Pao Hơ đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam giúp đỡ Bộ Tư pháp Lào đào tạo mỗi năm 1 học viên học chương trình tiến sĩ luật, 5 học viên học chương trình thạc sĩ luật, 15 đến 20 sinh viên học chương trình cử nhân luật. Việc đào tạo sẽ được thực hiện bằng tiếng Việt, nhưng Bộ trưởng cũng hy vọng là trong tương lai các học viên của Lào sẽ được đào tạo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp tại Việt Nam. Nâng cao chất lượng đào tạo, ý thức học tập của học viên, sinh viên Lào, đặc biệt là tiêu chuẩn thông thạo tiếng Việt cũng được hai Bộ trưởng quan tâm. Ngoài ra, mỗi năm Bộ Tư pháp Lào gửi khoảng 20 cán bộ tư pháp đi nghiên cứu chuyên đề về những vấn đề pháp luật và quản lý công tác tư pháp. Bộ trưởng Cha Lơn Ya Pao Hơ cũng đề nghị Việt Nam giúp đỡ việc thành lập trung tâm thông tin vào năm 2008. Việc thành lập Trung tâm là rất cần thiết vì Lào hiện chưa có mạng Internet trên toàn quốc. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng ý với đề nghị đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ và cử nhân luật cho Bộ Tư pháp Lào. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc khung khổ hợp tác giữa hai Chính phủ. Bộ Tư pháp Lào sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ về đề xuất này.

Về chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp trong năm 2008, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chính thức mời đồng chí Bộ trưởng thăm Việt Nam vào tháng 3/ 2008. Một trong những nội dung trao đổi trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào là  một số nội dung của Nghị quyết TW 5, về cải cách tư pháp và pháp luật. Chuyên đề về quản lý hộ tịch sẽ là nội dung được ưu tiên tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm với Bộ Tư pháp Lào, đặc biệt là việc tham khảo mô hình quản lý hộ tịch tại các phường, xã tại địa bàn Tp Hồ Chí Minh, địa phương đi đầu trong việc tin học hoá lĩnh vực hộ tịch. Về đề nghị thành lập Trung tâm thông tin, Bộ tư pháp Việt Nam sẽ cử một đoàn cán bộ sang khảo sát tại Lào để tìm hiểu nhu cầu và khả năng đáp ứng của phía Việt Nam.

Ngoài những vấn đề nêu trên, trong hai ngày làm việc, Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào cũng trao đổi kinh nghiệm về thi hành án, công chứng, tổ chức hoạt động luật sư…

Thuỷ Thu