Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nhiều chủ trương đúng nhưng thực hiện còn mức độ

04/01/2008
Trong hai ngày làm việc, (mùng 3- 4/1), Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008 diễn ra rất sôi nổi với phần thảo luận của đại diện các Sở Tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố, đại diện pháp chế Bộ, ngành và ý kiến giải đáp của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ về những vấn đề liên quan.

Bên cạnh việc thảo luận Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2007, phương hướng công tác năm 2008 và Chương trình trọng tâm công tác của ngành Tư pháp năm 2008, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh 2 báo cáo chuyên đề. Đó là 'Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp đẩy mạnh giải quyết vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng" và "Công tác công chứng, chứng thực". Phóng viên Báo Pháp luật VN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Hội nghị ngày hôm qua.

" Ý KIẾN KHÁC NHAU LÀ CHUYỆN BÌNH THƯỜNG"

PV: Hội nghị Ngành là dịp để trung ương và địa phương trao đi đổi lại những vướng mắc trong quá trình công tác của một năm, thế nhưng có những vấn đề mà trung ương và địa phương chưa đồng quan điểm. Ví dụ như trong công tác công chứng, chứng thực, địa phương kêu quá tải còn Vụ hành chính tư pháp lại cho rằng trước kia địa phương rất hoan nghênh chủ trương phân cấp, nay quá tải là do thụ động chờ hướng dẫn. Là người cầm trịch, ông sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Việc còn nhiều ý kiến khác nhau trước một vấn đề là chuyện bình thường. Khi tôi làm Thứ trưởng ở Bộ Tư pháp, phụ trách lĩnh vực công chứng, chứng thực, hộ tịch, tôi cũng đã nghe rất nhiều ý kiến liên quan đến việc làm sao để phân cấp mạnh trong lĩnh vực công chứng, chứng thực.  Lúc đó chính tôi cũng trần trừ. Trần trừ bởi vì việc phân cấp về chủ trương là đúng, nhưng điều kiện như nào để bảo đảm phân cấp đạt hiệu quả cao, đặc biệt không gây hậu quả gì nghiêm trọng trong xã hội là vấn đề rất lớn.  Trong thời gian tôi nhận công tác ở Quảng Bình thì Chính phủ ban hành một Nghị định mới về hộ tịch, sau này tách chứng thực ra khỏi công chứng cũng có Nghị định mới. Quả thực tôi nghĩ đây là một việc rất đúng về mặt chủ trương, nhưng sự phối kết hợp làm sao để bảo đảm điều kiện  thực hiện cũng còn có mức độ. Cho nên, có thể nói, trong 4 - 5 tháng đầu có sự xáo trộn rất lớn, gây quá tải ở địa phương. Tuy nhiên, theo tôi, quá tải về công việc cũng chỉ là một mặt thôi.  Quá tải mà biết tập trung vào làm việc, biết tiết kiệm thời gian, biết làm thêm giờ, biết làm thêm ngày thứ 7, chủ nhật  thì cũng có thể giải quyết được. Nhưng "cái đau khổ nhất" là tình trạng cán bộ tư pháp xã, phường phần lớn chưa được đào tạo về mặt pháp luật. Họ lại không được trang bị về mặt kỹ thuật, những phương tiện cần thiết để phát hiện cái thật và cái giả. Trước kia cán bộ phòng công chứng chuyên nghiệp như vậy mà trong quá trình làm việc cũng còn để sót những cái giả. Văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ, giấy tờ giả… không phải mắt thường ai cũng có thể nhận ra được, kể cả những người có kinh nghiệm. Nay ta chuyển giao "ụp" một cái về cơ sở thì đúng là có  khó khăn. Nói địa phương không đồng tình thì cũng không phải, nhưng chắc chắn địa phương sẽ thấy quá tải do không được chuẩn bị. Mà trách nhiệm là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đúng sai làm sao, có tiềm ẩn cái gì không, mất ổn định cái gì không… là lo ngại của địa phương. Chúng tôi cho rằng những lo lắng đó là hoàn toàn đúng.

Bây giờ việc thì đã phân cấp rồi, cái chính là cùng nhau phối hợp giải quyết sao cho có hiệu quả. Về vấn đề này tôi đã xin chủ trương và Chính phủ cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc để trong thời gian tới Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ có kiểm tra liên ngành trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ tư pháp, hộ tịch cả về trình độ, cả về chuyên môn, cả về lề lối làm việc, từ đó phân tích xem những đầu việc nào hiện nay đang thực hiện mà cần thêm người, chế độ làm việc ra làm sao, cần bồi dưỡng nghiệp vụ những vấn đề gì. Về vấn đề trình độ cán bộ thì tôi rất đồng tình với ý kiến của các địa phương, không chỉ có cán bộ tư pháp, hộ tịch đâu, các lĩnh vực khác cũng rất cần được bồi dưỡng, nâng cao. Một vấn đề nữa mà tôi cũng muốn đề cập tới đó là lề lối, tác phong làm việc. Nhiều nơi hiện nay công chức cấp xã mới chỉ được hưởng phụ cấp chứ không phải được hưởng lương, vậy nên chế độ làm việc 8 tiếng một ngày cũng chưa được chấp hành. Công việc của chính quyền, của nhà nước mà nhiều khi coi là việc phụ thì rất nguy hiểm. 

PV: Có nghĩa là những khó khăn hiện nay mà các địa phương phản ánh là có thật chứ không phải chỉ do địa phương thụ động chờ sự hướng dẫn của Chính phủ, dẫn đến quá tải?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:  Những nơi tập trung nguồn nhân lực cao và có điều kiện về ngân sách, ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng thì việc phân cấp được tiến hành tương đối thuận. Nhưng những nơi khó khăn về nhân lực, nguồn kinh phí ít mà yêu cầu phải cạnh tranh ngang bằng nhau về chất lượng công việc thì cũng rất khó thực hiện. Từ thực tế này chúng ta cũng nên rút ra một bài học về xây dựng luật pháp, khi phân cấp, nhất là liên quan tới vấn đề tự quản của địa phương  thì cũng nên tính toán một cách toàn diện tới trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, dân trí của từng địa phương mà có sự điều chỉnh cho phù hợp.

PV: Theo Bộ trưởng thì việc luân chuyển, đưa cán bộ từ trung ương về cơ sở làm việc liệu có là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cán bộ cả ở trung ương và địa phương?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Việc luân chuyển cán bộ gắn với quy hoạch, luân chuyển gắn với đào tạo, bồi dưỡng, gắn với việc quay trở lại thì hiện nay chúng tôi đang bàn. Thế nhưng hiện nay có thực tế Cơ quan Bộ Tư pháp có rất nhiều cán bộ trẻ, mà phần lớn là mới dời ghế nhà  trường, có thể nói là kiến thức  xã hội, những trải nghiệm trong cuộc đời cũng còn có mức độ, bây giờ lại ngồi vào ghế làm chính sách, thẩm định chính sách thì cũng có bất cập. Nhưng đã tuyển dụng người ta vào rồi thì phải sử dụng và để sử dụng thế nào cho hiệu quả thì phải tổ chức đưa đi thực tế. Đó không phải là luân chuyển. Đó gọi là đưa cán bộ trẻ đi thực tế. Cái này thì Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ đang chuẩn bị một Đề án. Tới đây khi có Đề án rồi thì chúng tôi sẽ làm cụ thể hơn. Nhưng chủ trương của Bộ Tư pháp là  muốn  số cán bộ trẻ phải về tận cơ sở với dân, cơ sở ở đây là xã, phường, thị trấn, chứ không phải là quận, huyện, vì quận, huyện cũng còn xa với thực tế đời sống hàng ngày của người dân cơ sở.

Thẩm định VB pháp luật: Chưa phát huy hết tinh thần làm việc tập thể

PV: Báo cáo tổng kết cuối năm 2007 của ngành Tư pháp thẳng thắn cho rằng công tác thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua  vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao. Để khắc phục hạn chế này, năm 2008 ngành Tư pháp cần phải làm gì, thưa Bộ Trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Công tác thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật đang ngày càng khó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nhiều. Thẩm định sao cho văn bản đó vừa phù hợp thực tiễn, vừa đảm bảo tính dự báo để có tuổi thọ cao là một vấn đề lớn. Theo tôi, nguyên nhân bất cập, nếu nói  từ năng lực của Bộ Tư pháp nói riêng và ngành tư pháp nói chung cũng chỉ là một phần thôi, vì trong nhiều năm qua, nhất là từ khi ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình độ cán bộ chuyên trách đã được nâng lên rất nhiều. Vấn đề phải chăng nằm ở chỗ, sự điều hành để phát huy trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân trong từng công đoạn của quy trình vẫn cần phải xem xét lại. Theo tôi, nếu biết tổ chức tốt thì chất lượng sẽ cao hơn.

PV: Vậy để tổ chức tốt hơn công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có kiến nghị gì  với Chính phủ để bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Vừa rồi, tại một hội thảo khoa học của Bộ Tư pháp, nhiều người đã đề xuất nên lập một hội đồng mang tính cố định tương đối, nhưng có các thành phần bắt buộc tham gia để xem xét, thẩm định luật. Cũng vừa qua, khi xây dựng lại nghị định về chức năng, nhiệm vụ các bộ máy của ngành theo hướng tập trung trách nhiệm cao hơn cho Bộ Tư pháp, chúng tôi cũng đã đề cao công tác thẩm định Luật. Vì như xưa nay, đầu mối thẩm định vẫn còn phân tán. Đâu là lĩnh vực Bộ Tư pháp phải thẩm định? Đâu là do Văn phòng Chính phủ? Cái chính là cần phải có một cơ quan chủ trì theo dõi chung xem pháp luật đi vào cuộc sống thế nào để tham mưu cho Chính phủ. Có gì bất cập, lạc hậu, chồng chéo, mâu thuẫn phải sửa đổi? Cần kiến nghị bổ sung điều gì?.v.v... Bộ Tư pháp cũng đã kiến nghị giao bổ sung nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi chung về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tham gia cùng các bộ, ngành trong chỉ đạo điều hành cụ thể và tăng thêm chức năng tư vấn... Tất nhiên, mỗi bộ mỗi ngành của Chính phủ vẫn phải cùng chịu trách nhiệm trong lĩnh vực của mình. Chúng tôi sẽ làm đầu mối, chắp nối, theo dõi chung tình hình thực hiện. Đó là kiến nghị, còn từ trước đến nay Bộ Tư pháp vẫn tham gia tư vấn cho Chính phủ trong việc thực thi pháp luật, việc ban hành các văn bản hành chính ở nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống.  

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng !

Hồng Thúy