Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

11/10/2006
Từ ngày 9/10, Ban Bí thư đã triệu tập hơn 600 cán bộ chủ chốt của các Ban, Bộ, ngành, địa phương về Hà Nội để phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá X. Ngày 10/10, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng đã giới thiệu với Hội nghị những nội dung cơ bản trong chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

1. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tập trung 5 nhóm nội dung dung chính:

Nhóm thứ nhất: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật PCTN. Theo đó, ngoài việc chỉ đạo thành lập các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tại Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật PCTN, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải ban hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; quy định cụ thể về công khai, minh bạch trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; xây dựng, ban hành và công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn có liên quan.

Nhóm thứ hai: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các thể chế, chính sách. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh tập trung rà soát các VBQPPL và quy trình công tác của cơ quan, đơn vị; hệ thống hóa những quy định về thủ tục, giấy tờ và thời hạn giải quyết để loại bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp Luật PCTN, tiến hành công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và tại công sở để làm căn cứ cho nhân dân giám sát; tập trung thực hiện cải cách hành chính trong một số lĩnh vực trọng điểm như quản lý nhà đất, xây dựng cơ bản, xét duyệt dự án, cấp ngân sách.v.v.

Nhóm thứ ba: Tuyên truyền phổ biến Luật PCTN. Thực hiện nhiệm vụ này, các Bộ chức năng phối hợp với  Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật PCTN sâu rộng trong quần chúng nhân dân, cán bộ, công chức. Các bộ, ngành và UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức quán triệt Luật PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan mình; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch PCTN của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Nhóm thứ tư: Phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trong việc thực thi Luật PCTN. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng quy định cụ thể về vấn đề này; có trách nhiệm giải quyết kịp thời và trả lời khi nhận được yêu cầu của Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí về các nội dung liên quan đến tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.

Nhóm thứ năm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, tập trung thanh tra 4 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư XDCB, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu chi ngân sách và quản lý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức trách công vụ; trong đó đặt trọng tâm thanh tra các công trình, dự án dư luận bức xúc, có dấu hiệu tiêu cực, các doanh nghiệp lớn thuộc các ngành xây dựng, nông nghiệp, thuỷ lợi. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm vụ việc tố cáo tham nhũng còn tồn đọng, xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng; thông qua công tác đấu tranh chống tham nhũng chỉ đạo tìm ra nguyên nhân, điều kiện, sơ hở để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp. Tổ chức thanh tra công vụ ở một số lĩnh vực như: quản lý nhà, đất; cấp phép đầu tư, xây dựng; thuế, hải quan, đăng kiểm v.v... và một số vụ việc cụ thể được nhân dân, công luận phản ánh.

Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình này lên Thủ tướng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.

2. Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 6 nhóm nội dung chính:

Nhóm thứ nhất: Ban hành đồng bộ các VBQPPL để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nội dung này, Chính phủ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải xây dựng và ban hành các VBQPPL hướng dẫn và thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thực hiện rà soát các VBQPPL có liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ nếu không phù hợp với yêu cầu của Luật.

Nhóm thứ hai: Tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh phối hợp với các đoàn thể, tổ chức quần chúng có trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến từng cán bộ, công chức, viên chức, hội viên. Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về vấn đề này.

Nhóm thứ ba: Hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thực hiện tổng rà soát các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực để trong năm 2006 về cơ bản sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đầu tư XDCB; quản lý, sử dụng trụ sở, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng và tài sản công khác; khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Nhóm thứ tư: Thực hiện công khai tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nghiêm ngặt việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn để tạo điều kiện cho việc giám sát.

Nhóm thứ năm: Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, Thanh tra Chính phủ và lực lượng thanh tra nhà nước các cấp, các ngành tập trung thực hiện kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 7 lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, dự án sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng; cácchương trình quốc gia; quản lý, sử dụng viện trợ, tài trợ nước ngoài; mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại; mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo xử lý dứt điểm, kịp thời, công khai các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhóm thứ sáu: Tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh phải thực hiện các biện pháp cụ thể, trọng tâm được nêu trong Chương trình công tác để tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiện, chống lãng phí, tập trung trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại công ty nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan này phải đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thông báo, từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng sẽ tập trung đôn đốc, chỉ đạo Viện Kiểm sát NDTC, Toà án NDTC, Bộ Công an và các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung xử lý các vụ án tham nhũng và vụ việc tố cáo về tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo như: Vụ tham nhũng tại Ban Quản lý dự án PMU 18 (Bộ Giao thông - vận tải); vụ lợi dụng chức quyền, đưa và nhận hối lộ trong quá trình thanh tra các công trình xây dựng tại Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở tỉnh Khánh Hòa; vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo một số đơn vị trong ngành Bưu điện; vụ tham nhũng đất đại tại thị xã Đồ Sơn; một số vụ việc vi phạm tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam...

(Theo website Chính phủ)