Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X

05/10/2006
Thực hiện a href="http://www.moj.gov.vn/moj1/tag.idempotent.render.userLayoutRootNode.target.n409.uP?uP_root=me&cmd=item&ID=2327"Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X/a và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010, ngày 3 tháng 10 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2135/BTP-QĐ ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X

Chương trình hành động xác định những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu nhằm triển khai trong toàn ngành Tư pháp các quan điểm, đường lối của Nghị quyết Đại hội Đảng X về xây dựng Nhà nước và pháp luật, qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch và nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

Theo nội dung Chương trình hành động, trong giai đoạn 2006-2010, ngành Tư pháp tập trung vào 5 lĩnh vực hoạt động trọng tâm là: (1) công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, (2) công tác quản lý nhà nước về thi hành án, (3) công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ năng lực tiếp cận hệ thống pháp luật của nhân dân, (4) công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp, (5) công tác đào tạo cán bộ pháp luật và nghiên cứu khoa học pháp lý.

Nhiệm vụ trọng tâm chung của toàn ngành Tư pháp trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện pháp luật giai đoạn 2007-2012 là nâng cao năng lực, đổi mới cơ bản tư duy và phương thức hoạt động của các đơn vị trong ngành nhằm góp phần tích cực, hiệu quả thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng đã xác định là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Trong lĩnh vực thi hành án, ngành Tư pháp đặt ra nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2010 là nâng cao hiệu quả thi hành án, bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực phải được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân.

Ngành cũng đề cao nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, mở rộng các thiết chế hỗ trợ năng lực tiếp cận hệ thống pháp luật của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tư pháp trong sạch, vững mạnh theo tinh thần «phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư». Tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo luật và đào tạo nghề luật ở Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhất là sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

Được biết, để cụ thể hóa Chương trình hành động này, các đơn vị trong ngành Tư pháp bao gồm các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp và Thi hành án các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể giai đoạn 2006-2010. Kế hoạch này phải hoàn thành và báo cáo với Lãnh đạo Bộ trước ngày 30/10/2006. 

( Nguyễn Văn Cương )