Nghị định Chính phủ về công khai, minh bạch thông tin và cơ hội việc làm cho ngành Công nghệ thông tin

26/09/2006
Hai Nghị định a href="http://www.moj.gov.vn/webfile/download.php?sub_dir=/TrungDung/ND/2006/&file=ND90_2006.doc"90/2006/NĐ – CP/a và a href="http://www.moj.gov.vn/webfile/download.php?sub_dir=/TrungDung/ND/2006/&file=ND92_2006.doc"92/2006/NĐ- CP/a của Chính phủ không có một từ nào nói về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong hỗ trợ việc công khai minh bạch các thông tin. Nhưng theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những thông tin liên quan đến nhà ở và quy hoạch kinh tế xã hội nói trong hai Nghị định này sẽ phải công bố một cách công khai, minh bạch trên Trang tin điện tử Chính phủ và của các cơ quan thuộc Chính phủ, các cấp chính quyền. Đó chính là điều kiện tạo cơ hội việc làm to lớn cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông, đó là một động lực cho ngành này phát triển.
Ngày 06/9/2006 Chính phủ ban hành Nghị định 90/2006/NĐ-CP với nội dung: "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về phát triển nhà ở, quản lý việc sử dụng nhà ở, sở hữu nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005".   Nghị định gồm 8 chương với 81 điều quy định về  phát triển nhà ở bao gồm: dự án phát triển nhà ở, phát triển nhà ở thương mại, phát triển và quản lý nhà ở xã hội, phát triển và quản lý quỹ nhà ở công vụ;  Các quy định chi tiết về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;  Nội dung quản lý việc sử dụng nhà ở;  Một số quy định cụ thể về giao dịch về nhà ở;  Nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài;  Quản lý nhà nước về nhà ở, . . . 

Ngày 07 tháng 9 năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định 92/2006/NĐ - CP gồm 37 điều quy định chi tiết về: "Trách  nhiệm và trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế - xã hội; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh), quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện); quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực (trừ quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất)". 

Hai Nghị định trên liên quan trực tiếp đến sử dụng hiệu quả tài nguyên vô cùng quan trọng của quốc gia đó là đất đai và nhà ở, ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế, xã hội của mọi người dân Việt Nam bao gồm cả những người đang định cư ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã, đang và sẽ  tham gia đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam;  Ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển đất nước trong đó có các địa phương đó là "Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội".  Điểm mấu chốt và quan trọng nhất của  hai Nghị định trên là tính minh bạch và công khai hoá các thông tin liên quan được quy định trong điểm 2 điều 14 của Nghị định 90 là:  "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án phát triển nhà ở thương mại có trách nhiệm công bố công khai các yêu cầu cơ bản để lựa chọn chủ đầu tư, gồm: " (a) Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư dự án;  (b)Yêu cầu về quy hoạch - kiến trúc; các dạng, loại nhà ở; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác trong phạm vi dự án;  (c) Các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật, vệ sinh, môi trường cần đáp ứng;  (d) Khung giá đất tối thiểu và yêu cầu về tài chính, thuế mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định;  (đ) Yêu cầu về quỹ đất và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà chủ đầu tư phải chuyển giao (nếu có);  (e) Yêu cầu về quản lý vận hành và khai thác dự án sau đầu tư mà chủ đầu tư phải đáp ứng;  (g) Thời gian nhận hồ sơ xin đăng ký làm chủ đầu tư dự án;  (h) Các thông tin cần thiết khác có liên quan đến dự án"  và: "Sau khi quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trình quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố công khai, thông báo quy hoạch (trừ quy hoạch có nội dung bí mật quốc gia) để: "Mọi công dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận nghiên cứu và khai thác" như quy định tại điểm 7 thuộc Điều 11 Nghị định 92.       

Các quy hoạch kinh tế xã hội và nhà ở cần được xây dựng một cách khách quan, khoa học, có tính khả thi và sử dụng tài nguyên quốc gia với hiệu quả cao nhất, quyền lợi địa phương phù hợp với quyền lợi quốc gia trước mắt và lâu dài.  Để thực hiện được nó đòi hỏi cấp làm dự án tiếp thu trong quá trình đối thoại với dân những ý kiến tâm huyết để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo một tinh thần làm việc khoa học, thực tế, tận tụy vì lợi ích quốc gia là trên hết. Đáng lưu ý, về tính nghiêm minh của Nghị định là "Các cơ quan chức năng nhà nước, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch, lập quy hoạch và thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành mà không làm đầy đủ nhiệm vụ được giao hoặc tự đặt ra các thủ tục, yêu cầu ngoài quy định, trì hoãn việc thẩm định, trình phê duyệt khi đã có đủ các điều kiện thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".

Hai Nghị định trên của Chính phủ không có một từ nào nói về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong hỗ trợ việc công khai minh bạch các thông tin.  Nhưng theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những thông tin liên quan đến nhà ở và quy hoạch kinh tế xã hội nói trong hai Nghị định này sẽ phải công bố một cách công khai, minh bạch trên trang tin điện tử của Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và các cấp chính qụyền. Đó chính là điều kiện  tạo cơ hội việc làm to lớn cho ngành công nghệ thông tin truyền thông, đó là một động lực cho ngành này phát triển. 

Quá trình triển khai thực hiện một cách công khai minh bạch hai Nghị định 90 và 92 của Chính phủ tự nó tạo ra một lượng thông tin khổng lồ liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhà ở tại các địa phương và trong toàn quốc, một khi được số hoá và tích hợp trên các mạng tin học sẽ tạo ra nguồn tài nguyên thông tin điện tử to lớn của quốc gia. Nói  chính xác hơn đó chính là nguồn thông tin nguyên liệu ban đầu làm tiền đề cho việc hình thành nền kinh tế tri thức. Lượng thông tin đó được số hoá sẽ tạo nên khả năng sử dụng nó một cách linh hoạt, dễ dàng và hữu ích cho tất cả mọi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức có quan tâm. 

Mọi người dân, doanh nghiệp và tổ chức đều có quyền được hưởng cơ hội tiếp cận với các thông tin đó một cách công bằng, công khai, minh bạch bằng mọi phương tiện mà họ có thể có được theo hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân, tổ chức để hưởng lợi do hai Nghị định 90 và 92 của Chính phủ mang lại. Rõ ràng với ưu thế không bị rào cản về thời gian và không gian khi khai thác nội dung thông tin điện tử trên các trang tin điện tử sẽ mang lại cho  mọi người dân quyền bình đẳng về cơ hội tiếp cận thông tin liên quan đến hai Nghị định nêu trên một cách nhanh chóng nhất. Mặt khác, xuất phát từ tâm lý tự nhiên của người dân, doanh nghiệp và tổ chức thường tin tưởng tính chính thống, độ tin cậy của phương tiện công bố thông tin thuộc cơ quan hành chính nhà nước, vì vậy để đảm bảo công bố công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến nhà ở và quy hoạch kinh tế xã hội ở các địa phương và trung ương theo các Nghị định 90 và 92 của Chính phủ, các trang tin điện tử của các cấp chính quyền, trước hết là Trang tin Điện tử Chính phủ (Website Chính phủ) với tên miền http://www.chinhphu.vn  sẽ là phương tiện tỏ ra có độ tin cậy cao với tính kịp thời, chính thống và liên tục khi cung cấp các thông tin cho công chúng. 

Có thể nhìn thấy được, việc thực hiện hai Nghị định 90 và 92 một cách công khai minh bạch sẽ tạo ra một khối lượng việc làm rất lớn chưa thể định lượng hết cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông như : số hoá, lưu trữ, quản trị, quảng bá và xử lý, cung cấp dữ liệu, . . .  và không loại trừ từ yêu cầu thực tế đó sẽ có nhiều loại hình doanh nghiệp mới ra đời. Nhìn từ quan điểm của kinh tế học, hai Nghị định quan trọng này đã tạo ra sự kích cầu cho việc hình thành các mảng dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong lĩnh vực số hoá các hoạt động thiết kế, quy hoạch, kế hoạch, thông tin bản đồ, …  Mọi người dân và tổ chức tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể rất riêng của mình sẵn sàng trả tiền để được hưởng các dịch vụ cung cấp thông tin một cách chính thống, đầy đủ, tin cậy để có thể được tham gia góp ý về tính khả thi của các quy hoạch;  hơn thế nữa có thể được biết ngôi nhà mình đang ở có bị quy hoạch mới ảnh hưởng đến hay không, lựa chọn phương án đầu tư, mua bán nhà, . . . theo đúng mục tiêu của mình là một ví dụ trong muôn vàn hoàn cảnh cụ thể có thể xảy ra.  Như vậy nhu cầu được cung cấp thông tin liên quan đến quy hoạch kinh tế xã hội và nhà ở của người dân, tổ chức chắc chắn sẽ tạo ra nhiều dịch vụ, việc làm mới.

Mặt khác, còn một ý nghĩa rất to lớn của việc ra đời hai Nghị định nêu trên của Chính phủ, là từ nay sẽ xoá bỏ được một nguyên nhân cực kỳ quan trọng vốn gây ra sự bất bình của người dân và sự bức xúc của xã hội khi trước đây các thông tin về nhà đất, quy hoạch chưa được công khai hoá thường xuyên vô tình đã tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho một số ít người và tổ chức độc quyền nắm bắt được thông tin trước.  Có thể nói việc ban hành hai Nghị định này đã chứng tỏ Chính phủ đã nhìn rõ và kịp thời chặn đứng được một trong số nguyên nhân rất trầm trọng của tệ tham nhũng từ đất đai do thiếu công khai, minh bạch trong thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, nhà ở. 

Nhân dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin - truyền thông đang kỳ vọng hai Nghị định này sẽ sớm đi vào cuộc sống.

(Theo website Chính phủ)