Đề nghị chính thức thực hiện chế định thừa phát lại

09/11/2015
Đề nghị chính thức thực hiện chế định thừa phát lại
Sáng nay (9/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Báo cáo tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định TPL.

Qua thực tiễn triển khai thí điểm chế định TPL thời gian quan có thể đánh giá, việc thực hiện chế định TPL ở nước ta trong thời gian tới là cần thiết, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, thực tiễn và chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính

Hỗ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn

Hiện nay, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật lớn đã và đang được sửa đổi, bổ sung, một số quy định có liên quan gián tiếp tạo cơ sở pháp lý mở hướng cho hoạt động của TPL.

Theo Báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương liên quan và Báo cáo tổng kết của Chính phủ, hoạt động của TPL đã góp phần thực hiện tốt hơn những quy định liên quan của Hiến pháp năm 2013 như: Về quyền tư pháp và vị trí, vai trò của Tòa án; về hiệu lực thi hành của các bản án, quyết định của Tòa án; về cải cách bộ máy hành chính; về xã hội hóa dịch vụ công; về tôn trọng quyền và lựa chọn của người dân...

Hoạt động của TPL đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đối với hoạt động tư pháp, việc thí điểm chế định TPL không những không cản trở mà còn hỗ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đóng góp của người dân, xã hội đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, bớt gánh nặng cho ngân sách.

Quá trình thực hiện thí điểm TPL đã cung cấp nhiều dữ kiện, căn cứ mang tính khoa học và thực tiễn có giá trị để làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, tiến tới góp phần thực hiện thành công chủ trương về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của TPL trong thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Kết quả hoạt động của một số Văn phòng TPL còn chưa cao, chưa đồng đều, trong đó kết quả hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn thấp; trong hoạt động còn có sai sót; một số vướng mắc còn thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết triệt để...

“Nếu chế định này được thực hiện chính thức với việc hoàn thiện thêm một bước về thể chế, có thời gian, lộ trình phù hợp thì chắc chắn sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trên” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định.

Trong quá trình tổng kết việc thí điểm, Báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương liên quan đều đánh giá chế định này là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cơ quan, tổ chức và đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho triển khai chính thức.

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước theo hệ thống pháp luật thành văn thấy rằng, hầu hết các nước đều áp dụng mô hình TPL với tư cách là người được Nhà nước bổ nhiệm để hành nghề tự do, tự chủ tài chính. Đặc biệt, tất cả các nước chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang thị trường tại Đông Âu, Bắc Phi (An - giê - ri), Đông Nam Á (Campuchia) đều đã chuyển đổi mô hình từ cơ quan Thi hành án nhà nước/Thi hành án công sang hình thức TPL. Ở nước ta, nghề TPL cũng đã được thừa nhận tại miền Bắc cho đến năm 1950 và tại miền Nam cho đến năm 1945.

Thí điểm TPL đã thành công bước đầu

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm. Hoạt động TPL đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các văn phòng TPL khẳng định chủ trương và nội dung thí điểm đã thành công bước đầu, nhất là trong điều kiện các loại hình dịch vụ TPL cung cấp có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thí điểm chế định TPL là một chủ trương lớn về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp được xác định rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập nhưng đến nay, hoạt động của các tổ chức TPL đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng trên các mặt, phản ánh định hướng đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu của Hiến pháp 2013.

Qua kết quả tổng kết, về cơ bản các vấn đề về lý luận đã rõ, kết quả hoạt động của các tổ chức TPL thời gian qua là cơ sở thực tiễn quan trọng để xem xét cho phép mô hình tổ chức này được chính thức hoạt động. Do vậy, đa số ý kiến UBTP tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định TPL./.

                                                        H.Giang

Đến nay chế định TPL đang được thí điểm tại 13 địa phương với 53 Văn phòng TPL được thành lập, có 134 TPL, 295 Thư ký nghiệp vụ đang hành nghề tại các Văn phòng. Về hoạt động, tính đến ngày 30/9/2015, các Văn phòng TPL đã tống đạt được gần 940 ngàn văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 43 ngàn vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 136 tỷ đồng.

Với thời gian thực tế hoạt động là chưa nhiều (các Văn phòng TPL tại TP.HCM chính thức hoạt động từ giữa năm 2010; tại các địa phương mở rộng thí điểm, các Văn phòng TPL mới chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2013, đầu năm 2014) và còn rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm, do đó, kết quả nêu trên là đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của các Văn phòng TPL.