Đó là mong muốn của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thủ đô Chu Xuân Hòa khi trao đổi với phóng viên. Ông Hòa cho biết:
Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm nay song Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Thủ đô đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đã tống đạt trên 4 ngàn văn bản cho các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự; đã lập hàng trăm vi bằng trên các lĩnh vực của đời sống cho người dân; xác minh điều kiện thi hành án 1 vụ ; giải quyết một bản án bằng cách vận động hai bện tự thỏa thuận thi hành án và ghi nhận bằng Vi bằng sự kiện hai bên tự nghuyện giao tài sản cho nhau: một bên giao trên 5 tỷ VND và một bên bàn giao cho bên kia một ngôi nhà tại trung tâm quận Hoàn Kiếm ,trị giá trên 10 tỷ VND. Hiện nay Văn phòng có 14 cán bộ nhân viên, trong đó có 3 Thừa phát lại, 8 thư ký nghiệp vụ , một kế toán và 1 nhân viên lưu trữ. Tất cả đều được đào tạo bài bản, có năng lực trình độ, tâm huyết, phẩm chất đạo đức tốt. Văn phòng cũng đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động TPL được thuận lợi, hiệu quả.
Đặc biệt, mới đây, chúng tôi đã ký được hợp đồng với một số ngân hàng lớn để giúp họ trong việc lập vi bằng về giao nhận thông báo việc thực hiện lãi suất mới, kiểm kê tài sản…tạo lập chứng cứ cho Ngân hàng và cả người dân khi có những tranh chấp phát sinh.
Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, quận Cầu Giấy, sự sát sao của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội, sự phối hợp tích cực của các cơ quan ban ngành liên quan cũng như sự nỗ lực của chính đội ngũ cán bộ nhân viên trong Văn phòng. Chúng tôi luôn tâm niệm, đây là chế định còn hết sức mới mẻ, nên phải nỗ lực hết sức mình để khẳng định TPL rất cần thiết trong đời sống; tạo thêm cơ hội lựa chọn cho người dân cũng như giảm tải cho các cơ quan tư pháp.
Là một trong những văn phòng đầu tiên đi vào hoạt động, trong khi đây lại là một chế định mới, ban đầu hẳn sẽ có những khó khăn nhất định?
Hiện, hoạt động TPL chưa có hành lang pháp lý (Luật) nên chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, công tác tuyên truyền pháp luật dù đã làm nhưng nhìn chung hiểu biết của người dân về TPL vẫn còn nhiều hạn chế, từ đó việc sử dụng các dịch vụ của TPL chưa nhiều. Bên cạnh đó, một số cơ quan tư pháp, UBND xã, phường cũng nhận thức chưa đầy đủ về TPL nên phối hợp chưa kịp thời, cá biệt một số cơ quan còn từ chối không hợp tác. Những lý do này khiến doanh thu của Văn phòng trong năm đầu hoạt động còn hạn chế, trong bối cảnh chưa có sự hỗ trợ kinh phí ban đầu của nhà nước. Mặt khác, việc thanh toán chi phí tống đạt vẫn còn chậm, mức thu phí cho hoạt động tống đạt còn quá thấp nên cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của Văn phòng. Ví dụ chúng tôi đi tống đạt ở tận Hoài Đức, Đan Phượng, riêng chi phí di chuyển đã tốn hàng trăm ngàn chưa kể công sức, thời gian của anh em trong khi chỉ thu phí 130 ngàn/văn bản. Mức thu đó không đủ chi phí anh em bỏ ra.
-Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, “số phận” của TPL sẽ được quyết định. Sau thời gian thí điểm ông mong muốn điều gì?
Chúng tôi đầu tư mở Văn phòng TPL trong bối cảnh TPL còn hết sức xa lạ với cán bộ và nhân dân, trong bối cảnh hành lang pháp lý còn rất thiếu và mọi thứ đều là “vạn sự khởi đầu nan” nên mọi người đều hiểu chúng tôi làm TPL bằng niềm tin, bằng tất cả sự tâm huyết. Chính vì thế, sau thời gian thí điểm, không phải cá nhân tôi mà anh em trong nghề đều mong muốn TPL được thừa nhận trong đời sống xã hội. Trên thực tế sau thời gian thí điểm, TPL đã bước đầu khẳng định vị trí của mình do đó chế định này cần được triển khai chính thức, có thể xem xét mở rộng ở những địa phương khác. Đặc biệt, để hoạt động TPL được ổn định, hiệu quả cần ban hành Luật về TPL trong đó quy định rõ địa vị pháp lý của TPL; những công việc TPL được làm; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan…Bên cạnh đó, cần sửa đổi bổ sung một số luật khác cho phù hợp như Luật THADS, BLHS, BLTTHS, BLTTDS…
-Xin cảm ơn ông!
Bình An (thực hiện)