Vĩnh Phúc: Tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

17/08/2015
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Tham dự Hội nghị có Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành – thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở Trung ương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang – Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tỉnh Vĩnh Phúc cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Cần tiếp tục triển khai thí điểm

Báo cáo tổng kết việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) tại Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Tư pháp Phùng Thị Kim Nga cho biết, việc triển khai thí điểm chế định TPL ở tỉnh trong thời gian qua thực hiện rất khẩn trương và quyết tâm. Về cơ bản, các ngành, các cấp nhất trí chủ trương và có sự phối hợp tốt trong suốt quá trình triển khai. Việc thí điểm cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân trong tỉnh và dư luận xã hội nói chung. Công tác tuyên truyền thì được làm tập trung, tác động lớn đến tâm lý của người dân và doanh nghiệp thông qua chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, chính quyền các cấp hỗ trợ tích cực cho TPL hoạt động… Vì vậy, hoạt động của các Văn phòng TPL thu được những kết quả đáng khích lệ dù thời gian thực hiện không nhiều và vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các Văn phòng TPL tống đạt được gần 10 nghìn văn bản, lập và đăng ký tại Sở Tư pháp hàng trăm vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án hàng chục việc…

Nêu quan điểm của TAND tỉnh về thực hiện thí điểm chế định TPL, Phó Chánh án Nguyễn Văn Hoa khẳng định, hoạt động TPL đã bổ trợ tích cực, góp phần giúp các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, giảm tình trạng quá tải trong công việc của Tòa án, giảm tải nhân lực, thời gian chi phí của Nhà nước cho những việc liên quan mà trước đây do Tòa án thực hiện, góp phần hạn chế án tồn đọng. Ông Nguyễn Văn Hoa phấn khởi cho biết, kể từ khi có Văn phòng TPL, tình trạng hoãn phiên tòa được giải quyết cơ bản, góp phần thi hành các phán quyết của Tòa án được triệt để, bảo vệ được sự nghiêm minh của pháp luật, tạo cơ chế tăng cường tính chủ động của người dân trong các quan hệ dân sự. Với vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy của chế định TPL, ông Nguyễn Văn Hoa kiến nghị cần tiếp tục triển khai thực hiện và nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện chủ trương thí điểm chế định TPL.

Nhất trí với kiến nghị trên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất thêm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động TPL, trong đó quy định rõ hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng TPL với cơ quan THADS. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về TPL cần đẩy mạnh hơn công tác đào tạo, tập huấn cho các TPL và các thư ký của Văn phòng TPL; chỉ đạo các Văn phòng TPL nhanh chóng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp…

Tìm giải pháp tổng thể cho việc thực hiện chế định TPL

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nhấn mạnh: Sau khi được Trung ương lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương, sự tham mưu tích cực của Sở Tư pháp, sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, THADS địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL ở địa phương. Cũng theo Phó Chủ tịch Vũ Chí Giang, 3 Văn phòng TPL tại TP.Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và huyện Vĩnh Tường được UBND tỉnh cho phép thành lập đã và đang hoạt động ổn định, bước đầu hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của TAND và Cơ quan THADS. “Hoạt động TPL đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội ở địa phương” – Phó Chủ tịch tỉnh nhận định.

Biểu dương những nỗ lực của các cơ quan tư pháp, các Sở, ban, ngành trong tỉnh và các TPL, Văn phòng TPL trong việc đưa chế định này vào cuộc sống, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành đánh giá: Là một trong những địa phương đi đầu về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai một cách bài bản, quyết liệt việc thí điểm chế định TPL, thể hiện quyết tâm, tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các Sở, ban, ngành của tỉnh đối với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Tổng cục trưởng chia sẻ, Ban Cán sự Đảng, Bộ Tư pháp luôn xác định kết quả triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố mở rộng thí điểm, trong đó có Vĩnh Phúc, đóng vai trò quan trọng, góp phần rất lớn vào việc xây dựng mô hình TPL trên toàn quốc. Từ kết quả tổng kết, Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có các giải pháp tổng thể cho giai đoạn thực hiện tiếp theo, đáng chú ý là việc xây dựng, ban hành Luật TPL.

Bởi thế, để thực hiện tốt chủ trương thí điểm TPL, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành đề nghị Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các cấp, các ngành nâng cao nhận thức, quyết tâm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội cho đến khi có chủ trương mới. Các cơ quan tư pháp, trước hết là Sở Tư pháp, Tòa án, Cục THADS cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc; phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Văn phòng TPL trong tổ chức và hoạt động. Về phía các Văn phòng TPL, cần đề cao tinh thần học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhằm đẩy mạnh kết quả hoạt động của các Văn phòng…

                                                              Thục Quyên