Hà Nội: Thừa phát lại từng bước khẳng định vai trò trong đời sống xã hội

28/07/2015
Theo đánh giá của Sở Tư pháp Hà Nội, sau gần 2 năm triển khai thí điểm, mô hình thừa phát lại (TPL) đã cung cấp cho người dân những dịch vụ pháp lý tốt đồng thời từng bước khẳng định vai trò cần thiết của mình.

Nhu cầu sử dụng vi bằng ngày càng lớn

Từ 5 Văn phòng đầu tiên đến nay Hà Nội đã có 8 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động với tổng số 29 Thừa phát lại. Ngoài ra còn có thêm 41 Thư ký nghiệp vụ, 23 nhân viên khác. 6 tháng đầu năm 2015, 8 Văn phòng Thừa phát lại của Thành phố đã lập được 820 vi bằng, tống đạt 20.886 văn bản của Tòa án, 7.094 văn bản của cơ quan thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án 21 vụ, tổ chức thi hành án 5/8 vụ. Số lượng vi bằng được các tổ chức, cá nhân sử dụng tăng lên với sự đa dạng về nội dung, yêu cầu; nhiều trường hợp tổ chức chính quyền dùng dịch vụ lập vi bằng của Thừa phát lại để thu hồi, giải phóng mặt bằng… Dịch vụ tống đạt văn bản đã cho thấy hiệu quả của việc chuyển giao công tác tống đạt của cơ quan thi hành án và cơ quan Tòa án; dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án cũng nhận được sự quan tâm của các tổ chức cá nhân, đặc biệt một số ngân hàng đã tin tưởng giao việc thi hành án cho Thừa phát lại.

Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự; tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong quá trình tố tụng tư pháp; có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự. Không chỉ mang đến lợi ích cho người dân, Thừa phát lại còn góp phần giảm tải rất lớn cho cơ quan tiến hành tố tụng, giúp cho Thẩm phán, thư ký có thêm thời gian nghiên cứu hồ sơ, nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết vụ án.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương nhận xét: “Với những kết quả tích cực đã đạt được, Thừa phát lại đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong hoạt động bổ trợ tư pháp và trong đời sống kinh tế- xã hội của Thủ đô, được người dân Thủ đô đón nhận, ủng hộ.”

Đảm bảo chất lượng hoạt động của thừa phát lại

Cũng theo bà Xuân Hương, thuận lợi là trong quá trình triển khai thực hiện, thừa phát lại luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Thành ủy, UBND Thành phố trong triển khai thực hiện thí điểm; cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan như: Tòa án, Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an Thành phố… Tuy nhiên, khó khăn là ở chỗ các quy định của pháp luật về Thừa phát lại hiện nay còn thiếu, chưa cụ thể nên trong quá trình triển khai thực hiện chế định này vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thêm vào đó, chế định Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân, người dân chưa quen với loại hình dịch vụ này nên còn tâm lý e ngại, chưa thật tin tưởng đối với một số việc do Thừa phát lại thực hiện; nhận thức của các cơ quan hữu quan về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Thừa phát lại cũng chưa thật rõ ràng, đầy đủ và còn thiếu sự thống nhất dẫn đến việc triển khai một số công việc để thực hiện thí điểm chế định này chưa được thông suốt, đồng bộ. Hiện nay, doanh thu chủ yếu của các văn phòng Thừa phát lại vẫn là ở việc lập vi bằng và tống đạt văn bản. Việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn chưa mang lại hiệu quả cao, số lượng công việc còn hạn chế. …

Thời gian tới, Phó Giám đốc Hồ Xuân Hương cho biết Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng để đưa Thừa phát lại đến với từng cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn Thành phố; Tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, quản trị văn phòng cho Trưởng văn phòng và các Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động Thừa phát lại; các Sở, ban, ngành có liên quan, theo chức năng nhiệm vụ của mình kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của thừa phát lại; tăng cường tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho thừa phát lại để đảm bảo chất lượng trong hoạt động của thừa phát lại.

                                                           Thu Hằng