Thừa phát lại ngày càng khẳng định vai trò trong đời sống

28/07/2015
Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2013 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL), đến nay sau thời gian triển khai đã đạt nhiều kết quả khả quan. Công tác thành lập, đăng ký hoạt động của Văn phòng TPL đã được các địa phương tích cực thực hiện, trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật.

Nhiều địa phương sớm lập đủ Văn phòng TPL

Tại 13 địa phương thực hiện thí điểm hiện đã thành lập được 52 Văn phòng TPL trên số lượng tối đa 66 Văn phòng TPL được phê duyệt, trong đó, các địa phương đã thành lập đủ Văn phòng TPL như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Về tổ chức nhân sự hiện có tổng số 127 TPL đang hành nghề, 272 Thư ký nghiệp vụ và 150 nhân viên khác. Về cơ bản, đội ngũ TPL có trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; các Văn phòng TPL đã bước đầu đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả, được người dân đón nhận.

Về cơ sở vật chất, các Văn phòng TPL đều có trụ sở khang trang, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc như máy tính, máy in, máy photo, máy ảnh; một số Văn phòng TPL khác còn trang bị phương tiện như ô tô, xe máy để phục vụ công tác, bảo đảm hoạt động thuận lợi, đúng quy định của pháp luật.

Về kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL, TP Hồ Chí Minh vẫn đang là địa phương dẫn đầu trong cả nước về doanh thu (các Văn phòng TPL của thành phố nàyđược thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010 theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội). Nếu ở thời điểm tháng 12/2014 hoạt động của các Văn phòng TPL ở TP Hồ Chí Minh đạt doanh thu 56 tỷ thì đến nay đạt khoảng gần 70 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hoạt động lập vi bằng và tống đạt văn bản. Nhìn chung, các Văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh đã ổn định và hoạt động có hiệu quả, cơ bản bảo đảm cân đối về mặt tài chính và bước đầu có lợi nhuận.

Tại 12 địa phương mở rộng thí điểm, doanh thu cũng gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, đến nay doanh thu và hoạt động của các địa phương này vẫn chủ yếu từ việc tống đạt văn bản, việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành án chiếm tỷ lệ không nhiều.

Việc xác minh điều kiện thi hành án chưa nhiều

Nhìn chung, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL đã được các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện đúng, nghiêm túc và đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện ở các mặt như: Về nhận thức, đã đưa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống; Công tác xây dựng thể chế, cơ bản đáp ứng về cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của TPL; Công tác hướng dẫn, chỉ đạo được các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm, nhiều khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan đã được giải quyết, khắc phục; Bộ Tư pháp và các địa phương thí điểm đã xây dựng và đang triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định TPL; Bộ Tư pháp đã tổ chức các lớp đào tạo và cấp chứng chỉ nguồn bổ nhiệm TPL, đáp ứng nhu cầu của các địa phương mở rộng thí điểm; Công tác kiểm tra, khảo sát của Ban Chỉ đạo, của các Bộ, ngành Trung ương về TPL đã được quan tâm, chú trọng; Công tác bổ nhiệm, cấp Thẻ TPL, thành lập Văn phòng TPL được Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp thực hiện khẩn trương, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Hoạt động của TPL đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong xã hội, được người dân đánh giá cao. TPL đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc triển khai thí điểm cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Nhận thức của một số cơ quan, cán bộ, công chức về việc thí điểm chế định TPL vẫn chưa đầy đủ; Công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu; Một số Văn phòng chậm ổn định tổ chức, bố trí, chậm đi vào hoạt động, hiệu quả chưa cao, kết quả hoạt động chưa đồng đều giữa các mặt, kết quả chủ yếu là lập vi bằng, tống đạt văn bản, còn việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít; Đội ngũ TPL tại các địa phương mở rộng thí điểm còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu... Hiện nay, các địa phương đang tổng kết hoạt động này để có những đề xuất xác đáng trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.

                                                            Thu Hằng