Trong các ngày từ 18/5/2015 đến ngày 20/5/2015, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã tổ chức khảo sát đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc thí điểm Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trưởng đoàn công tác, tiến sỹ Dương Thị Thanh Mai – Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, các thành viên gồm: Đại diện Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, đại diện các cơ quan: TANDTC, VKSNDTC, Viện Khoa học Pháp lý, Tổng Cục thi hành án dân sự. Cùng đi với Đoàn có đồng chí Trần Diện - Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm Thừa phát lại tại Vĩnh Phúc.
Qua khảo sát thực tế, đánh giá tác động kinh tế- xã hội của việc thí điểm thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, hoạt động của các Văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc được xã hội, người dân đón nhận tích cực, khẳng định mô hình thừa phát lại phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nhất là yêu cầu xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan Nhà nước, nhân dân về chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan THADS tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự. Hoạt động Thừa phát lại bước đầu hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp....
Tại hội thảo cấp tỉnh, các đại biểu đề xuất một số ý kiến nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chủ trương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng công tác chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại Trung ương tiến hành tổng kết, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm thành công, kiến nghị cho tiếp tục thực hiện và mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
Kết thúc khảo sát, Tiến sĩ Dương Thanh Mai đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, hệ thống của BCĐ thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tỉnh Vĩnh Phúc; sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, tư pháp đối với hoạt động Thừa phát lại; sự trưởng thành của các Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình tổ chức, hoạt động. Đồng chí đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần đổi mới việc tập huấn thí điểm chế định Thừa phát lại; các cơ quan THA, Tòa án hoàn chỉnh số liệu để BCĐ của tỉnh có báo cáo chính xác, khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất hoạt động Thừa phát lại, dự báo khả năng, hướng phát triển của hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc./.
Phạm Dương Đúng
Phòng Bổ trợ tư pháp- Sở Tư pháp Vĩnh Phúc