Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tại Quảng Ninh, trong hơn một năm qua chế định Thừa phát lại đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm sâu sắc và chỉ đạo mạnh mẽ các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện. Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tập trung nghiên cứu ban hành các văn bản theo thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai tổ chức thực hiện thành công thí điểm chế định Thừa phát lại. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh trình Bộ Tư pháp. Ngày 11/10/2013 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BTP phê duyệt Đề án, đồng thời giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về Thừa phát lại.
Sở Tư pháp đã thể hiện vai trò tích cực trong việc tham mưu UBND tỉnh từ khâu chuẩn bị xây dựng Đề án đến khâu tổ chức triển khai thực hiện Đề án sau khi được Bộ Tư pháp phê duyệt. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 6553/KH-UBND ngày 02/12/2013 về việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Quyết định số 3281/QĐ-UBND ngày 02/12/2013 về việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; khẩn trương thông báo, hướng dẫn lựa chọn những người có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP để giới thiệu tham gia lớp nghiệp vụ thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức làm nguồn bổ nhiệm thừa phát lại. Kết quả năm 2013, 2014 đã giới thiệu được 08 người tham gia lớp nghiệp vụ thừa phát lại, thẩm định trình Bộ Tư pháp bổ nhiệm và cấp thẻ cho 06 thừa phát lại. Các Thừa phát lại sau khi được Bộ Tư pháp bổ nhiệm được Sở Tư pháp hướng dẫn lập hồ sơ đề án đăng ký thành lập văn phòng thừa phát lại, đồng thời Sở Tư pháp thành lập hội đồng kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề án trình UBND tỉnh quyết định. Từ cuối năm 2013 đến hết Quý I/2014 (trong thời gian 3 tháng), Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định thành lập 04 văn phòng thừa phát lại theo đúng số lượng như Đề án đã được Bộ Tư pháp phê duyệt gồm: Văn phòng Thừa phát lại Hạ Long tại thành phố Hạ Long, Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí tại thành phố Uông Bí, Văn phòng Thừa phát lại Đông Bắc tại thành phố Móng Cái; Văn phòng Thừa phát lại Cẩm Phả tại thành phố Cẩm Phả. Sau khi UBND tỉnh quyết định thành lập, Sở Tư pháp đã thực hiện cấp giấy đăng ký hoạt động cho 4 (bốn) Văn phòng Thừa phát lại.
Để tạo điều kiện cho các văn phòng ký các hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH-13 của Quốc Hội, sau khi tổ chức hội nghị thống nhất ý kiến với các sở, ngành: Tài chính, Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án dân sự và được sự đồng ý của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tỉnh, Sở Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn các văn phòng thừa phát lại thực hiện ký hợp đồng tống đạt văn bản theo địa hạt phân bổ như sau: Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí thực hiện ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự tại các địa bàn huyện Đông Triều, thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên; Văn phòng Thừa phát lại Hạ Long thực hiện ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự tại các địa bàn thành phố Hạ Long, huyện Hoành Bồ; Văn phòng Thừa phát lại Cẩm Phả thực hiện ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự tại các địa bàn thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu; Văn phòng Thừa phát lại Đông Bắc thực hiện ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản của Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự tại các địa bàn thành phố Móng Cái, huyện Đầm Hà, Hải Hà. Sở Tư pháp cũng thường xuyên cập nhật theo dõi nắm tình hình tổ chức triển khai hoạt động của các văn phòng, thực hiện giao ban với các văn phòng mỗi quý một lần để nắm bắt các thuận lợi, khó khăn vướng mắc, đồng thời phối hợp, trao đổi với các cơ quan có liên quan để giúp đỡ các văn phòng kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể nhân dân trong tỉnh về chủ trương, chính sách thí điểm chế định Thừa phát lại; tăng cường sự hiểu biết và khả năng tiếp cận của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với loại hình dịch vụ này, qua đó nhằm thu hút người dân sử dụng dịch vụ thừa phát lại cung cấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…công tác tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành tích cực triển khai thực hiện. Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch 10/KH-STP ngày 14/4/2014 về việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chế định Thừa phát lại; tham mưu Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại đến cán bộ nhân dân. Các hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại được triển khai đồng bộ, cụ thể: Ngày 29/9/2014 Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho gần 170 học viên là thừa các phát lại, thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, cán bộ tư pháp cấp huyện, cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã; Tại các địa phương cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các văn phòng thừa phát lại theo địa hạt được phân công xây dựng kế hoạch tuyên truyền chế định Thừa phát lại. Tính đến hết ngày 31/3/2015 đã có 13/14 đơn vị cấp huyện (riêng Cô Tô chưa tổ chức) đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại. Đối tượng tập huấn gồm: trưởng, phó các phòng, ban, tổ chức, đoàn thể của huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo UBND các phường, xã, thị trấn, cán bộ tư pháp hộ tịch. Đặc biệt tại các hội nghị đều có báo cáo viên là Lãnh đạo Sở Tư pháp trực tiếp truyền đạt, có đầy đủ các tài liệu tờ rơi để quảng bá hình ảnh về Thừa phát lại. Sở Tư pháp cũng đã đăng tải tài liệu, đề cương tuyền truyền về chế định Thừa phát lại trên Cổng thông tin điện tử thành phần Sở Tư pháp. Sở Thông tin và Truyền thông cũng ban hành văn bản đề nghị các cơ quan: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh; Phòng Văn hóa thông tin, Đài Truyền thanh Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn các đơn vị tập trung tuyên truyền các nội dung về chế định Thừa phát lại với tần suất thường xuyên trong năm.
Về hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại sau khi được thành lập, được sự hướng dẫn của Sở Tư pháp các văn phòng đã nhanh chóng kiện toàn về tổ chức gồm: thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, kế toán, thủ quỹ, văn thư lưu trữ, nhân viên công nghệ thông tin, lái xe, bảo vệ. Đội ngũ thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ cơ bản được đảm bảo về số lượng, chất lượng (4 văn phòng gồm 8 thừa phát lại đang hoạt động và 22 thư ký nghiệp vụ). Các Thừa phát lại phần lớn đều là chấp hành viên, điều tra viên, luật sư và cán bộ ngành tư pháp đã nghỉ hưu có nhiều năm công tác pháp luật, có bề dày kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ Thừa phát lại. Các văn phòng mặc dù mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm về công việc của Thừa phát lại luôn được đặt lên hàng đầu. Các văn phòng Thừa phát lại đã chủ động tổ chức cho các Thừa phát lại đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm các văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức. Năm 2015, Sở Tư pháp tiếp tục trình Bộ Tư pháp bổ nhiệm 03 thừa phát lại, nâng tổng số thừa phát lại từ 06 lên 09 người, các thừa phát lại được bổ sung hợp danh cho các văn phòng thừa phát lại. Đội ngũ thư ký thừa phát lại đều có trình độ cử nhân luật, độ tuổi còn trẻ, năng động, sáng tạo và có nhiệt huyết trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các văn phòng được trang bị tốt về cơ sở vật chất và đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công việc. Trụ sở làm việc khang trang, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ công việc. Đặc biệt cả 04 văn phòng thừa phát lại đều trang bị xe ô tô để thuận tiện cho việc tống đạt văn bản.
Kết quả hoạt động từ khi thành lập đến hết ngày 31/3/2015, 4 văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện các công việc với doanh thu cụ thể như sau: Lập vi bằng 289 vụ việc, doanh thu 1.328.000.000đ; tống đạt văn bản 10.085 vụ việc, doanh thu 1.081.826.000đ; xác minh điều kiện thi hành án 18 vụ việc, doanh thu 66.620.000đ; trực tiếp tổ chức thi hành án 02 vụ việc, doanh thu 196.000.000đ. Tổng số vụ việc đã thực hiện: 10.394 vụ việc; tổng doanh thu 2.671.446.000đ.
Năm 2015 hoạt động của các văn phòng thừa phát lại có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt đầu năm 2015 văn phòng thừa phát lại Cẩm phả phát động thi đua ngắn ngày kỷ niệm 1 năm ngày thành lập văn phòng và 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Qua 1 tháng phát động thi đua văn phòng đã lập 45 vi bằng, tống đạt được gần 1000 văn bản, đây là cách làm mới, sáng tạo nhằm động viên đội ngũ thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ của văn phòng hăng hái thi đua làm việc hiệu quả.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại Quảng Ninh cũng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại như: Do đang trong thời gian thí điểm nên các văn bản quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn chưa đầy đủ, đồng bộ, dẫn đến gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ của thừa phát lại; vấn đề bảo đảm hiệu lực pháp lý của chế định Thừa phát lại trong thời gian từ khi kết thúc thí điểm cho đến khi Quốc hội ban hành văn bản pháp luật mới về Thừa phát lại chưa được dự liệu cụ thể gây khó khăn trong việc hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về thời kỳ chuyển tiếp và phần nào gây nên tâm trạng lo lắng, thiếu tin tưởng của chính các thừa phát lại và các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Thừa phát lại; một số cơ quan coi việc thí điểm chế định Thừa phát lại không phải là nhiệm vụ của đơn vị mình, kể cả một số công chức của cơ quan thi hành án dân sự, tòa án, nên công tác phối hợp chưa thực sự tích cực và hỗ trợ cho các văn phòng hoạt động; sự phối hợp, hỗ trợ của một số cơ quan chính quyền cơ sở, tổ chức tài chính chưa chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án hoặc tống đạt giấy tờ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại; thời gian học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại chưa nhiều nên trình độ kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề của một số thừa phát lại còn hạn chế, thư ký nghiệp vụ ở các văn phòng thường xuyên thay đổi, một bộ phận thừa phát lại, thư ký chưa sống được bằng nghề, nên chưa yên tâm còn e ngại khi kết thúc thí điểm; việc xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án kết quả đạt được còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của mô hình và năng lực của các văn phòng Thừa phát lại; công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền phổ biến chế định Thừa phát chưa thật sự sâu rộng, thiếu thông tin đến các tầng lớp dân cư, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Hơn một năm qua, mặc dù còn một số tồn tại hạn chế đã nêu ở trên nhưng nhìn lại quá trình thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Quảng Ninh cho thấy chỉ trong một thời gian rất ngắn từ khâu chuẩn bị Đề án đến khâu tổ chức thực hiện nhưng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Hoạt động thừa phát lại đã từng bước đi vào đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; chế định Thừa phát lại đã được tổ chức và người dân đón nhận theo chiều hướng tích cực, số lượng tổ chức và người dân yêu cầu lập vi bằng ngày càng tăng. Điều đó khẳng định chế định Thừa phát lại là một nghề, từng bước khẳng định vị trí vai trò trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Có được kết quả như trên là do sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; vai trò tham mưu tích cực của Sở Tư pháp, trách nhiệm của các cơ quan: Tòa án, Viện Kiểm sát, Tài chính và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã góp phần đảm bảo quá trình thực hiện thí điểm được tổ chức triển khai nghiêm túc, đồng bộ, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt cần ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các văn phòng Thừa phát lại trong thời gian qua đã khắc phục tất cả khó khăn, vướng mắc trong quá trình thí điểm (về thể chế chính sách, kinh phí, cơ sở vật chất, tâm lý...v.v.) để tập trung mọi nguồn lực phục vụ tốt nhất cho hoạt động Thừa phát lại. Các văn phòng thừa phát lại tại Quảng Ninh với đội ngũ các Thừa phát lại và nhân viên yêu nghề, trụ sở khang trang, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có ô tô phục vụ việc tống đạt...chính là thể hiện sự tâm huyết, tràn đầy niềm tin về một chủ trương lớn của Đảng của những con người đã và đang trực tiếp tổ chức, điều hành và thực hiện các hoạt động của Thừa phát lại. Với những nỗ lực, cố gắng của tập thể, cán bộ, nhân viên các văn phòng thừa phát lại, năm 2014 Giám đốc Sở Tư pháp tặng giấy khen cho 02 tập thể và 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thừa phát lại, UBND thành phố Uông Bí tặng giấy khen cho Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí và 01 cá nhân có thành tích xuất sắc. Đây là việc làm thiết thực để kịp thời động viên, khuyến khích các văn phòng Thừa phát lại hoạt động hiệu quả.
Năm 2015 là năm kết thúc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, các cấp các ngành tỉnh Quảng Ninh, các văn phòng Thừa phát lại tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường nâng cao hiệu quả về hoạt động của Thừa phát lại, thực hiện thành công thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo Đề án Bộ Tư pháp phê duyệt, hướng đến phục vụ tốt nhất cho nhân dân về dịch vụ thừa phát lại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra, đồng thời mong muốn Quốc Hội, Chính Phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương tiếp tục quan tâm xây dựng văn bản trình cấp thẩm quyền bỏ cụm từ thí điểm về thừa phát lại sau khi tổng kết thí điểm 2013 – 2015 để có đầy đủ cơ sở pháp lý làm nền tảng cho hoạt động của Thừa phát lại của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng ta về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020./
Dương Thái Sơn – Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh