Nghệ An: Họp ban chỉ đạo Đề án thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh triển khai nhiệm vụ 2015

24/03/2015
Nghệ An: Họp ban chỉ đạo Đề án thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh triển khai nhiệm vụ 2015
Thực hiện Thông báo số 63/TB-BTP ngày 24/12/2014 về kết luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị sơ kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” tỉnh Nghệ An vừa tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án và bàn giải pháp thực hiện trong năm 2015. Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại chủ trì buổi họp.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; Đại diện lãnh đạo các Sở ngành; Văn phòng thừa phát lại Thành phố Vinh, huyện Diễn Châu.

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Quế Anh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo kết quả triển khai Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2014, nhiệm vụ năm 2015.

Nhìn chung, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã được các cấp, các ngành địa phương thực hiện đúng, nghiêm túc và đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện ở những mặt sau: Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo đã tham mưu tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ trong Đề án và Kế hoạch của UBND tỉnh, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ.Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đã tổ chức tương đối tốt các hoạt động tuyên truyền các văn bản pháp luật về Thừa phát lại góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, các cấp, các ngành đối với chế định Thừa phát lại. Các ngành đã ban hành được các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời trong tổ chức thực hiện chế định.Việc thành lập và đăng ký hoạt động cho 2 Văn phòng Thừa phát lại đúng lộ trình theo Đề án và Kế hoạch đã đề ra. Về tập huấn triển khai, bồi dưỡng kỹ năng về Thừa phát lại, UBND tỉnh đã cử các cán bộ, công chức, Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ tham gia các lớp tập huấn công tác triển khai, kỹ năng nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức. Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng chuyên trang, phóng sự về việc thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Sở TT&TT phát hành 11.000 tờ gấp tuyên truyền về chế định Thừa phát lại…  

Tuy nhiên, do chế định Thừa phát lại là một chế định mới từ cơ chế lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước đến mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc của Thừa phát lại ..., lại đang trong giai đoạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn chưa đầy đủ, đồng bộ, nên ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện. Trong khi đó, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế nên nhận thức của các cơ quan có trách nhiệm triển khai, của cán bộ và người dân chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác bồi dưỡng, đào tạo chưa thực sự hiệu quả, thời gian đào tạo ngắn. Đội ngũ Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ còn mỏng, năng lực trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, còn tâm lý e ngại do chưa thực sự tin tưởng vào việc sống được bằng nghề Thừa phát lại. Công tác phối hợp của các cơ quan có trách nhiệm triển khai có lúc, có nơi còn chưa tốt. Việc phối hợp trong hoạt động tống đạt văn bản của Thừa phát lại còn chậm, chưa chủ động.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án chế định thừa phát lại; Thảo luận và thống nhất phân chia địa hạt cho các Văn phòng thừa phát lại...

Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Đại – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo đã triển khai khẩn trương, nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2014 đã thành lập được 2 Văn phòng thừa phát lại TP Vinh và huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Văn phòng thừa phát lại TP Vinh ổn định về tổ chức và hoạt động khá tốt; Bước đầu khẳng định được vai trò, vị trí của hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Còn Văn phòng thừa phát lại huyện Diễn Châu mới thành lập bắt đầu đi vào hoạt động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và địa phương về việc thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động thừa phát lại trên địa bàn, nhất là các địa phương có Văn phòng thừa phát lại; Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao hiểu biết cho cán bộ và người dân về thừa phát lại; Tập trung quyết liệt vào việc chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các Văn phòng thừa phát lại../

           Nguyễn Quế Anh- Sở Tư pháp Nghệ An