Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Phúc Yên (Vĩnh Phúc): Chuyển giao văn bản tống đạt cần thường xuyên, liên tục

20/11/2014
Là văn phòng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đi vào hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại Phúc Yên bước đầu tiếp cận dịch vụ mới này đến với người dân. Tuy nhiên “vạn sự khởi đầu nan”, thừa phát lại Phúc Yên cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trưởng Văn phòng Hoàng Quốc Thuận.

-Được bổ nhiệm công chứng viên nhưng ông lại quyết định sang làm thừa phát lại, hẳn nghề mới này có sức hút đặc biệt?.

Tôi cho rằng việc thí điểm chế định thừa phát lại là một chủ trương đúng đắn, đặc biệt là trong giai đoạn cải cách tư pháp đang tiến hành mạnh mẽ như hiện nay. Thực tế, trong xã hội hiện đại, người dân cũng rất cần sử dụng các dịch vụ mà thừa phát lại cung cấp, nhất là việc lập vi bằng hay xác minh điều kiện thi hành án. Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định trong đơn yêu cầu của người được thi hành án phải có thông tin về tài sản của người phải thi hành án. Với một người dân bình thường thì thực hiện việc xác minh này là rất khó khăn. Thừa phát lại có thể giúp họ.

Vĩnh Phúc là địa phương kinh tế phát triển, trình độ dân trí khá đồng đều. Tôi cho rằng đây là mảnh đất nhiều tiềm năng cho thừa phát lại phát triển, do đó đã quyết định lập văn phòng. Thực tế, sau 8 tháng hoạt động, Văn phòng thừa phát lại Phúc Yên cũng đã thu được nhưng kết quả bước đầu: đã tống đạt khoảng 400 việc với 700 văn bản, lập vi bằng 34 trường hợp; xác minh 3 vụ thi hành án. Cũng trong 8 tháng văn phòng đã dành nhiều thời gian, công sức cho công tác tuyên truyền vì đây là chế định mới, chưa được nhiều người dân biết đến.

-Lại nói đến nhận thức, phải chăng đây là vấn đề khó khăn nhất của các văn phòng thừa phát lại nói chung, Phúc Yên nói riêng?

Chúng tôi có thuận lợi là sự quan tâm chỉ đạo từ Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng đã ban hành thông tri lãnh đạo thực hiện thí điểm thừa phát lại; UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền và Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; Đây là những văn bản quan trọng để thừa phát lại hoạt động hiệu quả. Bước đầu, các cơ quan thi hành án dân sự và một số cơ quan khác cũng đã có phối hợp tốt với thừa phát lại.

Tuy nhiên, vì là chế định mới nên người dân vẫn chưa biết nhiều đến thừa phát lại. Bản thân các cơ quan như ngành Tòa án cũng chưa chuyển giao việc tống đạt văn bản cho thừa phát lại và đưa ra mức phí thấp dưới quy định nên thừa phát lại không thể làm. Với cơ quan thi hành án dân sự, thời gian đầu đã chuyển giao nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây đã tạm dừng vì lý do kinh phí. Cũng vì nhận thức mà khi anh em chúng tôi đi tống đạt, một số nơi, chính quyền địa phương không hỗ trợ vì họ còn chưa biết thừa phát lại là ai. Thậm chí một số trại giam, thừa phát lại không vào được .

-Với tư cách những người hoạt động trực tiếp, lại đang trong thời gian thí điểm, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

Tôi cho rằng việc cần làm trước tiên là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thừa phát lại bằng những hình thức gần gũi, dễ hiểu. Làm được điều này thì ngoài sự nỗ lực, chủ động của chính bản thân các văn phòng thì sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành của tỉnh, thị xã là rất quan trọng. Thứ 2, trong công tác tống đạt, các cơ quan cần chuyển giao thường xuyên, liên tục, trong đó mức phí tống đạt phải tuân thủ nghiêm theo đúng tinh thần Thông tư 09 ngày 28/2/2014 đã ký giữa Bộ Tư pháp –TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tài chính.

Về phía tỉnh, cần phát huy hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo thí điểm để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho thừa phát lại. Chúng tôi cũng mong muốn Bộ Tư pháp tăng cường tập huấn, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thừa phát lại đang hoạt động thí điểm, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện thì cần khẩn trương có những hướng dẫn nghiệp vụ để việc hiểu và vận dụng pháp luật được thống nhất.

-Xin cảm ơn ông!

                                           Thu Hằng