Đồng chủ trì Tọa đàm gồm đồng chí Hoàng Kim Chiến - Phó Cục trưởng phụ trách Cục CTPN và đồng chí Trần Hoài Phú - Phó Cục trưởng Cục CTPN. Tham dự Tọa đàm có đại diện của một số Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Văn phòng TPL và Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tọa đàm đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về 04 vấn đề: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước và việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành; những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động chuyển giao tống đạt văn bản; đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp và kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL.
Trong khu vực phía Nam, hiện nay có 06 đơn vị thực hiện thí điểm chế định TPL gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang và Vĩnh Long. Được sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sự quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền, trên cơ sở tham mưu và thực hiện của Sở Tư pháp, mỗi địa phương được chọn thí điểm đã thành lập được từ 02 đến 04 Văn phòng TPL, riêng thành phố Hồ Chí Minh thành lập được 12 Văn phòng TPL. Kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL trong Khu vực đến tháng 8/2014 như sau: Tống đạt 339.483 văn bản, lập vi bằng 21.739 việc, xác minh điều kiện thi hành án 428 việc, tổ chức xong việc thi hành án 92 việc, tổng doanh thu đạt 54.854.485.000 đồng.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đa số các đại biểu cho rằng: Chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án là đúng đắn và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chế định TPL đã nhận được sự quan tâm của Thường trực tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và sự chỉ đạo thường xuyên của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Các Văn phòng TPL đã nỗ lực thực hiện khá tốt việc tống đạt các văn bản, giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự, góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực công việc cho các cơ quan thi hành án dân sự…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thí điểm công tác TPL còn là một chế định mới, trong giai đoạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cơ sở lý luận và thực tiễn còn trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện. Việc chuyển giao văn bản của cơ quan Tòa án và thi hành án dân sự tại một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, còn chậm so với yêu cầu. Các Sở Tư pháp đang còn vướng mắc về trình tự, thủ tục, hình thức đăng ký vi bằng do chưa được quy định cụ thể. Kết quả tổ chức thi hành án còn ít so với tổng số việc các cơ quan Thi hành án phải tổ chức thi hành (thành phố Hồ Chí Minh giải quyết xong 75 vụ việc, các Văn phòng TPL tại 05 địa phương còn lại giải quyết 17 vụ việc). Văn phòng TPL vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm về thủ tục tống đạt văn bản cho các cơ quan Tòa án và thi hành án dân sự. Ngoài ra, một số Chấp hành viên ngần ngại trong việc tạm ứng chi phí tống đạt (chi phí tống đạt được cấp cho cơ quan thi hành án được chia thành 02 loại gồm: chi phí tống đạt do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí tống đạt tạm ứng từ ngân sách ngà nước). Vì đối với chi phí tống đạt tạm ứng từ ngân sách nhà nước, Chấp hành viên phải chịu trách nhiệm thu hồi và hoàn trả sau khi thi hành án xong.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Huỳnh Văn Tam - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ I, Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng các khó khăn trong giai đoạn thí điểm là điều khó có thể tránh khỏi. Do đó, để đạt được những thành công như mong đợi, các Văn phòng TPL cần phải có sự tâm huyết, quyết tâm, lòng yêu nghề với công tác TPL. Đồng thời, đồng chí cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, trên cơ sở đó, đồng chí sẽ có những đề xuất, báo cáo với Tổng cục Thi hành án dân sự.
Kết thúc Tọa đàm, đồng chí Hoàng Kim Chiến đã đánh giá cao những tham luận, ý kiến của các đại biểu và đề ra những việc cần làm trước mắt như: cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động TPL tới người dân và chính các cán bộ làm công tác này dưới mọi hình thức; tạo điều kiện, nâng cao tính chủ động của các Văn phòng TPL... Với những kết quả của các Văn phòng TPL đã đạt được, đồng chí tin tưởng rằng mô hình thí điểm TPL sẽ nhất định thành công trong thời gian tới./.
Tin từ Cục Công tác phía Nam