Nhu cầu sử dụng dịch vụ thừa phát lại sẽ rất lớn
Ông Phan Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai rất phấn khởi khi chia sẻ thông tin về các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh: “Đồng Nai đã thành lập được 3 Văn phòng rồi, giờ các Văn phòng đang tập trung kiện toàn để đi vào hoạt động. Tất nhiên là ban đầu người dân cũng có lạ lẫm, chưa hiểu về Thừa phát lại nhưng Đồng Nai có ưu thế là ở gần thành phố Hồ Chí Minh nên người dân cũng đã tìm hiểu và biết ít nhiều về hoạt động này”.
Cũng theo chia sẻ của ông Phan Văn Châu, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai rất quan tâm tới việc thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, đã ban hành Kế hoạch về thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, phê duyệt quy định về tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng thừa phát lại để hoạt động này được triển khai một cách quy củ ngay từ những ngày đầu. Trong tháng 1/2014, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 7 Đề án thành lập văn phòng trên địa bàn tỉnh do các thừa phát lại xây dựng. Sau khi Sở Tư pháp đánh giá, thẩm định từng Đề án, UBND tỉnh mới quyết định cho phép thành lập 3 Văn phòng Thừa phát lại tại các huyện Trảng Bom, Long Thành và thành phố Biên Hòa. Đồng Nai được đánh giá là một địa phương rất năng động, có số lượng các khu công nghiệp vào diện dẫn đầu cả nước nên hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại ở đây được tin tưởng là có tương lai và sẽ giúp ích rất nhiều cho các giao dịch của người dân.
Trong khi đó, ở địa phương ”hàng xóm” với Đồng Nai là Bình Dương, việc triển khai thí điểm chế định thừa phát lại cũng được tiến hành một cách rất khẩn trương. Ông Bùi Duy Hiền, Quyền giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cho biết: ”Đề án cho phép Bình Dương mở 4 Văn phòng thừa phát lại thì Bình Dương đã triển khai đủ cả 4 rồi. Mặc dù còn khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng với một địa phương năng động và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Bình Dương, chúng tôi tin rằng nhu cầu sử dụng dịch vụ thừa phát lại sẽ rất lớn”. Ở Bình Dương, 4 văn phòng Thừa phát lại được đặt ở thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Đã có 11 cá nhân được Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại, trong đó có 5 cá nhân được cấp thẻ hành nghề. Quyền Giám đốc Sở Tư pháp Bình Dương cũng bộc bạch, những khó khăn và Thừa phát lại Bình Dương gặp phải cũng giống như những khó khăn mà các địa phương khác đang tập trung tháo gỡ trong thời gian đầu. Đó là việc một bộ phận người dân, một bộ phận cán bộ công chức, nhất là ở cấp cơ sở, chưa hiểu rõ về hoạt động thừa phát lại. Từ việc chưa hiểu rõ này, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các văn phòng Thừa phát lại chưa được tốt. ”Anh em có báo cáo gặp khó khăn khi thực hiện một số công việc như tống đạt hoặc xác minh điều kiện thi hành án” – ông Bùi Duy Hiền cho biết.
Rất may là ở Bình Dương, chính quyền địa phương đã quyết liệt, sát sao vào cuộc. Ngay sau khi Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký ban hành Chỉ thị về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tư pháp, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo TAND cấp huyện nơi thí điểm thành lập Văn phòng Thừa phát lại chuyển giao văn bản tống đạt cho Thừa phát lại thực hiện; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thông tin cho Sở Tư pháp việc tuân theo pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ của Thừa phát lại... Riêng đối với Sở Tư pháp, với vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai hoạt động này, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, nhất là Tòa án nhân dân và Cục THADS, xây dựng một cơ chế phối hợp, trong đó quy định định kỳ hàng quý các ngành sẽ họp lại với nhau để đánh giá tình hình khó khăn, vướng mắc và nắm lại tình hình hoạt động của thừa phát lại để phối hợp và đôn đốc nhắc nhở các cấp chính quyền ở địa phương tạo điều kiện cho thừa phát lại hoạt động. Ông Bùi Duy Hiền chia sẻ: ”Tôi động viên anh em thừa phát lại là ”vạn sự khởi đầu nan”, mục đích của hoạt động Thừa phát lại là nhằm giảm bớt áp lực công việc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, đồng thời giúp đảm bảo quyền lợi của người dân trong quá trình xét xử, thi hành án dân sự; mặc dù, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhưng Văn phòng Thừa phát lại hoạt động không đơn thuần vì mục đích lợi nhuận mà đây là một tổ chức dịch vụ công, được Nhà nước thành lập và trao quyền để thực hiện nhiệm vụ công. Cứ nhìn kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh, qua giai đoạn đầu này rồi thời gian tới hoạt động thừa phát lại sẽ phát triển nhanh và bền vững”.
Ở Tiền Giang, Văn phòng Thừa phát lại Cái Bè có trụ sở tại 386A Tổ 20, khu 4, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè là Văn phòng Thừa phát lại thứ ba trên địa bàn đi vào hoạt động. Hai Văn phòng Thừa phát lại khai trương trước đó được đặt ở TP. Mỹ Tho và huyện Cai Lậy. Ông Phạm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang cho biết do bước đầu thực hiện thí điểm nên Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân hoặc người dân chưa biết nhiều, chưa quen với loại hình dịch vụ này, còn tâm lý e ngại, chưa thật tin tưởng đối với một số công việc do Thừa phát lại thực hiện. Từ phía các cơ quan Nhà nước, nhận thức của một số cơ quan hữu quan về vị trí, vai trò của Thừa phát lại cũng chưa thật rõ ràng, đầy đủ. Nhận thấy đây là vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng đến việc thí điểm chế định Thừa phát lại nên Sở Tư pháp đã tích cực tập trung tuyên truyền, phổ biến về hoạt động Thừa phát lại bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng như đưa thông tin về thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát trong tài liệu sinh hoạt "Ngày pháp luật"; biên soạn và phát hành tờ rơi tuyên truyền về thừa phát lại, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Pháp luật với đời sống” với chuyên đề về chế định thừa phát lại….qua đó đã giúp cho mọi người hiểu biết đầy đủ hơn về hoạt động này, từ đó có sự lựa chọn tốt hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Vẫn còn rất khó khăn
Cũng được chọn tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại nhưng dường như ở các tỉnh duyên hải miền Trung và phía Bắc, việc tìm chỗ đứng của Thừa phát lại vất vả, gian lao hơn.
Ở Bình Định, từ đầu tháng 1/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tỉnh Bình Định do ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban, ông Nguyễn Bá, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp làm Phó Trưởng ban thường trực. Các thành viên của Ban Chỉ đạo gồm hầu hết đại diện các Sở, ban, ngành trong tỉnh như Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền Thông; Nội vụ, Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân…. nhưng nhìn chung tình hình “vẫn còn rất khó khăn”.
Ông Nguyễn Bá, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Bình Định cho biết theo quy hoạch Bình Định được triển khai thí điểm 3 Văn phòng Thừa phát lại nhưng đến thời điểm này mới có 1 văn phòng đi vào hoạt động. Người dân còn nhiều bỡ ngỡ với hoạt động này nên chưa mấy người tìm đến Thừa phát lại. ‘Chúng tôi xác định là phải tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” và động viên anh em thừa phát lại kiên trì với nghề” – ông Nguyễn Bá cho biết.
Còn ở một địa phương rất gần với Hà Nội, kinh tế cũng thuộc diện tham gia Câu lạc bộ thu ngân sách trên 10 nghìn tỷ đồng/năm là Vĩnh Phúc thì việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Ngày 6/5/2014, Văn phòng Thừa phát lại Vĩnh Tường tổ chức lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động tại khu 3, thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường. Đây là văn phòng Thừa phát lại thứ 3 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chính thức đi vào hoạt động sau hai văn phòng Thừa phát lại ở Vĩnh Yên và Phúc Yên. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền cũng như nâng cao hiệu quả công tác phối hợp nhằm hỗ trợ cho hoạt động này. Tỉnh cũng dành một khoản kinh phí phù cho công tác tuyên truyền về triển khai thí điểm thừa phát lại. Tuy nhiên, theo ông Trần Diện, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thì: “Vĩnh Phúc không gặp khó khăn gì về công tác chỉ đạo. Cái khó mà Thừa phát lại Vĩnh Phúc đang gặp phải là thể chế và khâu tổ chức thực hiện, nhất là nhận thức của các ngành, trong đó có ngành Tòa án”.
Mong rằng, những khó khăn này sẽ sớm được tháo gỡ và thừa phát lại sớm khẳng định được vị thế của mình trong đời sống xã hội.
Hồng Thúy