Thành công bước đầu
Sau những thành công nhất định của chế định TPL tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong 13 địa phương được lựa chọn tiếp tục làm thí điểm theo Nghị quyết của Quốc hội. Để “ghi tên vàng” trong giai đoạn thí điểm tiếp theo này, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành thành phố đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn với hy vọng người dân sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất do TPL cung cấp. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo sát sao, tích cực, sự vào cuộc của các cấp, ngành. Kết quả sau những nỗ lực không ngừng đó là 5 Văn phòng TPL đầu tiên của Hà Nội đã được cấp phép và chính thức đi vào hoạt động cách đây hơn 2 tháng (đó là các văn phòng: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông.)
Là một trong những văn phòng đầu tiên của Hà Nội đi vào hoạt động, những ngày đầu đối với Văn phòng TPL Hai Bà Trưng (có địa chỉ tại số 3, A11 Đầm Trấu, đường Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quả là “rất đáng nhớ”, theo lời của Trưởng Văn phòng Phạm Anh Dũng. Bằng tấm biển treo rất cao, đỏ rực ấn tượng nhưng rất nhiều người qua đường vẫn nhìn nhau không hiểu TPL là gì, làm những công việc gì. Hiểu được điều đó, TPL Hai Bà Trưng xác định muốn khách hàng đến với mình thì trước hết phải lấy việc tuyên truyền là khâu đột phá.
Từ nhận thức đó, hàng loạt công việc được TPL Hai Bà Trưng rốt ráo triển khai. Văn phòng đã gửi công văn đến cho các ngành chức năng trong quận, thành phố, cho hơn 300 xã, phường trên địa bàn Hà Nội, trong đó chỉ rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của TPL cũng như quá trình thực hiện chế định này trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, trong các văn bản gửi đến UBND các xã, phường, TPL Hai Bà Trưng còn đề nghị được phối hợp với bộ phận tiếp dân, tư pháp, địa chính của phường để tư vấn, giải đáp khiếu nại, tôc cáo của công dân trên địa bàn phường và tư vấn tuyên truyền pháp luật. Mọi hoạt động tuyên truyền về TPL còn được “tranh thủ” trong nhiều buổi họp chi bộ, tổ dân cư, thôn xóm, xã, phường…
Đặc biệt, theo Trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng Phạm Anh Dũng, đến nay về cơ bản Văn phòng đã đặt được các điểm tuyên truyền, tư vấn và tiếp nhận các yêu cầu về TPL ở tất cả các quận huyện trên địa bàn TP. Do hiện nay Văn phòng chỉ có 5 TPL nên việc tuyên truyền tại cơ sở do các cộng tác viên của Văn phòng thực hiện (đó là những người có hiểu biết, trình độ pháp luật đã được qua tập huấn TPL đảm nhiệm). Các TPL lưu động sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các điểm tuyên truyền này để kịp thời hướng dẫn và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay lượng khách hàng đến với Văn phòng ngày càng đông nhưng vẫn chủ yếu là yêu cầu lập vi bằng…” Chúng tôi không băn khoăn nhiều về chuyện số phận pháp lý của TPL sẽ đi về đâu khi kết thúc thí điểm mà điều chúng tôi quan tâm nhất là làm sao đem đến những dịch vụ tốt nhất cho người dân, TPL phục vụ người dân bằng cái tâm của mình. Khi mình làm tốt rồi thì “hữu xạ tự nhiên hương”…ông Dũng nói. Có lẽ chính vì phương châm “tâm sáng, trí tài, lực mạnh” mà Văn phòng đã đào tạo được đội ngũ TPL chuyên nghiệp, tận tâm tận lực và một phong cách phục vụ chu đáo.
Cũng nằm trong top 5 Văn phòng đầu tiên, giữa tháng 4/2014, Văn phòng TPL Ba Đình (địa chỉ tại số 292 phố Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) khai trương và chính thức bước vào hoạt động. Qua gần hai tháng hoạt động, Văn phòng đã tiếp nhận 25 yêu cầu của tổ chức và cá nhân, chủ yếu là nhu cầu lập vi bằng. Đã lập 17 vi bằng, thu 52.000.000đ; chuẩn bị điều kiện để khi chính thức có văn bản của Sở Tư pháp gửi các Kho bạc nhà mước theo quy định sẽ ký hợp đồng tống đạt văn bản với các cơ quan Thi hành án dân sự và TAND theo địa hạt được phân công.
Còn tại Văn phòng TPL quận Hà Đông (địa chỉ tại B14 Khu đấu giá đất Vạn Phúc, Phường Vạn Phúc, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội), sau một tháng hoạt động đã từng bước ổn định về tổ chức nhân sự và bước đầu thực hiện được một số công việc như: Thụ lý và lập 11 vi bằng; Thụ lý 01 hồ sơ xác minh điều kiện thi hành án; một số khách hàng đến tìm hiểu về thi hành án nhưng vẫn còn mang tính thăm dò mà chưa quyết định việc thực hiện dịch vụ thi hành án của văn phòng.
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng
Đều là những Văn phòng đi tiên phong trong điều kiện vô cùng khó khăn, vất vả song ghi nhận tại các Văn phòng cho thấy, đã có sự đầu tư đáng kể về cả sức người, sức của cho hoạt động này, và bước đầu chế định TPL được người dân thủ đô đánh giá cao. Điều này là động lực không nhỏ cho các Văn phòng tiếp tục nỗ lực để khẳng định vị trí của mình trong “làng” TPL của cả nước. Tuy nhiên, cạnh đó cũng là những khó khăn hết sức đặc thù.
Theo Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng, Thừa phát lại là chế định mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, do vậy để việc triển khai đạt hiệu quả đòi hỏi có sự phối hợp rất chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Qua tiếp xúc và trao đổi, hầu hết cán bộ cấp phường trên địa bàn chưa hiểu gì về tổ chức, vai trò, nhiệm vụ của Thừa phát lại. Mặt khác, trước nay hầu hết các công việc Thừa phát lại được làm đều đang do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, vì vậy người dân chưa hiểu, chưa quen nhìn nhận và sử dụng Thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực Tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức của mình. Đây là trách nhiệm của bản thân các Văn phòng Thừa phát lại, và cũng là trách nhiệm của công tác tuyên truyền.
Cạnh đó, cũng theo ông Lạng, Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định về nguyên tắc việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, do đó văn bản có hiệu lực cao nhất về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chỉ mới là Nghị định của Chính phủ, nên sẽ gây khó khăn, vướng mắc về áp dụng pháp luật, đặc biệt khi có xung đột, mâu thuẫn giữa nội dung Nghị định với các Luật có liên quan như tố tụng, thi hành án dân sự, bảo hiểm, ngân hàng… , làm hạn chế hiệu lực hoạt động của Thừa phát lại.
Do đang trong giai đoạn thí điểm, các Văn phòng Thừa phát lại vẫn còn đang vừa làm, vừa học, vừa dần ổn định, củng cố và dần phát triển, từng bước hình thành cơ chế quản lý, điều hành nội bộ. Đội ngũ Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ và nhân viên giúp việc tại các Văn phòng Thừa phát lại vẫn còn thiếu, và đặc biệt là chất lượng không đồng đều, không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết công việc.
Trưởng Văn phòng TPL quận Hà Đông Bùi Trọng Hào cũng chung nhận định :Chế định Thừa phát lại còn rất mới mẻ, lạ lẫm nên người dân, doanh nghiệp, cán bộ, cơ quan nhà nước thậm chí cán bộ tư pháp, những người hành nghề luật chưa biết đến “Thừa phát lại” là gì. Người dân chưa có được niềm tin cần thiết đối với Văn phòng Thừa phát lại. Vì vậy họ vẫn còn băn khoan khi sử dụng dịch vụ. Hiện các Tòa án, Cơ quan thi hành án chưa hợp tác và ký hợp đồng chuyển giao văn bản tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại; Văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động Thừa phát lại còn thiếu và chưa cụ thể dẫn tới nhiều cách hiểu không thống nhất
“Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Thừa phát lại nhằm nâng cao nhận thức và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc thực hiện “Chế định Thừa phát lại”; Các cơ quan chức năng cần tổ chức nhiều hơn nữa các khóa tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ và nhân viên Văn phòng Thừa phát lại. Cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp, tòa án, cơ quan thi hành án…Bên cạnh đó, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại những tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm và phát huy vai trò tích cực chủ đạo của Ban này để đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện một cách đồng bộ”, ông Hào đề xuất.
Thu Hằng