Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 6 tham luận: Kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị; Thực trạng tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại Bỉm Sơn; Thực trạng tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại thành phố Thanh Hóa; Đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động Thừa phát lại và những tác động, ảnh hưởng của Thừa phát lại đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động Thừa phát lại thông qua thực tiễn hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh của Sở Tư pháp.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, đánh giá việc tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bước đầu đạt được kết quả tích cực. Cấp ủy và chính quyền địa phương đã có sự quan tâm và đồng tình ủng hộ việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn của tỉnh nên đã có những chủ trương, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để hoàn thiện các cơ chế chính sách làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh”. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, đã xác định trách nhiệm cụ thể của các ngành, các cấp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo; Kế hoạch truyền thông để phổ biến về chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; văn bản phân định địa hạt tống đạt văn bản và mức chi phí tống đạt. Việc ban hành kịp thời các thể chế này đã có tác động tích cực rất lớn trong quá trình tổ chức thực hiện nhất là trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó nâng cao khả năng tiếp cận tiếp cận và sử dụng của công dân đối với loại hình dịch vụ mới mẻ này cũng như tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
Với sự chủ động, tham mưu tích cực của Sở Tư pháp và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện Đề án, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 3/4 Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động với 05 Thừa phát lại được Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Bước đầu Văn phòng Thừa phát lại đã tổ chức thực hiện một số hoạt động trên lĩnh vực xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt các loại giấy tờ tố tụng của Tòa án và các cơ quan Cơ quan thi hành án dân sự 33 việc; lập vi bằng 09 việc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Đề án Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh còn có một số khó khăn, vướng mắc như: Chế định Thừa phát lại mới được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang trong quá trình thực hiện thí điểm, nên nhận thức về Thừa phát lại của người dân và một bộ phận cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thức được các quy định của pháp luật về thực hiện chế định Thừa phát lại; Việc lập vi bằng là công việc mới, người tham gia lập vi bằng còn chưa hiểu thông suốt về giá trị của vi bằng nên khi có hành vi, sự kiện sảy ra người dân không yêu cầu Thừa phát lại mà qua tư vấn, giải thích thì mới thực hiện việc lập vi bằng; Hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại chưa nhận được sự hợp tác tích cực của chính quyền địa phương cũng như người dân.
Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận, đề xuất kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương quan tâm thường xuyên hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại địa phương; Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, phối hợp xây dựng và hoàn thiện thể chế về chế định Thừa phát lại; Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về thực hiện chế định Thừa phát lại; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Thừa phát lại.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Tiến sĩ Dương Thanh Mai đánh giá cao các tham luận, các ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện các cơ quan, các ngành liên quan về đánh giá kết quả thí điểm Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đây là nguồn tư liệu quan trọng để tổng hợp xây dựng các quy định về chế định Thừa phát lại bám sát thực tiễn hơn trong thời gian tới.
Trong thời gian làm việc tại Thanh Hóa, đoàn công tác đã làm việc với đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện chế định Thừa phát lại tỉnh Thanh Hóa; làm việc với UBND thành phố Thanh Hóa, Văn phòng Thừa phát lại Bỉm Sơn, Văn phòng Thừa phát lại thành phố Thanh Hóa.