“Cần tăng cường tuyên truyền về Thừa phát lại”

12/11/2014
“Cần tăng cường tuyên truyền về Thừa phát lại”
Đó là đề xuất của ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình (Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên. Ông Lạng cho biết:

Ngay từ khi ra đời, Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đã nhận được sự hỗ trợ và chỉ đạo rất có hiệu quả của Quận uỷ, HĐND, UBND quận Ba Đình cũng như sự phối hợp tốt từ Chi cục Thi hành án dân sự quận, VKSND quận, TAND quận, Công an quận… nên sau 7 tháng hoạt động, công việc của Văn phòng đã dần đi vào nề nếp, đáp ứng được nhiều yêu cầu cấp thiết của người dân. UBND quận đã tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản của Trung ương và Thành phố về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội cho các cán bộ chủ chốt các phòng, ban, ngành và 14 phường trên địa bàn Quận, qua đó đã giúp cho các cán bộ chủ chốt trong quận hiểu hơn về chế định Thừa phát lại.

-Tuy nhiên, thực tế người dân chưa biết nhiều về thừa phát lại, bản thân các cơ quan nhà nước nhiều nơi cũng còn hiểu chưa đúng, đây có phải là một trở ngại cho hoạt động thừa phát lại?

Các cơ quan, đặc biệt một số UBND, Công an cấp xã, phường chưa hiểu biết nhiều về Thừa phát lại, nên cán bộ và Thừa phát lại còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Thực tế, một số cơ quan đã từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của Thừa phát lại, phải gửi lại tài liệu, hẹn thời gian đến làm việc sau. Nhiều vụ cán bộ phải đi lại nhiều lần mà chưa có kết quả.

Người dân chưa hiểu nhiều về Thừa phát lại, hơn nữa thời gian thực hiện thí điểm còn quá ngắn, gây tâm lý thiếu an tâm cho người dân khi họ lựa chọn dịch vụ Thừa phát lại. Do đó, tôi đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện chế định Thừa phát lại Thành phố tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, nhiều hình thức tới nhiều tầng lớp về Chế định Thừa phát lại. Bên cạnh đó, tự bản thân các Văn phòng Thừa phát lại chúng tôi cũng xác định tiếp tục hoàn thiện mình, khẳng định tính ưu việt và hiệu quả dịch vụ mình mang lại.

- Có ý kiến cho rằng, trong một số trường hợp hoạt động của thừa phát lại đang “lấn sân” công chứng, và đó là lý do để từ chối đăng ký vi bằng, ông thấy sao?

Vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản, ghi nhận (các chứng thư) những sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp  lý khác - Theo đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan, chứ không ghi nhận những hành vi, sự kiện mà mình không được trực tiếp chứng kiến, hoặc những sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác. Còn Công chứng là việc Công chứng viên thay mặt nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng.

Như vậy, xét về tính chất, phạm vi, hình thức của Vi bằng và Công chứng đã rất rõ ràng, khác nhau. Do đó, không nên cho rằng Thừa phát lại lập vi bằng là chồng lấn công việc của Công chứng, và là lý do để Sở Tư pháp từ chối đăng ký vi bằng, gây thiệt hại cho đương sự và uy tín của các Văn phòng Thừa phát lại. Nhân đây, tôi cũng đề nghị Sở Tư pháp tạo điều kiện, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, thống nhất nghiệp vụ, tránh những sai sót đáng tiếc cho các Thừa phát lại.

-Xin cảm ơn ông!

                                                   Thu Hằng (thực hiện)