Kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

11/09/2015
Vĩnh Long là 01 trong số 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  (trừ Tp Hồ Chí Minh) được chọn mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Thực hiện chủ trương trên, ngày 17/9/2013, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2307/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Long” (viết tắt là Đề án). Thực hiện tinh thần nội dung trong Đề án đã được phê duyệt, ngày 17/10/2013, Ủy ban nhân dân đã ban hành Quyết định số 1682/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Tư pháp được phân công với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ Đạo. Thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động, tích cực giúp Ban Chỉ đạo tham mưu UBND tỉnh triển khai việc thực hiện Đề án và đạt được những kết quả nhất định.

Để tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án đã được phê duyệt, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản: Công văn số 1289-CV/TU ngày 07/8/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Quyết định số 1683/QĐ-UBND ngày 17/10/2013 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1720/QĐ-UBND ngày 23/10/2013 thành lập Hội đồng tư vấn xét sơ tuyển những người có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại; Ban hành công văn tăng cường công tác tuyên truyền phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động của Thừa phát lại. Đồng thời, khẩn trương thông báo, hướng dẫn lựa chọn những người có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP để giới thiệu tham gia lớp nghiệp vụ thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức làm nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại. Kết quả, năm 2013 đã giới thiệu được 07 người tham gia lớp nghiệp vụ Thừa phát lại, thẩm định trình Bộ Tư pháp bổ nhiệm và cấp thẻ cho 04 thừa phát lại. Các Thừa phát lại sau khi được Bộ Tư pháp bổ nhiệm được Sở Tư pháp hướng dẫn lập hồ sơ đề án đăng ký thành lập văn phòng thừa phát lại, đồng thời Sở Tư pháp thành lập hội đồng kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề án trình UBND tỉnh quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định cho phép thành lập 02 Văn phòng Thừa phát lại và Sở Tư pháp đã thực hiện cấp giấy đăng ký hoạt động cho 02 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, gồm: Văn phòng Thừa phát lại Vĩnh Long và Văn phòng Thừa phát lại Long Hồ.

Nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền, đoàn thể và nhân dân đối với chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông, phổ biến chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định 793/QĐ-UBND). Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp: phối hợp với Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền về chế định Thừa phát lại; chủ động phối hợp, tư vấn cho Ban Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình mở chuyên mục về Thừa phát lại hàng tuần với thời lượng 30 phút/chương trình; tổ chức tập huấn chuyên đề Thừa phát lại cho báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh; tổ chức biên soạn và phát hành tờ gấp, tài liệu giới thiệu về chế định Thừa phát lại để tuyên truyền cho nhân dân.

Đối với hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, sau gần 02 năm triển khai hoạt động, đến tháng hết tháng 7 năm 2015 hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả, cụ thể như sau:

- Tống đạt văn bản:Tính đến tháng 7/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với tất cả Cơ quan Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh thực hiện tống đạt trên 41.094 văn bản với tổng doanh thu 2.847,178  nghìn đồng.

- Vi bằng: Các Văn phòng Thừa phát lại đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp 60 vi bằng với doanh thu 54.800.000 đồng.

- Xác minh điều kiện thi hành án: Trong thời quan, các Văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện 62 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án với doanh thu 60.600.000 đồng;

- Trực tiếp tổ chức thi hành án: Đã thực hiện được 02 hợp đồng, với tổng doanh thu 8.600.000 đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định:

-  Do đang trong thời gian thí điểm nên các văn bản quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn chưa đầy đủ, đồng bộ, dẫn đến gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ của Thừa phát lại; 

- Đây là chế định mới nên việc tìm kiếm nguồn nhân sự để bổ nhiệm Thừa phát lại còn hạn chế ; Nhận thức của nhiều người vẫn còn xa lạ, chưa quen với loại hình dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Bộ Tư pháp đã được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, Vĩnh Long đã thành lập được 02 văn phòng Thừa phát lại. Các văn phòng Thừa phát lại hiện nay cơ bản được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đảm bảo được yêu cầu công việc; một số lĩnh vực hoạt động của Thừa phát lại khá tốt, tạo được hiệu ứng rất tích cực trong xã hội (lĩnh vực lập vi bằng) được người dân và xã hội đánh giá cao; Ngoài ra,  hoạt động tống đạt cũng đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu mà việc thí điểm đã đề ra. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân và xã hội đón nhận.