Bình Dương: Đề nghị quy định rõ các hành vi vi phạm của Thừa phát lại

29/09/2015
Bình Dương: Đề nghị quy định rõ các hành vi vi phạm của Thừa phát lại
Sau thời gian thí điểm, Ban Chỉ đạo thực hiện chế định thừa phát lại của tỉnh Bình Dương đề nghị sửa đổi các văn bản liên quan đến Thừa phát lại theo hướng quy định cụ thể hơn về người yêu cầu lập vi bằng, phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng;  khi đăng ký vi bằng phải có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh về sự kiện hành vi mà Thừa phát lại lập vi bằng; trường hợp người yêu cầu lập vi bằng không thông thạo tiếng Việt thì có người phiên dịch.

Đến nay, Bình Dương có 4 Văn phòng Thừa phát lại, với 10 Thừa phát lại, trong đó có 06 Thừa phát lại đang hành nghề tại các Văn phòng.  Các văn phòng đã lập vi bằng1.174 vụ việc; tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự: 18.798 vụ việc; Xác minh điều kiện thi hành án: 73 vụ việc; Tổ chức thi hành bản án, quyết định: 19 vụ việc với giá trị thi hành án về tiền là hơn 1,7 tỷ đồng và tài sản là 6.434 m2 đất. Tổng chi phí các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được là trên 4,1 tỷ đồng.

Mặc dù Thừa phát lại là một lĩnh vực mới, trong giai đoạn đầu của việc thí điểm hiểu biết của các cơ quan, tổ chức và người dân về thừa phát lại còn hạn chế, công tác hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan có liên quan đôi lúc chưa được chặt chẽ, các văn phòng còn gặp nhiều khó khăn về tài chính nhưng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện chế định thừa phát lại của tỉnh Bình Dươngvới sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban nhân dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự năng động, phối hợp chặt chẽ của các ngành và sự nỗ lực, quyết tâm cao của các Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, công tác thí điểm thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả theo Đề án đã được phê duyệt, đáp ứng mục đích yêu cầu.

Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, vì là chế định mới nên người dân còn tâm lý e ngại trong việc sử dụng các dịch vụ do Thừa phát lại thực hiện, nhất là trong việc tổ chức thi hành án; Nhận thức của một số cơ quan, ban ngành về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Thừa phát lại chưa thật rõ ràng, đầy đủ dẫn đến việc triển khai một số công việc để thực hiện thí điểm chế định này còn chậm. Chế định Thừa phát lại đang được thực hiện thí điểm, nên các quy định pháp luật về Thừa phát lại có những điểm thiếu cụ thể. Việc phân biệt rạch ròi phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại và công chứng hợp đồng, giao dịch của tổ chức hành nghề công chứng còn chưa được hiểu một cách thống nhất. Vì vậy, Ban chỉ đạo Bình Dương đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 theo hướng quy định cụ thể hơn các vấn đề về người yêu cầu lập vi bằng, phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng... Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định 110/2013/NĐ-CP theo hướng quy định rõ các hành vi vi phạm của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại và hình thức xử phạt cụ thể để đảm bảo tính răn đe.

                                           Thu Hằng