Các cam kết về thương mại hàng hóa trong các FTA Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán (Phần 1)

Tổng quan về các cam kết về thương mại hàng hóa trong các FTA Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán
1. Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
2. Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).
3. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA).
4. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP).
5. Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).
6. Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG).
7. Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).
8. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
9. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA).
10. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
11. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
12. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA).
13. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA.
14. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel.
I. TÓM TẮT CAM KẾT VỀ THUẾ NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM
Về thuế nhập khẩutổng hợp chung toàn bộ các cam kết về thuế quan của Việt Nam trong WTO như được thể hiện trong Biểu cam kết về Hàng hoá của Việt nam, có thể tóm lược một số nét lớn như sau:
- Việt Nam cam kết ràng buộc với toàn bộ Biểu thuế nhập khẩu hiện hành gồm 10.600 dòng thuế. Thuế suất cam kết cuối cùng có mức bình quân giảm đi 23% so với mức thuế bình quân hiện hành (thuế suất MFN) của Biểu thuế (từ 17,4% xuống còn 13,4%). Thời gian thực hiện sau 5- 7 năm.
- Trong toàn bộ Biểu cam kết, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế với khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5% số dòng của Biểu thuế); ràng buộc ở mức thuế hiện hành với khoảng 3.700 dòng (chiếm 34,5% số dòng của Biểu thuế); ràng buộc theo mức thuế trần – cao hơn mức thuế suất hiện hành với 3.170 dòng thuế (chiếm 30% số dòng của Biểu thuế), chủ yếu là đối với các nhóm hàng như xăng dầu, kim loại, hoá chất, một số phương tiện vận tải.
- Một số mặt hàng đang có thuế suất cao từ trên 20%, 30% sẽ được cắt giảm thuế ngay khi gia nhập. Những nhóm mặt hàng có cam kết cắt giảm thuế nhiều nhất bao gồm: dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, hàng chế tạo khác, máy móc thiết bị điện-điện tử.
- Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mức cam kết bình quân là 25,2% vào thời điểm gia nhập và 21,0% sẽ là mức cắt giảm cuối cùng. So sánh với mức thuế MFN bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là 23,5% thì mức cắt giảm đi sẽ là 10%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam sẽ được áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với 4 mặt hàng, gồm: trứng, đường, thuốc lá lá, muối (muối trong WTO không được coi là mặt hàng nông sản). Đối với 4 mặt hàng này, mức thuế trong hạn ngạch là tương đương mức thuế MFN hiện hành (trứng 40%, đường thô 25%, đường tinh 50-60%, thuốc lá lá: 30%, muối ăn 30%), thấp hơn nhiều so với mức thuế ngoài hạn ngạch.
- Đối với lĩnh vực công nghiệp, mức cam kết bình quân vào thời điểm gia nhập là 16,1%, và mức cắt giảm cuối cùng sẽ là 12,6%. So sánh với mức thuế MFN bình quân của hàng công nghiệp hiện nay là 16,6% thì mức cắt giảm đi sẽ là 23,9%.
- Các mức cắt giảm này có thể so sánh tương ứng với các mức cắt giảm trung bình của các nước nước đang phát triển và đã phát triển trong vòng đàm phán Uruguay (1994) như sau: trong lĩnh vực nông nghiệp  các nước đang phát triển và đã phát triển cam kết cắt giảm là 30% và 46%; với hàng công nghiệp tương ứng là 37% và 24%; Trung quốc trong đàm phán gia nhập của mình cam kết cắt giảm khoảng 45% thuế nhập khẩu (từ 17,5% xuống 10%).
Mức độ cam kết và cắt giảm thuế của Việt Nam tổng hợp theo một số nhóm ngành hàng và nhóm mặt hàng chính với thời gian thực hiện được cụ thể hoá trong các bảng dưới đây:
            Như tất cả các nước mới gia nhập khác, Việt Nam cũng cam kết tham gia vào một số Hiệp định tự do hoá theo ngành. Những ngành mà Việt Nam cam kết tham gia đầy đủ là sản phẩm công nghệ thông tin (ITA), dệt may và thiết bị y tế. Những ngành mà Việt Nam tham gia một phần là thiết bị máy bay, hoá chất và thiết bị xây dựng.Thời gian để thực hiện cam kết giảm thuế là từ 3-5 năm. Trong các Hiệp định trên, tham gia ITA là quan trọng nhất, theo đó khoảng 330 dòng thuế thuộc diện công nghệ thông tin sẽ phải có thuế suất 0% sau 3-5 năm. Như vậy, các sản phẩm điện tử như: máy tính, điện thoại di động; máy ghi hình, máy-ảnh kỹ thuật số… sẽ đều có thuế suất 0%, thực hiện sau 3-5 năm, tối đa là sau 7 năm. Việc tham gia Hiệp định dệt may (thực hiện đa phương hoá mức thuế đã cam kết theo các Hiệp định dệt may với EU, Hoa kỳ) cũng dẫn đến giảm thuế đáng kể đối với các mặt hàng này: vải từ 40% xuống 12%, quần áo từ 50% xuống 20%, sợi từ 20% xuống 5%.
Biểu cam kết thuế quan là cam kết ràng buộc về mức thuế MFN đối với từng dòng thuế và là một phần không tách rời của Nghị định thư Gia nhập WTO của Việt Nam .
Biểu cam kết thuế quan gồm hai hai phần chính:
Biểu cam kết thuế quan Hàng Nông sản: Mục I A - Thuế suất, Mục I – Hàng Nông sản;
Biểu cam kết thuế quan Hàng khác (Phi-Nông sản): Mục II – Hàng khác;
Ngoài ra, theo thế thức quy định về việc tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA) của WTO, kèm theo biểu cam kết thuế quan còn có hai phụ lục liệt kê riêng về phạm vi và lộ trình cụ thể cắt giảm xuống 0% cho các sản phẩm ITA:
Phụ lục B - Danh mục các mặt hàng ITA;
Lộ trình xoá bỏ thuế nhập khẩu cho các sản phẩm ITA.
Các nội dung được nêu trong Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam gồm:
Cột (1) và Cột (2) – Mã hàng và Mô tả Hàng hoá: Mã số phân loại hàng hoá và Mô tả cụ thể về mặt hàng theo Danh mục hài hoà biểu thuế quan của các nước ASEAN (ASEAN Hamornised Tariff Nomenclature – AHTN) và dựa trên Hệ thống Hài hoà phân loại hàng hoá phiên bản 2002 (Hamornised System 2002);
Cột (3) – Thuế suất cam kết tại thời điểm gia nhập: Mức thuế suất ràng buộc sẽ phải thực hiện ngay tại thời điểm gia nhập. Theo quy định của WTO, thời điểm gia nhập được tính là thời điểm sau 30 ngày kể từ khi Ban thư ký WTO nhận được văn bản thông báo chính thức của Việt Nam về việc Quốc hội phê chuẩn các văn kiện gia nhập WTO;
Cột (4) - Thuế suất cam kết cắt giảm: Mức thuế suất ràng buộc cắt giảm so với mức thuế tại thời điểm gia nhập. Trường hợp những dòng thuế có bỏ trống ổ cột (4) là Việt Nam đã ràng buộc mức thuế ngay tại thời điểm gia nhập, không cam kết cắt giảm thuế đối với những dòng thuế đó (trừ trường hợp những dòng thuế đã có Thuế suất tại thời điểm gia nhập bằng 0%);
Cột (5) - Thời hạn thực hiện (năm): Thời hạn thực hiện việc cắt giảm thuế để đạt mức thuế suất cam kết cắt giảm. Theo cam kết của Việt Nam, kể từ năm thứ nhất sau năm gia nhập WTO, sẽ được thực hiện từ ngày 1 tháng 1 hàng năm; theo phương thức cắt giảm đều, trừ các trường hợp có ghi chú riêng về lộ trình cắt giảm (Note) tại cột (5); khi mức thuế suất cắt giảm là số lẻ thì sẽ được làm tròn đến số thập phân thứ nhất;
Cột (6) - Quyền đàm phán ban đầu: Liệt kê những nước thành viên WTO có Quyền đàm phán ban đầu (Initial Negotiating Right) đối với dòng thuế tương ứng. Trong trường hợp Việt Nam không thực hiện đúng theo các cam kết ràng buộc về thuế đối với một dòng thuế nào (áp dụng mức thuế MFN cao hơn mức thuế cam kết WTO tại một thời điểm nào đó) thì mặc nhiên, Việt Nam sẽ phải tham vấn với các nước có INR ở dòng thuế đó để đền bù thiệt hại do việc không thực hiện cam kết. Tuy nhiên, việc đền bù thiệt hại sẽ được đàm phán cụ thể và căn cứ vào thực tế kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó vào Việt Nam của nước có INR (theo Điều 28 của GATT 1994 về Sửa đổi Biểu cam kết thuế quan).
Cột (7) – Phụ thu nhập khẩu (%): Cam kết về các khoản thu hay phụ thu khác có tính chất như thuế quan áp dụng đối với hàng nhập. Việt Nam cam kết không áp dụng bất kỳ khoản phụ thu nhập khẩu nào (thuế suất 0%).
Việt Nam đã đàm phán những vấn đề gì về thuế quan trong WTO?
Đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam khi gia nhập WTO tập trung vào vấn đề thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế. Về thuế nhập khẩu, Việt Nam đã đàm phán với các nước đối tác WTO trong các vấn đề:
(i) Ràng buộc tất cả các dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu (tức là Việt Nam đưa ra cam kết về các mức thuế nhập khẩu tối đa có thể áp dụng đối với tất cả các mặt hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam).
(ii) Chỉ dùng thuế nhập khẩu làm công cụ để bảo hộ duy nhất.
(iii) Cắt giảm thuế nhập khẩu, nhất là các mặt hàng đang có thuế suất áp dụng cao (hay còn gọi là thuế suất đỉnh) và các mặt hàng mà các nước thành viên WTO khác có lợi ích thương mại lớn.
(iv) Tham gia các hiệp định tự do hoá theo ngành của WTO để cắt giảm toàn bộ thuế áp dụng cho ngành đó xuống mức 0% (Hiệp định công nghệ thông tin, Hiệp định về thiết bị máy bay dân dụng, thiết bị y tế) hoặc hài hoà thuế suất ở mức thấp (Hiệp định hoá chất, Hiệp định hàng dệt may).
Tại sao khi đàm phán gia nhập WTO về hàng hóa, chỉ Việt Nam có nghĩa vụ giảm thuế nhập khẩu?
Cũng giống như tất cả các trường hợp đàm phán gia nhập WTO sau khi tổ chức này đã ra đời (sau 1/1/1995), đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam là đàm phán một chiều.
Điều nhất mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam (mức giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa từ các nước thành viên này có nghĩa là Việt Nam phải đàm phán với các nước đã là thành viên WTO để thống WTO) ở mức mà các nước đó chấp nhận được; còn nghĩa vụ mở cửa thị trường của các nước này thì vẫn giữ nguyên theo cam kết của họ khi họ gia nhập WTO trước đây (không đàm phán lại).
Khi Việt Nam đã là thành viên WTO, những đàm phán mở cửa thị trường tiếp theo trong khuôn khổ WTO (ví dụ Vòng đàm phán Doha) sẽ là đàm phán thông thường (2 chiều) trong đó tất cả các bên tham gia đàm phán đều phải đưa ra cam kết, nhân nhượng của mình và đàm phán chỉ đạt kết quả khi được tất cả các bên chấp thuận.
2. Mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hoá của Việt Nam trong WTO?
Mặc dù là đàm phán một chiều, nhìn về tổng thể kết quả đàm phán về thuế quan của Việt Nam trong WTO được đánh giá là tương đối khả quan đối với Việt Nam, cụ thể các cam kết này hướng tới mục tiêu:
  • Không gây biến động lớn đối với sản xuất trong nước;
  • Duy trì một giai đoạn quá độ nhất định cho từng nhóm mặt hàng trước khi phải thực hiện đầy đủ mức cam kết cuối cùng (còn gọi là lộ trình thực hiện);
  • Gắn kết hợp lý với các cam kết cắt giảm thuế theo các hiệp định thương mại khu vực (AFTA, ACFTA...) đã thực hiện;
  • Gắn với các định hướng cải cách trong nước (ví dụ chỉ duy trì bảo hộ một cách có chọn lọc và có thời hạn nhất định).
Sơ lược kết quả đàm phán thuế quan trong WTO của Việt Nam
  • Số dòng thuế có cam kết : toàn bộ Biểu thuế (10.600 dòng);
  • Mức giảm thuế bình quân toàn Biểu thuế : khoảng 23% (từ mức là 17,4% năm 2006 xuống còn 13,4%, thực hiện dần trong vòng 5-7 năm);
  • Số dòng thuế cam kết giảm : khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5% số dòng của Biểu thuế); nhóm mặt hàng có cam kết cắt giảm thuế nhiều nhất bao gồm: dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, hàng chế tạo khác, máy móc thiết bị điện-điện tử, thịt (lợn, bò), phụ phẩm;
  • Số dòng thuế giữ ở mức thuế hiện hành (cam kết không tăng thêm): khoảng 3.700 dòng (chiếm 34,5% số dòng của Biểu thuế);
  • Số dòng thuế ràng buộc theo mức thuế trần (cao hơn mức thuế suất hiện hành với 3.170 dòng thuế (chiếm 30% số dòng của Biểu thuế), chủ yếu là đối với các nhóm hàng như xăng dầu, kim loại, hoá chất, một số phương tiện vận tải.
Mức giảm thuế nhập khẩu đối với nông sản theo cam kết WTO
  • Mức giảm thuế trung bình : khoảng 10% (từ mức bình quân 25,2% năm 2006 đến mức cắt giảm cuối cùng bình quân 21%);
  • Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 4 nhóm hàng: trứng, đường, thuốc lá lá, muối (mức thuế trong hạn ngạch tương đương mức thuế MFN hiện hành trứng 40%, đường thô 25%, đường tinh 50-60%, thuốc lá lá 30%, muối ăn 30%), thấp hơn nhiều so với mức thuế ngoài hạn ngạch.
 
3. Việt Nam có cam kết tham gia các Hiệp định ngành không?
Hiệp định ngành trong lĩnh vực thương mại hàng hoá bao gồm một số thoả thuận tự do hoá thương mại mang tính tự nguyện giữa một số nước thành viên WTO trong một số ngành/lĩnh vực hàng hoá cụ thể. Mức cắt giảm thuế trong các Hiệp định này là rất cao (nhiều nhóm giảm xuống thuế suất 0%) nên không phải tất cả các nước thành viên WTO đều chấp nhận tham gia các Hiệp định này.Đây không phải Hiệp định bắt buộc trong WTO, chỉ áp dụng đối với các nước chấp thuận tham gia.
Gia nhập WTO, Việt Nam cam kết tham gia các hiệp định tự do hóa theo ngành sau đây:
  • Sản phẩm Công nghệ thông tin, Dệt may, Thiết bị y tế : tham gia toàn bộ Hiệp định
  • Thiết bị máy bay, Hóa chất, Thiết bị xây dựng : tham gia một phần Hiệp định
Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia một phần vào một số Hiệp định khác như Hiệp định về thiết bị khoa học, thiết bị xây dựng…
 
Tại sao Việt Nam phải tham gia các Hiệp định ngành của WTO?
Các Hiệp định ngành của WTO là những Hiệp định không bắt buộc. Trên thực tế, chỉ một số trong các thành viên WTO tham gia và thực hiện mở cửa theo các Hiệp định này bởi mức độ mở cửa thị trường theo các Hiệp định này rất lớn (với mức độ cắt giảm thuế nhập khẩu cao).
Không giống như trường hợp các Hiệp định bắt buộc trong WTO (ví dụ Hiệp định về Trị giá Hải quan, Hiệp định về Tự vệ…), về nguyên tắc Việt Nam không buộc tham gia các Hiệp định ngành khi gia nhập WTO.
Tuy nhiên, theo một thông lệ chung gần đây, các nước mới gia nhập đều bị “ép” phải tham gia các Hiệp định tự do theo ngành, đặc biệt là Hiệp định sản phẩm công nghệ thông tin (ITA) và Hiệp định dệt may.
4. Cách đọc Biểu cam kết thuế suất đối với hàng hóa?
Kết quả đàm phán WTO về mức cắt giảm thuế suất (ban đầu và cuối cùng) và lộ trìnhcắt giảm thuế cho mỗi sản phẩm thể hiện trong Biểu cam kết về hàng hoá của Việt Nam theo đúng phân loại hàng hoá của Hệ thống thuế mã HS (Hệ thống hài hòa mã số thuế) ở cấp độ 8 chữ số.
So sánh dòng thuế trong Biểu cam kết thuế quan WTO và Danh mục Biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam
- Điểm giống nhau: Mã số (8 số) và mô tả hàng hóa sử dụng trong Biểu cam kết hoàn toàn trùng khớp với mã hàng và mô tả hàng hóa của Danh mục Biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam.
- Điểm khác nhau: Thứ tự sắp xếp các chương/mã hàng giữa 2 Biểu này không trùng khớp nhau (đặc biệt là về việc sắp xếp các mã hàng giữa nhóm nông sản và hàng công nghiệp).
Để hiểu nội dung Biểu cam kết, doanh nghiệp cần biết cách đọc Biểu cam kết này. Cụ thể, Biểu Cam kết thuế trong WTO của Việt Nam được chia thành 02 Biểu nhỏ:
  • Biểu 1: Biểu cam kết thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp
Bao gồm:
+ Tất cả các sản phẩm từ Chương 1 đến Chương 24; (trừ Chương 3 - Cá và các sản phẩm cá) của Hệ thống thuế mã HS; và
+ Một số sản phẩm Chương 29 (Hóa chất hữu cơ), Chương 33 (Dược phẩm), Chương 35 (Các chất chứa abumin), Chương 38 (các sản phẩm hoá chất), Chương 41 (Da sống và da thuộc), Chương 43 (Da lông), Chương 50 (Tơ tằm), Chương 51 (Lông động vật) Hệ thống thuế mã HS.
  • Biểu 2: Biểu cam kết thuế đối với các sản phẩm khác (được hiểu là các sản phẩm công nghiệp); bao gồm các sản phẩm không nằm trong Biểu 1.
Mỗi Biểu cam kết thuế quan được chia thành 7 cột với ý nghĩa như sau:
  • Cột 1 : Mã hàng (xác định theo mã HS 8 số);
  • Cột 2 : Mô tả hàng hóa;
  • Cột 3 :Thuế suất cam kết tại thời điểm gia nhập áp dụng cho mã hàng đó (Initial bound rate - IBR).
Cột này thể hiện mức thuế suất cam kết ràng buộc cho mã hàng liên quan tại thời điểm gia nhập (11/1/2007). Đây là mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam có thể áp dụng đối với mã hàng này kể từ thời điểm gia nhập (không thể quy định mức cao hơn). Các mức cam kết ràng buộc này có thể cao hơn (trong trường hợp này được gọi là cam kết trần), bằng hoặc thấp hơn mức thuế suất Việt Nam đang áp dụng vào thời điểm 12/2006.
  • Cột 4 : Thuế suất cam kết cắt giảm (còn được gọi là thuế suất cam kết ràng buộc cuối cùng (Final bound/ Final bound rate - FBR))
Cột này thể hiện mức thuế nhập khẩu sau khi đã thực hiện cắt giảm cho mã hàng liên quan vào thời điểm kết thúc lộ trình thực hiện nêu tại Cột 5, và đây sẽ là mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam có thể áp dụng kể từ sau thời điểm kết thúc lộ trình thực hiện.
Trường hợp mã hàng nào mà Cột 4 này để trống thì được hiểu là mức thuế suất cam kết tại thời điểm gia nhập (Cột 3) cũng đồng thời là mức thuế suất cam kết ràng buộc cuối cùng.
  • Cột 5 : Thời hạn thực hiện (còn gọi là Lộ trình thực hiện - Implementation)
Cột này quy định khoảng thời gian quá độ cho phép để Việt Nam thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu từ mức cam kết ràng buộc tại thời điểm gia nhập (nêu tại Cột 3) xuống đến mức cam kết ràng buộc cuối cùng (Cột 4). Chỉ có những mã hàng (dòng thuế) có ghi mức thuế cam kết thuế suất cắt giảm thể hiện ở cột (4) thì tại cột (5) sẽ thể hiện số năm của thời hạn thực hiện tương ứng.
Việc cắt giảm theo lộ trình nêu tại Cột này được thực hiện đều từng năm (chia đều hiệu số giữa mức thuế suất khi gia nhậpmức thuế suất cam kết cuối cùng cho số năm lộ trình); bắt đầu từ 1/1/2008, các bước cắt giảm sau đó sẽ được thực hiện từ ngày 1 tháng 1 hàng năm cho đến khi đạt mức thuế suất cam kết cuối cùng theo thời hạn nêu trong Cột này.
Trong một số trường hợp có Ghi chú riêng tại Cột 5, áp dụng cho những dòng thuế có lộ trình cắt giảm nhanh hơn lộ trình giảm đều hàng năm.
  • Cột 6: Quyền đàm phán ban đầu (Initial Negotiation Right - INR)
Cột này nêu tên những nước thành viên WTO đã có yêu cầu đàm phán khi Việt Nam gia nhập WTO và họ chính là những nước mà Việt Nam sẽ phải tiến hành đàm phán bồi thường cho trường hợp Việt Nam tăng thuế nhập khẩu lên cao hơn mức thuế suất cam kết ràng buộc.
  • Cột 7: Phụ thu nhập khẩu (Other duties and charges – ODC)
Thông thường cột này mô tả các khoản thu (có tác dụng tương tự thuế nhập khẩu) đối với mã hàng nhập khẩu liên quan mà một nước thành viên đang áp dụng hay là cam kết cụ thể.
Trong trường hợp của Việt Nam, theo kết quả đàm phán, Việt Nam sẽ không áp dụng phụ thu đối với nhập khẩu hiện tại cũng như tương lai (do tất cả các khoản phụ thu đã được đưa vào thuế nhập khẩu). Vì vậy, tất cả các mặt hàng/dòng thuế đều được thể hiện là 0 ở cột (7).
5. Việt Nam sẽ phải thực hiện cam kết về thuế quan trong WTO như thế nào?
Về nguyên tắc, Việt Nam sẽ phải đảm bảo các mức thuế suất áp dụng trên thực tế hàng năm (tính từ thời điểm ngày 1 tháng 1 hàng năm) không được cao hơn các mức thuế suất cam kết ràng buộc tương ứng như thể hiện trong Biểu cam kết.
Đối với những mã hàng/dòng thuế có ghi thuế suất cắt giảm, mức thuế suất cắt giảm được tính toán hàng năm theo các bước giảm đều (ngoại trừ những trường hợp giảm nhiều hơn đã được ghi chú cụ thể trong Biểu), và các mức thuế suất tính toán này được làm tròn đến số thập phân thứ nhất.
Trong thực tế, hàng năm (trước ngày 1 tháng 1), Chính phủ (uỷ quyền cho Bộ Tài chính) sẽ ban hành Quyết định về thuế suất áp dụng cho các nước thành viên WTO (còn gọi là thuế suất MFN hay thuế suất nhập khẩu ưu đãi). Các thuế suất thuế nhập khẩu MFN này sẽ phải đảm bảo không vượt quá các mức thuế suất cam kết ràng buộc cụ thể cho từng dòng thuế/mặt hàng tương ứng trong Biểu cam kết theo các thời hạn tương ứng.
Ví dụ, để thực hiện các cam kết với WTO về thương mại hàng hoá, cho đến nay Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 39/2006/QĐ-BTC ngày 28/7/2006 để thực hiện cam kết cho năm 2007 và Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 để thực hiện cam kết cho năm 2008.
Doanh nghiệp có thể dựa vào Biểu cam kết thuế quan WTO để xác định mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam trên thực tế không?
Mức thuế suất ràng buộc cho mỗi mã hàng trong Biểu cam kết là mức thuế suất tối đa mà Việt Nam sẽ áp dụng để thực hiện theo lộ trình cam kết với WTO. Vì vậy, doanh nghiệp có thể dựa vào Biểu cam kết để dự báo xu thế chính sách đối với thuế suất nhập khẩu để hoạch định chính sách kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, tùy thuộc vào tình hình sản xuất và nhu cầu trong nước, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định giảm thuế nhanh hơn, nhiều hơn so với mức cam kết đối với một hoặc một số nhóm hàng. Vì vậy, để biết chính xác mức thuế nhập khẩu áp dụng đối với một mặt hàng cụ thể trong một thời điểm nhất định, doanh nghiệp vẫn cần tra cứu Danh mục Biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam có hiệu lực vào từng thời điểm cụ thể.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp thuế suất tính toán theo đúng Biểu cam kết có thể quá lẻ (đặc biệt khi thuế giảm đều theo lộ trình), vì vậy Chính phủ có thể lựa chọn các mức thuế suất chẵn, thấp hơn mức cam kết để tránh làm phức tạp hoá Biểu thuế nhập khẩu. 
6. Mối liên hệ giữa cam kết WTO và các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do khu vực?
Bên cạnh cam kết về thuế quan trong khuôn khổ WTO, Việt Nam còn tham gia và thực hiện các cam kết giảm thuế khác theo các Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) với các nước khác trong khu vực (đều là thành viên WTO) với mức cắt giảm thuế quan lớn hơn so với cam kết cắt giảm thuế quan trong WTO.
Theo nguyên tắc ưu tiên được thừa nhận trong WTO, Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất nhập khẩu theo cam kết FTA (thường là rất thấp) đối với hàng hóa nhập khẩu (đáp ứng đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn xuất xứ) từ các nước là thành viên các FTA đó mà không áp dụng mức thuế này cho hàng hóa đến từ các nước thành viên còn lại của WTO.
Nguyên tắc MFN được áp dụng như thế nào trong trường hợp FTA?
Về nguyên tắc, các cam kết trong WTO được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc MFN, nghĩa là được áp dụng một cách không phân biệt đối xử đối với hàng hoá nhập khẩu từ tất cả các nước thành viên WTO. Điều này có nghĩa nếu một nước thành viên WTO dành bất kỳ ưu đãi thuế quan nào cho hàng hóa từ một nước thành viên WTO thì cũng phải cho hàng hóa đến từ tất cả các thành viên khác ưu đãi tương tự.
Tuy nhiên, Điều 24 của Hiệp định GATT của WTO cho phép các nước thành viên áp dụng những thuế suất thấp hơn theo các Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) cho chỉ các nước thành viên của các Hiệp định thương mại tự do đó (mà không áp dụng cho các thành viên khác của WTO).
Để được xem là FTA, nội dung của các Hiệp định này phải là xóa bỏ thuế quan và các biện pháp cản trở thương mại đối với “hầu hết thương mại” (substantially all the trade) giữa các thành viên trong một khoảng thời gian nhất định.
 
Các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam
- Các FTA Việt Nam đã tham gia:
CEPT-AFTA (FTA giữa các nước ASEAN);
ACFTA (FTA giữa các nước ASEAN và Trung Quốc);
AKFTA (FTA giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc).
AJFTA (FTA giữa ASEAN và Nhật Bản);
- Các FTA Việt Nam đang đàm phán
FTA giữa ASEAN/Việt Nam và Ấn Độ;
FTA giữa ASEAN/Việt Nam và Australia và New-Zealand;
FTA giữa ASEAN/Việt nam và EU (khởi động đàm phán) 
 
Có phải mọi hàng hóa nhập khẩu từ một nước tham gia FTA đều được hưởng thuế suất ưu đãi theo FTA đó không?
Khác với thuế suất MFN (có điều kiện áp dụng tương đối đơn giản), để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo từng FTA, hàng nhập khẩu phải thỏa mãn một số điều kiện, trong đó điều kiện về xuất xứ là quan trọng và cũng là khó khăn nhất.
Do đó, không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các nước đã có FTA với Việt Nam đều được áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo cam kết trong FTA liên quan, mà chỉ những hàng hoá đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ và có giấy chứng nhận xuất xứ phù hợp (tương tự đối với hàng hóa của Việt Nam xuất đi các nước này) mới được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi này .
7. Cam kết giảm thuế theo WTO có gây ra tác động lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam không?
Từ góc độ thuế quan, gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam phải cam kết cắt giảm thuế suất nhập khẩu đối với hầu hết các dòng thuế cho hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO khác (152 nước vào thời điểm 12/2008).Vì vậy, việc tiếp cận cũng như năng lực cạnh tranh của hàng nhập khẩu trên thị trường cũng tăng lên, các ngành sản xuất trong nước sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn.
Nhìn tổng quan thì mức giảm thuế theo cam kết WTO thuộc diện trung bình (23%). Tuy nhiên, trên thực tế, tác động của việc giảm thuế đối với một số ngành là rất lớn bởi:
  • Việc cắt giảm thuế thực ra chỉ tập trung vào 1/3 số mặt hàng của Biểu thuế (do đó tuy mức cắt giảm trung bình không lớn nhưng mức cắt giảm thực tế của những ngành này sẽ là lớn); và
  • Đối với những dòng thuế đã được cam kết ràng buộc trần cao hơn mức hiện hành (tức là về nguyên tắc Việt Nam được phép nâng mức thuế đang áp dụng lên đến mức ràng buộc trần), trong xu thế chung hiện nay, khả năng tăng thuế cũng sẽ không lớn.
Ngược lại, tác động của cam kết giảm thuế theo WTO có thể không quá lớn với nhiều ngành khác bởi:
  • Việc giảm thuế trong khuôn khổ WTO được thực hiện trong hoàn cảnh việc giảm thuế theo các cam kết FTA mà Việt Nam tham gia đã hoặc đang được thực hiện. So với mức giảm thuế theo các FTA, mức giảm thuế theo cam kết gia nhập WTO không lớn. Trong khi đó, nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có tỷ trọng lớn từ các nước đối tác đang hoặc sẽ có FTA với Việt Nam (và vì vậy được hưởng thuế ưu đãi theo FTA). Vì vậy, việc thực hiện cam kết WTO không gây ra tác động lớn đối với nhóm này.
  • Hiện nay, trị giá sản phẩm nhập khẩu thực tế chịu ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế theo cam kết WTO chỉ chiếm khoảng 20% tổn trị giá sản phẩm nhập khẩu. Trong khuôn khổ cam kết WTO, mức thuế suất cam kết bình quân theo trọng số kim ngạch thương mại không thấp hơn mức thuế suất hiện hành theo trọng số thương mại của biểu thuế MFN (năm 2006);
  • Thuế suất của thành phẩm nhìn chung có mức cam kết giảm lớn hơn mức giảm của sản phẩm trung gian (nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào). Vì vậy, các cam kết trong WTO sẽ làm giảm bớt mức bảo hộ thực tế trong một số ngành trước đây được bảo hộ quá mức cần thiết. Mức độ bảo hộ theo cam kết WTO mặc dù sẽ giảm so với mức bảo hộ thực tế vào trước thời điểm gia nhập, nhưng sẽ đảm bảo sự bảo hộ đồng đều hơn giữa các ngành, qua đó góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Sản xuất, trong đó có sản xuất hàng xuất khẩu, cũng sẽ được lợi bởi tiếp cận được các yếu tố đầu vào với chi phí rẻ.
Như vậy, tác động của WTO có thể là thuận lợi hoặc khó khăn đối với từng ngành sản xuất (và các doanh nghiệp trong ngành) tùy thuộc vào
  • mức cam kết giảm thuế trong WTO;
  • cam kết giảm thuế theo FTA đang hoặc sẽ thực hiện và
  • mức độ bảo hộ thực tế đối với ngành đó.
Vì vậy, để xác định chính xác tác động của cam kết thuế quan trong WTO đối với ngành mình, doanh nghiệp cần xem xét đầy đủ cả 3 yếu tố nêu trên.

Phạm Nguyệt Hằng (tổng hợp)