Những quy định mới về bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2018

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật từ ngày 1/1/2018 trở đi, Bảo hiểm xã hội có những thay đổi sau: Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội: Từ 1/1/2018 người lao động có hợp đồng lao động từ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

     Về căn cứ đóng: Từ 1/1/2018 trở đi, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là tổng thu nhập của người lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Cụ thể, phụ cấp lương là các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ , chức danh, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm , phụ cấp thâm niên, phụ câp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp thu hút và các phụ câp có tính chất tương tự.
     Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định các khoản bổ sung khác là các khoản bổ sung mà người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận, cụ thể: Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả lương thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gần với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
     Về hưởng bảo hiểm xã hội: Từ ngày 1/1/2018 trở đi, quy định điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tuổi tăng lên so với  Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.Theo đó người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%  thì phải đủ điều kiện về tuổi đời như sau:
     Đối với lao động nam để được hưởng 40% mức bình quân tiền lương tháng, thì khi nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, mỗi năm tăng thêm 01 năm cho đến khi tròn 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%. Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018 trở đi, quy định đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45%. Sau đó cả lao động nam và nữ đều được tính thêm 2% cho mỗi năm đóng BHXH nhưng tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa chỉ bằng 75%. Với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì phải trừ tỉ lệ hưởng lương hưu do nghỉ trước tuổi quy định. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2% (cả nam và nữ), khi tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp tuổi nghỉ hưu có tháng lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thỉ không giảm tỉ lệ %. Tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp thời gian đống BHXH có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm, từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là 01 năm.

T.M.Nguyệt tổng hợp.