Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019

Ngày 15/3/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 587/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 với mục đích nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên toàn quốc trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sau khi được Chính phủ ban hành để thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ); đảm bảo hiệu quả trong thực hiện các hoạt động, kết hợp phát huy nguồn lực của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 được phê duyệt kèm theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 585).

Theo đó, năm 2019, Bộ Tư pháp tập trung các nhiệm vụ chính trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp: trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thực hiện việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, triển khai Nghị định thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP: tổ chức các tọa đàm, hội nghị đối thoại triển khai Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sau khi được Chính phủ ban hành.
Thứ ba, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp để hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự - kinh tế: thông qua các hình thức: tiếp nhận bằng văn bản; tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi, tiếp thu ý kiến, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật lao động, doanh nghiệp và đầu tư.
 
Thứ tư, tổ chức trao đổi và học tập kinh nghiệm về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trao đổi các mô hình hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ năm, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 16/10/2010 hướng dẫn lập dự toán, sử dụng, quyết toán kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp yêu cầu các hoạt động thực hiện bám sát Chương trình hành động của ngành Tư pháp (được ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-BTP ngày 15 tháng 01 năm 2019) triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Đảm bảo đúng nội dung, hình thức và phương pháp thực hiện các hoạt động theo quy định của Điều 14 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP; đảm bảo tính khả thi, hợp lý, khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phải có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để kịp thời đề xuất giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trên toàn quốc./.  
Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp

Trần Minh Sơn


Các tin khác