ĐỐI THOẠI ĐÓNG GÓP Ý KIẾN DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NHẰM TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRONG THỜI GIAN TỚI

ĐỐI THOẠI ĐÓNG GÓP Ý KIẾN DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NHẰM TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRONG THỜI GIAN TỚI Thực hiện Kế hoạch năm 2018 của Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, Bộ Tư pháp (gọi là Chương trình 585), trên cơ sở nhiệm vụ do Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp và Kế hoạch năm 2018 của Bộ Tư pháp về việc xây dựng Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Chính phủ Quý IV/2018, ngày 06/7/2018 tại TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và các Sở, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp của các địa phương ở Khu vực các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi…. Tổ chức Hội nghị đối thoại “Lấy ý kiến dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”. Chủ trì Hội nghị đối thoại có TS. Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp. Chương trình có sự tham dự của đại diện Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (Dự án GIG) cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi….và các cơ quan báo, đài tham dự.

TS. Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã phát biểu khai mạc và trao đổi các vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trên cơ sở nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã xây dự Kế hoạch xây dựng Nghị định, ban hành Quyết định thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định, tổ chức Hội nghị đối thoại lấy ý kiến dự thảo Nghị định tại TP. Hà Nội, Cần Thơ… và các tỉnh liên quan. Đến nay, về cơ bản dự thảo Nghị định đã được hoàn thiện và đang lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vả các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp bằng văn bản.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế tỉnh Bắc Ninh – Chuyên gia Dự án GIG cho rằng trong thời gian qua, trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhiều địa phương đã thiết kế mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như “Cà phê doanh nhân”, “Cà phê doanh nhân sáng thứ 7” … nhằm hỗ trợ pháp lý trực triếp cho các doanh nghiệp tại địa phương. TS. Nguyễn Phương Bắc cho rằng, dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được thể chế hóa quy định khoản 3 Điều 14 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, tuy nhiên, Nghị định mới cần bổ sung và làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan và nhất là các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị bà Lê Thu Hiền - Quản lý Dự án GIG đánh giá cao nội dung dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Bộ Tư pháp xây dựng, theo bà Hiền đây là một trong chùm Nghị định được ban hành nhằm triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực từ 01/01/2018, với các quy định mới sẽ góp phần tạo cơ chế chính sách cho các cơ quan thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (đối tượng chiếm 97% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam) góp phần phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong thời gian tới.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Bình, tỉnh KomTum, TP. Đà Nẵng… cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhất là dữ liệu vụ việc pháp lý cho doanh nghiệp rất thiết thực, tuy nhiên đề nghị Bộ Tư pháp có cơ chế để việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu hiệu quả trong thời gian tới, tạo điều kiện cho cán bộ tư pháp địa phương triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về kinh phí và nhân sự triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở ngành Tư pháp là rất khó khăn trong khi đó cơ quan Tư pháp là cơ quan đầu mối triển khai hoạt động này, trong khi đó, ngành kế hoạch và đầu tư thì luôn quan tâm bố trí nhân sự, tổ chức để triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh tại Đà Nẵng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp không mặn mà lắm việc tiếp nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nếu các mức hỗ trợ kinh phí đó thấp và thủ tục rườm rà, vì vậy, VCCI tại Đà Nẵng đề nghị việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp là khó khả thi mà việc hỗ trợ này cần được hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… để thiết thực hơn cho doanh nghiệp, Nhà nước chỉ đứng với vai trò hỗ trợ, cấp kinh phí và quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đánh giá cao các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức tham dự Hội nghị đối thoại góp ý cho dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc đầu mối quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; các thủ tục, thời gian giảm thiểu tối đa để thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo TS. Nguyễn Thanh Tú, hiện nay, Bộ Tư pháp đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin Bộ Tư pháp đến hết tháng 7/2018 và dự kiến trình Hội đồng thẩm định tháng 8/2018, trình Chính phủ chậm nhất tháng 10/2018.


 

Ths. Trần Minh Sơn - Vụ PLDSKT


Các tin khác