Thực hiện di chúc của Bác - Tư pháp ở đời, làm người

07/10/2014
Đối với Ngành Tư pháp, công tác Tư pháp, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm lớn. Tìm đọc lại tư liệu, hồi tưởng lại sự kiện, chúng ta thấy, dường như Người luôn dõi theo từng bước phát triển, từng cố gắng, từng thành tích, thấu hiểu những khó khăn, vất vả, thiếu thốn, cả những va vấp của cả Ngành và từng người cán bộ cụ thể. Bác viết thư, đến dự Hội nghị của Ngành để chỉ đạo, huấn thị. Bác gặp gỡ, hỏi thăm, tự tay viết thư động viên, nhắc nhở cán bộ Tư pháp về cả việc công, việc tư…

Ngẫm lại Di chúc của Bác, chúng ta càng như thấy những lời Bác dành cho toàn Đảng, toàn dân cũng là dành cho chúng ta. Dường như qua Di chúc, Bác tiếp tục căn dặn Ngành Tư pháp về lẽ sống: Tư pháp là ở đời, làm người.

Ngành Tư pháp học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Di chúc của Bác phản ánh tâm hồn và đạo đức cao đẹp, trong sáng và phong phú của một con người vĩ đại đã dành cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho cách mạng, cho nhân dân, “suốt đời một lòng một dạ phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Di chúc của Bác thể hiện những tư tưởng cơ bản, cốt cách, tâm hồn cao đẹp và đạo đức trong sáng của Người, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người cán bộ Tư pháp chúng ta. Càng tìm hiểu Di chúc của Bác, ta càng cảm nhận bao điều thâm thúy, vô cùng có ý nghĩa, nhất là càng thấy rõ hơn trí tuệ, đạo đức, văn hóa, lối sống của Người.

Hưởng ứng cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ngành Tư pháp đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực trong toàn ngành cũng như trong từng tập thể, đơn vị, làm sáng tỏ nội dung chuẩn mực đạo đức của Bác để vận dụng vào công tác Tư pháp, vào công việc cụ thể của từng tập thể, cá nhân. Bộ Tư pháp đã ban hành “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp”, được toàn Ngành đón nhận, triển khai thực hiện. Đó là những lời tâm nguyện của người cán bộ Tư pháp trước Anh linh của Bác.

Tư pháp vì nhân dân, vì con người, Tư pháp phục vụ nhân dân

Trong Di chúc, Người dặn lại những công việc mà Đảng, đảng viên, cán bộ phải làm, còn quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân dân. Những điều Bác dặn, trước hết nói về Đảng, nhưng trên hết là về Nhân dân. Đó là sự sâu sắc vô cùng trong tư duy triết học Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Trong Di chúc, Bác khẳng định toàn bộ những việc lớn của cách mạng, của xã hội đều gắn với con người, vì con người. Người chỉ rõ mọi tầng lớp nhân dân, với từng đối tượng cụ thể mà Đảng phải phục vụ: từ những người có công với nước như những người hy sinh xương máu, cha mẹ thương binh, liệt sĩ, những người trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, đến phụ  nữ, nông dân. Bác dặn phải khoan hồng với những con người vì cảnh ngộ mà phải lạc bầy: “Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu thì nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Đây cũng là bản chất của nền Tư pháp, được khởi nguồn từ những ngày đầu thành lập theo di huấn của Bác. Sinh thời, Bác đã từng chỉ đạo công tác của nhiều ngành. Với Ngành Tư pháp, những người phụ trách công tác pháp luật, Người đã nêu một chân lý, một lẽ sống mà các thế hệ cán bộ Tư pháp đang tiếp tục suy ngẫm, phấn đấu, đó là: Tư pháp là ở đời, làm người. Ở đời, làm người là vì con người, vì nhân dân, lo toan cho thân phận của từng con người, mang lại lẽ công bằng cho họ, góp phần giúp họ vươn lên làm chủ nhân của một đất nước tự do, độc lập. Từ hoạt động xây dựng pháp luật, đến các hoạt động thực thi pháp luật, người cán bộ Tư pháp có vinh dự lớn là thay mặt Nhà nước chăm lo về mặt pháp lý cho mỗi con người, từ khi sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời.

Sức sống lớn lao và ánh sáng kỳ diệu tỏa ra trong toàn bộ Di chúc đó là  tư tưởng nhân văn cách mạng ngời sáng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành Tư pháp, Di chúc của Bác là lời căn dặn thiết tha về xây dựng một nền Tư pháp nhân văn, một nền Tư pháp vì nhân dân, vì con người, vì đất nước; nêu cao tấm gương cao đẹp về phục vụ nhân dân, về trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

                                                      Đức Giao

                                                    (Bộ Tư pháp)