Tham dự buổi tọa đàm có ông Mạc Văn Tân - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; ông Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng HCM; ông Nguyễn Xuân Tùng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp; ông Phan Hồng Nguyên - Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp và đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên Bộ Tư pháp.
Năm 2014, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, các cán bộ, đoàn viên thanh niên đã được nghe lại Di chúc của Bác. Di chúc được Bác viết trong 5 năm, từ năm 1965 đến 1969. Bản Di chúc được công bố là toàn văn năm 1969. Trong Di chúc, Bác dặn dò rất nhiều nội dung: về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là giữ gìn đoàn kết, tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình; về giải phóng miền Nam; cũng như việc quan tâm, chăm lo đến con người, xây dựng đất nước…
Thực hiện Di chúc của Bác, đến nay, đất nước ta ổn định và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn có những hạn chế. Nếu không có nhiều khuyết điểm trong việc thực hiện thì thành tựu đạt được còn to lớn hơn.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng khẳng định giá trị to lớn của Di chúc, đồng thời không quên nhắc nhở các cán bộ, đoàn viên thanh niên về lời Bác Hồ dạy đối với ngành Tư pháp “Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người”, “ở đời và làm người là yêu nước thương dân”. Khẳng định, “Bác Hồ luôn ở trong lòng của chúng ta, ở trong mỗi công việc chúng ta làm”, Thứ trưởng mong rằng, cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp phải “cố gắng có liên hệ, gắn việc thực hiện Di chúc của Bác với công việc hàng ngày” để thực hiện đúng Di chúc của Bác và hoàn thành tốt công việc của mình.