Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Đại diện Vụ Pháp chế, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng; Vụ Kinh tế công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương; Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an; Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; các sở, ngành của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… và các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các trường: Đại học Luật Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương.
|
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, với mục tiêu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Hội thảo là dịp để các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trao đổi, đối thoại về kết quả rà soát, nhận diện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Dầu khí năm 1993, Luật Thủy lợi năm 2017 và các luật sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, Hội thảo cũng là diễn đàn để các đại biểu tham dự chia sẻ, phản ánh thông tin về những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật về dân sự, dầu khí, thủy lợi. Từ đó, đề xuất, kiến nghị với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản và các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực nêu trên.
|
|
Phát biểu chia sẻ tại Hội thảo, chuyên gia Dự án JICA tại Việt Nam bày tỏ rất vui mừng được phối hợp với Bộ Tư pháp cùng tổ chức Hội thảo về rà soát văn bản QPPL trong nhiều lĩnh vực pháp luật, trong đó có lĩnh vực pháp luật dân sự, dầu khí, thủy lợi. Chuyên gia cũng chia sẻ các kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng, rà soát các văn bản pháp luật để phía Bộ Tư pháp Việt Nam tham khảo, vận dụng áp dụng trong quá trình thực hiện rà soát văn bản pháp luật của mình.
Tại Hội thảo, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp luật về dân sự, dầu khí, thủy lợi đến từ các Đại học danh tiếng trong nước đã tham luận chuyên sâu, cụ thể về hoạt động rà soát văn bản QPPL trong từng lĩnh vực cụ thể và đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về dân sự, dầu khí, thủy lợi.
Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến tâm huyết, đa chiều về nhiều nội dung liên quan đến kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực nói trên, nhất là các khó khăn, vướng mắc đã gặp phải trong thực tiễn thi hành pháp luật về dân sự, dầu khí, thủy lợi cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan như: các quy định về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; một số quy định nguyên tắc xác lập, thực hiện hợp đồng;
về thời hiệu khởi kiện;
về thời điểm có hiệu lực hợp đồng; về lãi suất chậm trả tiền; chấm dứt hợp đồng; lãi suất cho vay trong hạn; sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản; hình thức hợp đồng; về đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; hợp đồng dầu khí; quy trình, thủ tục đầu tư dự án trong lĩnh vực dầu khí; thuế, lệ phí trong lĩnh vực dầu khí; giải quyết tranh chấp, thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động dầu khí; về định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; nhiệm vụ phân phối tài nguyên nước còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn...
|
|
Kết thúc Hội thảo, thay mặt Cục Kiểm tra văn bản QPPL, đồng chí Phó Cục trưởng Hoàng Xuân Hoan trân trọng cảm ơn Dự án JICA tại Việt Nam và các chuyên gia của Dự án đã hỗ trợ Bộ Tư pháp tổ chức thành công Hội thảo. Đồng chí Hoàng Xuân Hoan ghi nhận, cảm ơn sự tham gia ý kiến nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo. Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đánh giá các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp của Bộ luật Dân sự, Luật Dầu khí, Luật Thủy lợi để tham mưu cho Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó theo thẩm quyền thực hiện hoặc tham mưu thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành văn bản mới bảo đảm chất lượng, giải quyết được các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã phát hiện; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới./.