Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ

Tin tức

Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, trên cơ sở đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch số 48/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP hướng tới các mục tiêu: cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, thực hiện cải cách chỉ số thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao nhận thức, trình độ của cán bộ các cấp về cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh.

Theo kế hoạch số 48 của UBND tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của đơn vị mình, trong đó tập trung vào mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, cơ quan kinh doanh chủ chì phối hợp với cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, kế hoạch đầu tư, hải quan… kết nối các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Cụ thể như:
            Đối với ngành hải quan, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã thực hiện giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, đảm bảo đúng chi phí theo quy định trong thực hiện thủ tục hành chính đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa là 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và 12 ngày đối với hành hóa nhập khẩu; ngành bảo hiểm xã hội cũng thực hiện nghiêm túc các quy định, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đơn giản hóa hồ sơ, quy trình và thực hiện giao dịch điện tử kê khai, thu và chi, giải quyết các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luậ; Ngân hành Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng công khai, minh bạch thông tin về hoạt động, quy trình thực hiện các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ, các dịch vụ của hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng…
            Vì vậy có thể khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP đã tiếp tục chủ động kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và thiết lập trách nhiệm, nhiệm vụ chi tiết cho các ngành liên quan để thúc đẩy tính hiệu quả và phối hợp giữa các ngành với các địa phương. Chính nhờ quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự tham gia của khối doanh nghiệp cùng với các cơ quan nhà nước, sự triển khai Nghị quyết thời gian qua đã góp phần đơn giản và hợp lý hóa nhiều thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
            Tuy nhiên, Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP vẫn là thách thức mới trong cải cách hành chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong khi đó, nhận thức của người dân, doanh nghiệp và của chính các cán bộ, công chức, viên chức các ngành, cơ quan về năng lực cạnh tranh quốc gia còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp của các đối tượng liên quan trong việc xây dựng và triển khai các chủ trương, kế hoạch về nằng lực cạnh tranh còn chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính hiệu quả chưa cao do nhiều phần mềm còn bất cập, các tính năng chưa sát với yêu cầu hoặc chưa được khai thác triệt để. Việc trao đổi qua mạng thông tin nội bộ còn hạn chế, đặc biệt đối với tuyến xã, phường, thị trấn do trình độ tin học của một số cán bộ chưa tốt, trang thiết bị còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
            Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 19 của Chính phủ thì rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan công quyền. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong chức năng, nhiệm vụ của mình phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Chương trình hành động của các ngành phải được công khai cho doanh nghiệp biết để thấy sự nỗ lực và quyết tâm của tỉnh. Đồng thời phải có cơ chế giám sát, kiểm tra chương trình hành động để thúc đẩy, uốn nắn kịp thời những sai lệch, xác định nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP đã đề ra.