Kiểm soát thủ tục hành chính góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại

Tin tức

Kiểm soát thủ tục hành chính góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại

“Huy động toàn xã hội tham gia vào quy trình kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện tốt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”. Đó là thông điệp của Chính phủ đưa ra đối với hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC). Nó đã khẳng định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động này trong quá trình thực hiện cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.

Có thể nhận thấy rất rõ, việc kiểm soát TTHC để nâng cao chất lượng hệ thống các quy định hành chính không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC mà đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống hành chính, từ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về TTHC tới các bộ phận trực tiếp thực hiện TTHC; từ trách nhiệm của cán bộ, công chức đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, các đối tượng tham gia vào TTHC.

Kiểm soát TTHC có hiệu quả là hoạt động mang lại lợi ích trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức nhưng đồng thời không để sơ hở trong công tác quản lý nhà nước. Đây là một quy trình bắt đầu từ việc đánh giá tác động các quy định về trong quá trình dự thảo do các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện; gửi lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC; công khai, minh bạch TTHC sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi TTHC trong thực tiễn. Cuối cùng là tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính nhằm phát hiện và giải quyết những bất cập của các quy định hành chính, cũng như giám sát việc thực thi TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua việc kiểm soát TTHC, mọi TTHC sẽ được công khai hóa và thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng tùy tiện, thiếu công khai, minh bạch trong việc ban hành và thực hiện TTHC tại nhiều cơ quan hành chính như thời gian qua.

Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu không làm tốt công tác giám sát, kiểm soát TTHC thì các hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính đôi khi chỉ mang tính hình thức. Sẽ có nhiều thủ tục được “cải cách” trên giấy tờ, không có tính thực thi trong thực tế. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi của TTHC thì bước đầu tiên của quy trình kiểm soát chính là việc tổ chức đánh giá tác động của quy định về TTHC. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường “trách nhiệm giải trình” trước nhân dân của các ban soạn thảo về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả của quy định về thủ tục hành chính dự kiến ban hành. Đây là một việc làm cần thiết vì mỗi giờ lao động dành cho việc đánh giá tác động sẽ giúp cắt giảm hàng ngàn, hàng vạn giờ không cần thiết của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện TTHC sau này, nhưng đây cũng là một việc làm khó, đòi hỏi các cán bộ, cơ quan, đơn vị soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đầu tư thời gian, công sức để đưa ra các phương án tối ưu.

Nội dung công khai TTHC sẽ được thực hiện theo nguyên tắc đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, đúng địa chỉ, dễ tiếp cận, dễ khai thác, sử dụng và phải đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia và thông tin rộng rãi cho người dân biết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi thực hiện các TTHC với cơ quan hành chính, người dân có quyền được biết, được hướng dẫn đầy đủ để thực hiện TTHC và từ chối thực hiện những TTHC do các cơ quan hành chính và cán bộ, công chức tự đặt ra. Việc này sẽ hạn chế và dần đi đến chấm dứt các hành vi nhũng nhiễu, hành dân của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp hiện nay. Thực tế đã phát sinh rất nhiều trường hợp, cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC đã lợi dụng sự mập mờ, bất cập của pháp luật để tự ý đặt ra các loại thủ tục, hồ sơ, giấy tờ nhằm gây khó khăn, sách nhiễu với người dân. Nhiều trường hợp đã bị xem xét, xử lý kỷ luật. Chính vì vậy, công khai TTHC là một yêu cầu không thể thiếu trong kiểm soát TTHC.

Công khai trong TTHC cũng cần phải đề cao vị trí, vai trò của cơ quan báo chí. Khẳng định báo chí có vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát TTHC. Ngoài việc truyền tải các nội dung và lợi ích của công tác kiểm soát hành chính tới người dân, báo chí còn giúp cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và đề xuất xử lý những điểm chưa phù hợp, những hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện các quy định hành chính.

Tuy nhiên, không phải chỉ ở phía các cơ quan hành chính. Một vấn đề vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng hoạt động kiểm soát TTHC chính là thái độ và nhận thức của người dân khi tiếp cận TTHC. Do thiếu hiểu biết pháp luật, không nắm rõ các quy trình, quy định, cộng với tâm lý phải “nhờ vả, xin cho” vô hình chung cũng đã tạo điều kiện cho công chức nảy sinh các hiện tượng tiêu cực. Thậm chí, nhiều trường hợp dù biết rõ công chức Nhà nước thực hiện sai quy định nhưng để đạt mục đích của mình, người dân vẫn buộc phải làm theo, không có ý kiến phản hồi hoặc phản ánh, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Trước thực trạng như vậy, hoạt động kiểm soát TTHC đã thiết lập cơ chế tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính nhằm kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý; qua đó, giúp cơ quan hành chính các cấp kịp thời phát hiện và chấn chỉnh hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC. Đây là một yêu cầu quan trọng, thiết yếu; góp phần thực hiện nhiệm vụ chung là xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại./.