Dự án Luật xây dựng (sửa đổi): Tránh thất thoát, lãng phí trong hoạt động xây dựng

26/11/2013
Thảo luận về Dự án Luật xây dựng (sửa đổi) sáng qua (25/11), ĐBQH đều hy vọng, dự thảo Luật sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí trong hoạt động xây dựng.

Ngăn thất thoát từ khâu thẩm định

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng là do thiếu vắng vai trò kiểm soát của các quản lý nhà nước trong các khâu như thẩm định dự án, thẩm định trước thuế và dự toán xây dựng, nên ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) kiến nghị đưa vào luật những quy định cụ thể về năng lực và trách nhiệm của cơ quan thẩm định, tư vấn thẩm tra khi có sai sót, những quy định về trách nhiệm của thanh tra xây dựng khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như những quy định trách nhiệm của tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát khi công trình xây dựng sai phép, hay khi có sự cố xảy ra. Bổ sung thêm những điều quy định về năng lực của cá nhân, về thẩm định dự án và đơn vị thẩm định được phép mời các chuyên gia để tham vấn đối với những nội dung vượt quá năng lực chuyên môn của mình.

Xác định, “Quy hoạch xây dựng là khâu rất quan trọng của hoạt động xây dựng”, nhiều ĐBQH đề nghị trong dự thảo luật cần phải quy định chặt chẽ đầy đủ từ yêu cầu, nguyên tắc lập quy hoạch, trình tự lập thẩm định việc lấy ý kiến cho đến phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời, dự thảo Luật Xây dựng nên áp dụng tập trung giới hạn vào hoạt động xây dựng nhưng có biện pháp chế tài cụ thể hơn, có hiệu lực cao để đảm bảo việc thực thi hiệu quả còn liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, hoạt động của chủ đầu tư nói chung hay quản lý sử dụng vốn ngân sách.

ĐBQH nhận thấy, đầu tư xây dựng là một lĩnh vực lớn của xã hội, theo tài liệu thống kê chiếm tới 70% tổng đầu tư của xã hội nên một số ý kiến đề nghị luật phải quy định rõ về thành phần phân loại và cấp công trình để quản lý nhà nước mới có hiệu quả. ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình nên để công tác quản lý nhà nước về xây dựng ngày càng được hiệu quả, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn và tiến hành các hoạt động xây dựng nhưng cần tách bạch đầu tư và quản lý nhà nước về xây dựng một cách rõ ràng và cụ thể hơn để hạn chế đến mức tối đa những bất cập như trong thời gian qua.

Không để qui hoạch “treo”, chồng lấn

Trước thực trạng quy hoạch đô thị, quy hoạch khu kinh tế, quy hoạch khu công nghiệp trong thời gian vừa qua gây thất thoát và lãng phí lớn, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị có những qui định cụ thể về quy hoạch xây dựng, để quy hoạch có sức sống lâu dài hàng chục năm và đến cả trăm năm, tránh tình trạng quy hoạch treo, chồng lấn, điều chỉnh quy hoạch, phá vỡ quy hoạch và vi phạm quy hoạch. Cùng với một số ĐBQH, ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) kiến nghị, dự thảo luật cần quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và trách nhiệm quản lý về chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư.

Theo dự thảo luật trước khi cấp giấy phép xây dựng thì phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định, có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định, ĐB Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cho rằng, “đối với nhà ở riêng lẻ của người dân thì trước khi được cấp giấy phép xây dựng thì bắt buộc phải xin phép duyệt thiết kế trước sẽ chỉ gây khó khăn, tốn kém cho người dân”. Do đó, ĐB này kiến nghị, dự thảo luật cần phải quy định cụ thể đối với công trình xây dựng nào khi cấp giấy phép xây dựng phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định. Còn đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân thì không nên bắt buộc phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định mới được cấp phép xây dựng…

H.Giang

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thông qua hai dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV), Luật Tiếp công dân.

Kể từ ngày 01/01/2015, theo Luật BV&KDTV, hệ thống cơ quan chuyên ngành BV&KDTV được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện. Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật buộc tiêu huỷ phải thực hiện việc tiêu hủy theo quy định quản lý chất thải nguy hại của pháp luật về bảo vệ môi trường và chịu mọi chi phí. Trường hợp thuốc bảo vệ thực vật vô chủ thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tiêu hủy và bố trí kinh phí.

Theo Luật Tiếp công dân (sẽ có hiệu lực từ 01/7/2014), trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân gồm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan; trực tiếp tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong một tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình; trực tiếp tiếp công dân đột xuất trong các vụ việc gay gắt, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau và những vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.