Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi): Ủng hộ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

15/11/2013
Chiều qua 14/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá “dự thảo có nhiều quy định mới, tiến bộ” song cũng còn những ý kiến băn khoăn.

Tán thành hạ độ tuổi kết hôn

Theo dự thảo luật, nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn (Luật HNGĐ quy định hiện hành là nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên). ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định) tán thành cao với quy định hạ độ tuổi kết hôn như dự luật. “Thực tế nhiều nơi người kết hôn dưới tuổi quy định dẫn đến nhiều vụ án phải đưa ra xét xử rất phiền toái. Ví dụ vợ chồng lấy nhau khi vợ chưa đủ 13 tuổi, mà theo luật hình sự thì mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều là hiếp dâm, án phạt không dưới 10 năm tù. Như vậy, người ta lấy nhau tự nguyện, gia đình đang yên ổn mà lại đem chồng ra xử tù thì không hợp lý. Thực tế nhiều nơi biết kết hôn dưới tuổi nhưng cơ quan chức năng vẫn “lờ” đi”. Theo ĐB Pha, quy định như dự thảo không khuyến khích kết hôn sớm mà phù hợp pháp luật dân sự cũng như thông lệ quốc tế.

Cũng tán thành “hạ độ tuổi” ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) thậm chí còn cho biết, ông đi tiếp xúc cử tri nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số còn đề nghị, nếu nam được hạ 2 tuổi thì nữ cũng phải hạ xuống còn 16 cho “công bằng”. “Chúng tôi giải thích với bà con, nếu làm vợ, làm mẹ ở tuổi 16, cái tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì rất khó. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình cho đồng bào vùng sâu, vùng dân tộc mới hạn chế tình trạng tảo hôn”.

ĐB Lê Minh Trọng (Tây Ninh), Vũ Xuân Trường (Nam Định), Phạm Thị Ý Nhi (Hà Nội)…và nhiều ĐB khác ủng hộ với quy định của dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định như Luật hiện hành thực hiện cũng không có vướng mắc gì lớn, nên giữ nguyên.

Ly thân, một quy định tiến bộ

Ly thân là một chế định mới trong dự thảo Luật HNGĐ, mà theo đó, trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu về ly thân thì Tòa án có trách nhiệm thụ lý và giải quyết. ĐB Trần Du Lịch đồng tình với quy định của dự thảo và nhấn mạnh: “Thực tiễn ở nhiều nước có chế định ly thân cho thấy khi có chế định này thì tỷ lệ ly hôn giảm.”

ĐB Lê Minh Trọng (Tây Ninh) cũng tán thành bổ sung chế định ly thân, nhưng chỉ với điều kiện “khi có yêu cầu của vợ chồng”. “Trước đây người ta không dám ly hôn vì nhiều lý do, bây giờ khác rồi, ly thân là biện pháp để người ta có thời gian trải nghiệm, suy nghĩ lại để quyết định về tình trạng hôn nhân của mình. Nếu không đưa vào luật sẽ khó khăn trong thực tiễn” - ĐB Trọng nói.

Nhiều ĐB chung nhận định, ly thân hiện nay đang được lựa chọn như là giải pháp phù hợp để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân gia đình. Trên thực tế, cũng đã có không ít trường hợp vợ chồng có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly thân nhưng Tòa án đã phải từ chối vì cho rằng không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Như vậy, việc bổ sung các quy định về ly thân sẽ tạo cơ sở pháp lý để Tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu chính đáng này của người dân nếu họ yêu cầu. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt của phụ nữ và trẻ em.

Cần quy định chặt để tránh lạm dụng mang thai hộ vì mục đích thương mại

Về quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đại đa số ĐB đồng tình. Tuy nhiên, theo ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Luật quy định điều kiện mang thai hộ, vì mục đích nhân đạo phải là người có quan hệ thân thích của vợ, hoặc chồng làm thu hẹp, và hạn chế chính sách nhân văn của Nhà nước. "Nếu người có nhu cầu làm cha, mẹ, nhưng nếu họ xuất thân là trẻ mồ côi thì không có họ hàng. Nếu như vậy, thì họ sẽ không thực hiện được quyền làm cha, mẹ của mình" ĐB Hùng nói và đề nghị, Luật cần đưa ra những chế tài xử phạt hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại đang diễn ra.

ĐB Phạm Thị Ý Nhi (Hà Nội) thì dự báo nhiều tình huống có thể xảy ra khi cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chẳng hạn nếu giả sử người mang thai hộ sinh con ra lỡ bị bệnh thì người nhờ mang thai hộ không nhận con thì giải quyết như thế nào? Do đó, cần có những quy định cụ thể. Đồng tình, ĐB Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh “phải có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người mang thai hộ”.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết quá trình xây dựng luật HNGĐ, nhiều ý kiến đồng tình quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Để tránh việc lợi dụng vì mục đích thương mại, Dự thảo luật cũng đã có những quy định chặt chẽ như người mang thai hộ phải ngang thứ bậc với người nhờ mang thai hộ. Quy định rõ ràng đã dùng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà không kết quả, phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con, quy định chỉ được mang thai hộ 1 lần…”Các trường hợp như mang thai hộ nhưng sinh con ra không nhận, hay người mẹ mang thai hộ có vấn đề về sức khỏe cũng đã được quy định cụ thể trong dự thảo luật”, Bộ trưởng nói

Thu Hằng