Tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Bảo đảm quyền lợi cho lao động “mùa vụ”

18/11/2013
Với đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành, cuối tuần qua, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Việc làm với nhiều chính sách mới trong hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, trong tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm, về chuyển dịch việc làm với lao động nông thôn cũng như các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)...

Tổ chức bảo hiểm xã hội tiếp tục chi trả chế độ BHTN

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm trình Quốc hội thông qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho biết: Có ý kiến đại biểu cho rằng, trung tâm dịch vụ việc làm không cần thiết phải thực hiện công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp vì sẽ hình thành thêm tổ chức bộ máy, tăng biên chế, chi phí quản lý và gây khó khăn cho người lao động khi giải quyết bảo hiểm thất nghiệp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc giao nhiệm vụ thực hiện các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp phải bảo đảm thuận lợi cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động ổn định cuộc sống trong một thời gian nhất định, sớm có lại việc làm, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng Quỹ, không làm phát sinh biên chế, bộ máy, tăng chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp. Do quá trình thảo luận còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc về cơ quan thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng giao cho Tổ chức bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chi trả chế độ BHTN cho người lao động.

Nhà nước và người sử dụng lao động cùng hỗ trợ người lao động

Có ý kiến đề nghị cân nhắc tính khả thi của việc mở rộng đối tượng lao động tham gia BHTN, đề nghị chỉ quy định lao động từ 12 tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp để có tính khả thi. Có ý kiến cho rằng, điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chưa hợp lý, thiệt thòi cho người lao động, đề nghị quy định người lao động đã tham gia BHTN đủ từ 6 tháng trở lên được hưởng BHTN.

Để bảo đảm quyền lợi tham gia BHTN của đối tượng hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng và phù hợp với tính chất không ổn định của nhóm lao động này, dự thảo Luật quy định nguyên tắc “cộng dồn” các khoảng thời gian đóng BHTN (liên tục hoặc không liên tục) để xét hưởng BHTN. Kinh nghiệm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định điều kiện xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng để tránh lạm dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định đối tượng lao động này được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động khác với đối tượng lao động giao kết hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng) được hưởng BHTN khi đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng. Để khuyến khích nhóm lao động này tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài bản thân người lao động đóng góp, Nhà nước và người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ một tỷ lệ tương ứng để họ được hưởng đầy đủ chính sách BHTN như nhóm lao động chính thức, đây chính là cơ chế để mở rộng an sinh xã hội đối với nhóm lao động này.           

Luật việc làm gồm bảy chương, 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015

Thu Hằng

Dự thảo Luật Việc làm vừa thông qua đã quy định người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp mức tiền l­ương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền l­ương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mư­ơi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách bảo hiểm xã hội ngắn hạn, có tính chia sẻ cao, do vậy việc xác định mức tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp là cần thiết, nhằm bảo đảm cân đối quỹ, phù hợp với tính chất trợ cấp thất nghiệp là bù đắp một phần thu nhập để người lao động bị thất nghiệp có được mức sống tối thiểu hoặc trung bình, các nước cũng quy định mức tối đa tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi đóng - hưởng cho người lao động và chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.