Sớm ban hành Luật Đầu tư công: Chống thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn nhà nước

19/01/2010
Hôm qua, trong ngày khai mạc phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2010, tán thành việc đưa Luật Đầu tư công vào xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới. Trước đó, Thường vụ quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Trọng tài thương mại.

“Đừng để luật này tổng hợp các luật khác”

Về sự cần thiết phải ban hành Luật Đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: thực trạng về đầu tư bằng nguồn vốn của nhà nước vào các lĩnh vực phục vụ công ích, không nhằm mục đích kinh doanh (đầu tư công) có vai trò quan trọng trong việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội…. Phần vốn này hiện được Nhà nước giao cho các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quản lý và sử dụng, chiếm trên 22% tổng mức đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2000-2005, khoảng trên 20% trong giai đoạn 2006-2010.

Quan trọng là vậy, song theo ông Tụng hiện chưa có một văn bản luật pháp nhất quán điều chỉnh quá trình đầu tư gây khó khăn, vướng mắc trong áp dụng và thi hành. Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung Dự án Luật Đầu tư công vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2010.

Cùng với Luật Đầu tư công, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (hiện Nghị quyết 66 đã bộc lộ nhiều bất cập, làm chậm cơ hội đầu tư vì thủ tục trình dự án ra Quốc hội mất nhiều thời gian).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đồng tình: việc bổ sung dự án vào Chương trình sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng tán thành nhưng băn khoăn: Theo tờ trình phạm vi điều chỉnh của Luật hẹp quá, còn thiếu một lĩnh vực quan trọng khác đó là đầu tư của nhà nước vào khối doanh nghiệp nhà nước (nguồn vốn này mới là lớn). Ông Hiển đề xuất có thể ghép hai luật: Luật Quản lý vốn ở các DNNN và Luật Đầu tư công vào một Dự án. Những vấn đề khác Luật khác đã điều chỉnh thì không nên đưa nữa, ông Hiển nhấn mạnh “Đừng để luật này trở thành tổng hợp của các luật khác”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thừa nhận: Đúng là vấn đề này đang nằm rải rác ở một số luật và còn những khoảng trống hoặc chồng lên nhau, nhiều điểm chưa cụ thể. Phó Chủ tịch lưu ý: Chính phủ xem xét, cân nhắc xem có nên gộp chung với Luật Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào KD hay không, nếu gộp được thì tốt.

Mở quá sẽ không khả thi

Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật Trọng tài thương mại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số các ý kiến phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 đều nhất trí với phương án 1 của Dự thảo cho rằng, luật chỉ giới hạn điều chỉnh trong phạm vi các hoạt động thương mại và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác.

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Trần Thế Vượng ủng hộ phương án nói trên, và cho rằng với số vụ việc mà các trung tâm trọng tài đã giải quyết trong thời gian qua (280 vụ) chứng tỏ ủy tín của trọng tài chưa cao, người dân chưa tín nhiệm “Cứ mở từ từ, khi nào uy tín của trọng tài lên ta tính tiếp”.Ông Vượng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số thường vụ khác cũng đồng tình với phương án chưa mở quá rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận lại có quan điểm “thoáng” hơn: những tranh chấp dân sự sao không để dân chọn trọng tài mà cứ ép họ phải ra Tòa án. Trách nhiệm của nhà nước là cung cấp dịch vụ cho dân.

Chia sẻ ý kiến của ông Thuận, nhưng Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cũng băn khoăn: muốn mở rộng thẩm quyền của trọng tài thương mại nhưng trong bối cảnh hiện tại rất khó khả thi. Chuyện này còn liên quan đến năng lực của trọng tài (hiện đang còn nhiều hạn chế). Do đó, phương án 1 là phù hợp

Thu Hằng