Xây dựng Luật Thủ đô: Hà Nội cần “chiếc áo” pháp lý rộng hơn

18/01/2010
Với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội đảm bảo xứng tầm với thủ đô của các nước trên thế giới, cách đây 9 năm, Pháp lệnh Thủ đô đã được ban hành. Tuy nhiên, với tốc độ và triển vọng phát triển của Thủ đô như hiện nay, Pháp lệnh ngày càng trở nên “chật chội”, đòi hỏi một cơ sở pháp lý cao hơn để Hà Nội có thể phát triển xứng tầm một Thủ đô “Ngàn năm văn hiến” trong thời kỳ hội nhập.

Đổi thay và vướng…

Tại Hội nghị Sơ kết 9 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô và góp ý dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) diễn ra ngày 16/01, đại diện các Bộ, ban, ngành của TƯ và Hà Nội đều thống nhất đánh giá, Pháp lệnh đã xác định rõ vị thế, chức năng của TĐ, là cơ sở để xây dựng một TĐ đa chức năng và góp phần đưa TĐ phát triển với tầm vóc như hiện nay. Qua 9 năm thi hành Pháp lệnh, các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quản lý, xây dựng và phát triển đô thị, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế của TĐ đã không ngừng được củng cố, phát triển theo hướng ổn định, bền vững và đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến nay, Hà Nội vẫn phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh vốn có của TĐ. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hiệu lực pháp lý của Pháp lệnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của TĐ, chưa qui định cụ thể về một số vấn đề, thiếu sự thống nhất giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Pháp lệnh, quy hoạch phát triển chung của TĐ thiếu cơ sở pháp lý cần thiết, thiếu cơ chế chính sách đặc thù và chế tài đủ mạnh để quản lý môi trường văn hoá,…

Đưa cuộc sống vào luật

Với phương châm “đưa cuộc sống vào luật”, các thành viên Ban Soạn thảo đều cho rằng, Hà Nội rất cần 1 văn bản quy phạm (VBPL) cao hơn, có thể giải quyết những “điểm mắc” mà Pháp lệnh TĐ không đủ sức giải quyết. Văn bản này cho phép Hà Nội được có một số quy định “đặc thù”, được quyết định những vấn đề mà pháp luật chưa qui định hoặc có quy định khác thông qua việc “tự ban hành văn bản” theo nhu cầu quản lý.

Các cơ chế đặc thù cho TĐ được luật hoá trong dự thảo 3 LTĐ. Theo đó, Dự thảo qui định phân cấp quản lý kinh tế và mở rộng thẩm quyền cho chính quyền TP về kinh tế, yêu cầu cao hơn so với các VBPL hiện hành đối với vấn đề văn hoá - xã hội của TĐ, cho phép chính quyền TP qui định các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn TP, lập qui họach đô thị, qui định về tổ chức bộ máy chính quyền thành phố đáp ứng yêu cầu tinh gọn, năng động, hiệu quả, phù hợp đặc thù, chủ động, phát huy hết tiềm năng thúc đẩy được kinh tế - xã hội của TĐ phát triển.

Dự thảo cũng qui định thêm những điều kiện “chặt” hơn cho việc nhập khẩu (đã tạm trú liên tục tại TĐ từ 5 năm trở lên, người lần đầu đăng ký thường trú tại TĐ phải có mức lương ít nhất bằng 2 lần tối thiểu do luật định…), làm việc (người không thường trú hoặc tạm trú muốn làm việc ở Hà Nội phải có giấy phép lao động do Sở LĐTB&XH thành phố cấp…) vì “nếu cứ tự do cư trú như hiện nay thì Hà Nội phải mở rộng nữa” như nhận định của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị.../.

Huy Anh

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Không có cơ chế đặc thù, Hà Nội cũng như nông thôn”

Nước ta có nhiều TP lớn, nhưng Hà Nội là đầu não, là Thủ đô, là trái tim của cả nước. Có thể nhiều TP khác cũng đòi cơ chế đặc thù, nhưng không thể vượt qua được đòi hỏi chính đáng của Hà Nội, vì những đặc thù trên là duy nhất. Cần phải giải thích với mọi người rằng, xây dựng Luật Thủ đô là vì cái chung, để hướng đến một Thủ đô văn minh, lịch sự chứ không phải vì lợi ích "cục bộ" của những người đang sống trong Thủ đô”.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng bộc bạch: “Nhiều người nhận xét Hà Nội chưa văn minh, chưa hiện đại, trông nhếch nhác như nông thôn. Tôi nói Hà Nội không có cơ chế đặc thù thì giống như nông thôn là đúng rồi. Vượt đèn đỏ ở Hà Nội cũng chỉ bị phạt như vượt đèn đỏ ở Tây Bắc. Nhập cư vào Hà Nội cũng đơn giản như đăng ký thường trú ở Tây Nguyên thì người ta đem cả lối sống, cách sinh hoạt ở khắp nơi về Hà Nội. Hà Nội đang nỗ lực xóa quảng cáo, rao vặt. Nhưng nếu không có chế tài thì xóa hôm nay, mai người ta lại dán, lại bôi bẩn. Vậy có cho Hà Nội phạt gấp 100 lần mức quy định chung, tịch thu phương tiện vi phạm để người sau thấy sợ không dám vi phạm nữa không?”./.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Thông thoáng hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn”

 “Pháp lệnh có nhiều hạn chế, vướng mắc, mà các cơ chế, chính sách cho TĐ không thể vượt qua các VBPL hiện hành khiến quá trình triển khai có nhiều vấn đề không thể thực hiện được như mong muốn. Với các qui định cơ chế đặc thù cho Hà Nội để phát huy tiềm năng, thế mạnh của TĐ mà các địa phương khác không có, LTĐ sẽ tạo động lực, sự bứt phá cho TĐ. Chúng ta không hy vọng LTĐ sẽ thay thế các VBPL khác về Hà Nội mà chỉ bàn về cơ chế đặc thù, thông qua các qui định ưu tiên, thông thoáng hơn nhưng lại phải chặt chẽ, yêu cầu cao hơn cho Hà Nội”.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo Luật Thủ đô: “Đặc thù cho Hà Nội trên cơ sở Hiến pháp”

Mục đích chính của LTĐ là để tạo cơ chế chính sách đặc thù, riêng cho Hà Nội với nguyên tắc “bất di bất dịch” là không trái Hiến pháp. Xây dựng Luật Thủ đô không phải là chuyện “xin - cho” mà cái chính là tạo cho Hà Nội một cơ chế để có thể phát triển tương xứng với trị trí, tiềm năng của Thủ đô”.

 

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: “Đặc thù mạnh hơn nhưng không cường điệu hóa”

“Xây dựng LTĐ căn cứ Hiến pháp và pháp luật, dựa trên thực tế để đưa ra cơ chế đặc thù nên sẽ không tạo ra độ “vênh” với luật khác. Ban soạn thảo xác định hàm lượng cơ chế đặc thù trong dự luật sẽ mạnh hơn nhưng phải hợp lý, hợp pháp, tránh “cường điệu hóa”. Khi có nhiều cơ chế đặc thù trên từng lĩnh vực sẽ gắn với quyền hạn và trách nhiệm của TP nên không có chuyện tuỳ tiện ban hành các qui định”.