Theo dõi chung về thi hành pháp luật: Sớm gỡ thế lúng túng

13/01/2010
Theo dõi chung về thi hành pháp luật: Sớm gỡ thế lúng túng
Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), việc triển khai theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật (THPL) sẽ là một nhiệm vụ hàng đầu của ngành Tư pháp trong năm 2010. Theo lãnh đạo Sở Tư pháp một số địa phương, đây là lĩnh vực công tác mới và khó, trong khi hướng dẫn cụ thể lại chưa có khiến địa phương rất lúng túng.

Cố gắng ra hướng dẫn trong tháng 01/2010

Trình bày báo cáo chuyên đề “Công tác triển khai nhiệm vụ theo dõi chung về tình hình THPL”, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (CVĐC) Lê Thành Long cho biết, theo dõi chung là nhiệm vụ mới, phức tạp và chưa có kinh nghiệm nên trong thời gian đầu, việc xác định rõ định hướng, nội dung công việc đã vấp phải những khó khăn nhất định. “Đây là lý do việc triển khai nhiệm vụ có chậm hơn so với mong muốn và tiến độ đặt ra”, ông Long thừa nhận.

Liên quan đến nhiệm vụ này của ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2009/NĐ-CP bổ sung chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện việc theo dõi thi hành VBQPPL trên địa bàn của Sở Tư pháp và Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị số 636/CT-TTg giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn định mức chi cho hoạt động theo dõi chung về THPL. Đồng thời, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ Tư pháp đã ra quyết định thành lập Vụ CVĐC, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL” và đang dự thảo thông tư hướng dẫn các Bộ ngành, địa phương triển khai công tác này.

Cũng theo ông Long, mặc dù đã có 57/63 địa phương và 19 Bộ ngành góp ý nhưng chắc phải trong tháng 01/2010 mới có thể trình Bộ trưởng ban hành Thông tư hướng dẫn nói trên được.

Không đặt mình vào thế bị động

Trước khi ban hành Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP và Nghị định số 16/2009/NĐ-CP, Bộ Tư pháp và các Bộ ngành, địa phương chưa có sự chuẩn bị về các điều kiện và nguồn lực cần thiết cho việc triển khai nhiệm vụ này. Không những vậy, các VBQPPL hiện hành gần như chưa đề cập đến công tác theo dõi THPL, số ít văn bản có đề cập tới thì nội dung rất chung chung và chưa thống nhất. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, trình độ năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra. Bởi vậy, trước hết, công tác theo dõi THPL mới chỉ thí điểm ở một số lĩnh vực pháp luật tại một số Bộ ngành, địa phương.

Tuy nhiên, không vì thế mà các địa phương thụ động chờ hướng dẫn của Bộ. Tại Hà Tĩnh, năm vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh vẫn xây dựng chương trình kiểm tra, theo dõi các VBQPPL, đặc biệt là các văn ban do tỉnh ban hành mà Sở trực tiếp thẩm định. Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh Phan Duy Phong còn khẳng định, qua những thông tin nắm được, qua phát hiện của báo chí về một số văn bản sai như văn bản thu lệ phí, trên cơ sở Công văn của Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp, Sở cũng đã có Công văn yêu cầu hủy bỏ những văn bản ấy. Còn theo Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Thái Bình Nguyễn Ngọc Dậu, trong năm 2009, Thái Bình không theo dõi chung tất cả các VBQPPL đã ban hành mà tập trung kiểm tra theo dõi những VBQPPL do tỉnh ban hành trong những lĩnh vực quan trọng, gần gũi, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, đời sống và thu hút đầu tư. Từ đó, ông Dậu nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ này của ngành Tư pháp thì cần kiểm soát tốt khâu ban hành, rồi rà soát xem có phải sửa đổi, bổ sung hay không và kiến nghị nên hàng năm có chỉ tiêu đánh giá tình hình thực thi pháp luật của các Sở ngành.

Cẩm Vân, ảnh Phạm Đức Dụ

Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội Phan Hồng Sơn: "Quan trọng là nội dung và phương thức thực hiện"

Cùng với các Bộ, ngành và các địa phương khác, Tư pháp Hà Nội đã tham gia vào quá trình xây dựng Đề án cũng như quá trình nghiên cứu và xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp nên Hà Nội cũng coi đây là công việc chính thức của mình trong thời gian tới. Trong tổ chức thực hiện, Hà Nội đang bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, trong đó đưa nhiệm vụ theo dõi thành công việc chính quyền giao cho Sở Tư pháp. Bổ sung chức năng thì đơn giản, quan trọng là bổ sung được nội dung thực hiện, phương thức tiến hành mà phương thức triển khai đang chờ hướng dẫn của Thông tư sẽ ban hành trong thời gian tới.

Đối với Sở Tư pháp Hà Nội hiện đã có 10 phòng nghiệp vụ, trong đó có 2 phòng về công tác văn bản gồm Phòng Xây dựng thẩm định liên quan đến ban hành VBQPPL và Phòng Kiểm tra rà soát hệ thống hóa và xử lý VBQPPL. Bên cạnh kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thì Phòng Kiểm tra đặc biệt chú ý tới tính khả thi, xem xét các quy định có đi vào cuộc sống hay không. Như vậy, bản thân Phòng đã chứa đựng nhiệm vụ này nhưng bây giờ là việc chính thức. Với Hà Nội, thực hiện thí điểm Đề án có lẽ giao cho Phòng Kiểm tra là phù hợp và cũng không tăng quá số lượng Phòng theo Thông tư Liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV.

 

Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An Nguyễn Hữu Thuận: “Chưa rõ ràng công việc cần làm”

Là một trong những địa phương được chọn thực hiện thí điểm Đề án, chúng tôi rất phấn khởi và nhận thấy đó là sự tín nhiệm của Bộ đối với tỉnh Nghệ An. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ vừa giúp cho ngành vừa giúp cho bộ máy chính quyền địa phương. Tuy nhiên, dù đã có Đề án, chúng tôi cho rằng vẫn chưa rõ ràng công việc cần làm của địa phương và phạm vi trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý nhà nước cũng chưa cụ thể.

Thực hiện hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan, Sở Tư pháp tỉnh đã tách Phòng Văn bản thành 2 phòng là Phòng Xây dựng, thẩm định VBQPPL và Phòng Kiểm tra, theo dõi VBQPPL. Vì vậy, trong thời gian tới, Đề án được thí điểm tại Nghệ An thì chúng tôi có khả năng hoàn thành tốt.