Xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Xây dựng luật cho tương lai?

19/01/2010
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2010 tới, nhưng vẫn còn khá nhiều điểm chưa thông cả về vấn đề nội dung lẫn kỹ thuật. Những ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo góp ý cho dự án luật mới đây đã phần nào cho thấy được điều này.

           Ở phần giải thích từ ngữ, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng chỉ ra khái niệm “người tiêu dùng” là các cá nhân mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà không nhằm mục đích bán lại. Sở dĩ có quy định này vì theo Ban soạn thảo cá nhân mới là đối tượng yếu thế so với thương nhân (!). Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các tổ chức với thương nhân đã được quy định bởi các quy định của pháp luật dân sự, thương mại.... Tuy nhiên, quy định có vẻ như hơi phiến diện này đã ngay lập tức đối mặt các luồng ý kiến phản ứng.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Tý - Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế - ĐH Luật Hà Nội, khái niệm người tiêu dùng không thể được hiểu với nghĩa đơn thuần chỉ là cá nhân, bởi trong xã hội tiêu dùng tổ chức cũng là một đối tượng quan trọng. “Giả sử trường chúng tôi mua sữa cho sinh viên uống, mua phải sữa dởm thì chúng tôi không có quyền khởi kiện sao, chỉ vì chúng tôi là tổ chức?” - ông Tý phản bác. Đồng ý với ý kiến của PGS. TS Nguyễn Văn Tý, nhiều đại biểu cho rằng nên quy định người tiêu dùng là cả cá nhân và tổ chức. Bởi vì, sự yếu thế mà Ban soạn thảo đề cập tới không chỉ thể hiện ở năng lực tài chính hay vị thế xã hội mà còn thể hiện ở sự mất cân xứng về thông tin cũng như độ chuyên nghiệp đối với hàng hóa, dịch vụ. Trên thực tế, các tổ chức khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cũng bị xâm hại không khác gì đối tượng người tiêu dùng cá nhân.

Cũng liên quan tới chuyện người tiêu dùng là cá nhân hay tổ chức này, còn nhớ vụ kiện liên quan tới nước tương có chất 3-MCPD do một cử nhân luật gửi đơn đến tòa án khởi kiện các doanh nghiệp nước tương có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn quy định và yêu cầu các đơn vị này bồi thường 30 tỷ đồng tại TPHCM nhưng đã không được chính thức thụ lý bởi các lý do, nguyên đơn "thay mặt cho hàng triệu người tiêu dùng" để gửi đơn kiện nhưng theo quy định của pháp luật là thay mặt cho ai phải có giấy ủy quyền hợp lệ. Theo ông Bùi Hoàng Danh Chánh án TAND TPHCM trường hợp nếu một cơ quan, tổ chức, chẳng hạn Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, đứng ra thay mặt người tiêu dùng để khởi kiện thì vẫn phải có giấy ủy quyền của những người ủy quyền cho họ theo quy định của pháp luật.

Thủ tục xét xử rút gọn - kém khả thi?

Một quy định, có thể nói là khá gây “sốc” với những ai quan tâm là hình thức giải quyết tranh chấp tại tòa án trong dự thảo Luật. Đó là, người tiêu dùng có quyền khởi kiện theo thủ tục xét xử rút gọn khi có đủ các điều kiện như: chỉ có một nguyên đơn là người tiêu dùng khởi kiện; giá trị giao dịch đến 100 triệu đồng; bị đơn trực tiếp cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng.... Tại sao lại nói là những quy định này gây “sốc”?

Bởi, thứ nhất thủ tục xét xử rút gọn là chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và cũng chưa được quy định trong bất kỳ bộ luật tố tụng nào. Thứ hai, xét về mặt kỹ thuật lập pháp, quy định này có vẻ như chứa đựng nhiều vấn đề chưa ổn và không khả thi. Tiếp đến, trao đổi với PV Báo PLVN, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban soạn thảo giải thích, khái niệm “một nguyên đơn” được hiểu theo ý nghĩa cá nhân một người tiêu dùng chứ không phải đại diện cho tập thể hay tổ chức, “bị đơn trực tiếp cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng” chính là đối tượng bán lẻ, trực tiếp nhận tiền từ người tiêu dùng để cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Tựu trung lại, theo ông Mừng thủ tục xét xử rút gọn chỉ áp dụng với các vụ kiện tụng có tính chất đơn lẻ và nhỏ gọn giữa hai đối tượng trực tiếp.

Như vậy, nếu xét về mặt đưa pháp luật vào cuộc sống thì rõ ràng quy định này đã không thể hiện nhiều tính khả thi, bởi nó không phù hợp với tâm lý người tiêu dùng đơn lẻ Việt Nam vốn có suy nghĩ “vô phúc đáo tụng đình”. Họ sẽ không dại gì mà khởi kiện khi biết rằng sau lưng họ không có lực lượng hậu thuẫn, không đại diện cho quyền lợi của cả một số đông. Mặt khác, khi cho rằng bị đơn của vụ kiện theo thủ tục rút gọn chính là nhà bán lẻ sẽ tạo ra mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm sản phẩm trong chính dự thảo luật. Vì, chỉ khi nào không xác định được những đối tượng phải chịu trách nhiệm khác thương nhân sản xuất ra sản phẩm, thương nhân nhập khẩu sản phẩm, thương nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm... thì thương nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm mới phải chịu trách nhiệm. Như vậy, khi đó vụ việc sẽ xoay theo một chiều hướng khác nhằm xác định “bị đơn” và lúc này sẽ không thể giải quyết theo thủ tục rút gọn được nữa.

Xuân Hoa

Bên cạnh mô hình thủ tục rút gọn chưa hề được quy định trong bất kỳ bộ luật tố tụng nào như đã nói trên, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng còn có một quy định cũng hoàn toàn mới so với tư duy và hệ thống pháp luật hiện hành xét về mặt lập pháp. Đó là, “trong vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải đưa ra chứng cứ để chứng minh lỗi của thương nhân; và nghĩa vụ chứng minh không có lỗi thuộc về thương nhân”. Tại vụ kiện chất 3-MPCD ở TPHCM, một trong những lý do khiến đơn kiện không được thụ lý là người khởi kiện không đưa ra được chứng cứ cụ thể mình bị thiệt hại do lô sản phẩm nào, của hãng sản xuất nào để tòa xem xét. Mà theo quy định của pháp luật hiện hành thì người đi kiện phải có nghĩa vụ thu thập, chứng minh, chứ tòa không làm điều đó. Trường hợp người khởi kiện không đủ điều kiện chứng minh phải yêu cầu tòa thu thập chứng cứ thì lúc đó tòa mới quyết định xem xét thực hiện việc thu thập chứng cứ. Như vậy, rõ ràng dự thảo luật đang được xây dựng cho tương lai, trong khi quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại hàng ngày và nhu cầu được bảo vệ đang trở nên rất bức thiết.