Quy định “chung sống như vợ chồng” cần được hướng dẫn thống nhất khi áp dụng

21/04/2016
Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ 1/7/2016 sắp tới có quy định về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” tại Điều 182 như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Trước hết,  Điều 36 Hiến pháp năm 2013 có qui định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”. Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định cấm hành vi sau: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”
Thật ra, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng không phải là qui định mới được Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 điều chỉnh, mà trước đó, tại Điều 144 BLHS năm 1985, có quy định:
“1- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2- Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Đến BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thay thế BLHS năm 1985 và vẫn đang còn hiệu lực, có qui định “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”, mà theo đó, tại Điều 147 của Bộ luật này có quy định, như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Nghiên cứu quy định tại Điều 144 BLHS năm 1985, Điều 147 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), cho thấy, nhà làm luật quy định rất rõ, đó là, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Tuy nhiên, qua thực tiễn xử lý với loại hành vi vi phạm này, cho thấy đây là loại tội phạm này là rất ít khi xảy ra. Có thể nói, từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực thi hành cho đến nay, ngành Tòa án quân sự chưa từng thụ lý, xét xử vụ án nào về tội danh này. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội đủ yếu tố cấu thành tội phạm này, khi phải xử lý bằng pháp luật hình sự, ngay cả bản thân người vi phạm và một bộ phận người dân không biết đấy là tội phạm và đã được nhà làm luật quy định trong BLHS!
Về cơ bản, tuy có sự khác biệt nhưng không nhiều, nếu so sánh nội dung quy phạm tại Điều 182 BLHS năm 2015 với Điều 147 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thay vì phải cần văn bản hướng dẫn cách hiểu thống nhất một số thuật ngữ, như thế nào là chung sống như vợ chồng; dấu hiệu nhận biết của tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, như quy định tại Điều 147 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thì nhà làm luật đã quy định ngay trong nội dung lời văn của điều luật theo hướng cụ thể hơn, định lượng rõ hơn dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” , trên cơ sở kế thừa qui định tại Tiểu mục 3.1, Mục 3[1], Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật Hình sự năm 1999 (viết tắt Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC).
Về mặt khách quan, để thoả mãn cấu thành tội phạm cơ bản của “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo quy định tại Điều 147 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Điều 182 BLHS năm 2015, phải thỏa mãn hai điều kiện cần và đủ sau:
+ Điều kiện cần, đó là hành vi chung sống như vợ chồng: Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, thì: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…
+ Điều kiện đủ, phải có hậu quả xảy ra hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Để thỏa mãn điều kiện này, phải thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
Một là, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng phải gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v…

Hai là, người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Đã bị xử phạt hành chính theo Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP). Mà theo đó, tại khoản 1 Điều 48 Nghị định này, có quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Từ những quy định của pháp luật hiện hành đến thực tiễn xử lý vẫn còn vướng một số bất cập sau:
Thứ nhất, đây là loại tội phạm xảy ra trong quan hệ nội bộ gia đình có liên quan đến mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái, bố mẹ… Thực tế cho thấy, ngay như việc để xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP đã là khó. Bởi, người chồng hoặc người vợ hoặc cả người chồng và người vợ có quan hệ tình cảm với người khác mà không chung sống với nhau như vợ chồng với người đó, không có con chung, không tổ chức lễ cưới… thì không thể xem xét đây là hành vi vi phạm pháp luật, nên không thể xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này, mặc dù, đích thực đó là hành vi “ngoại tình”, là nguy cơ dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Thực tế này đang tồn tại khá nhiều trong đời sống xã hội hiện nay, những người “trong cuộc” rất sợ tai tiếng khi chuyện “ngoại tình” bị vợ hoặc chồng hay người thân bên vợ, bên chồng phanh phui, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cá nhân cũng như công việc của họ tại nơi làm việc.
Thứ hai, để chứng minh vì lý do một bên chung sống như vợ như chồng với người khác dẫn tới ly hôn, tự sát... phải chứng minh có mối quan hệ nhân - quả: ly hôn vì lý do một bên chung sống như vợ như chồng với người khác hay là lý do trong suốt quá trình chung sống vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung giữa hai người không thể kéo dài, tình cảm không còn, mục đích hôn nhân không đạt được; tự sát phải có chứng cứ như: thư tuyệt mệnh vì lý do một bên sống như vợ như chồng với người khác dẫn đến phải tự sát; chứng cứ chứng minh con cái tự sát là do bố, mẹ gây ra, thời điểm viết thư tuyệt mệnh;… Ly hôn có thể xuất phát từ vô vàn lý do, trong đó hành vi “ngoại tình” có thể là một lý do nhưng không phải là lý do chính dẫn đến ly hôn thì có truy cứu trách nhiệm hình sự không? Việc cơ quan điều tra phải chứng minh việc chung sống như vợ chồng với người khác là nguyên nhân dẫn đến vợ chồng ly hôn là điều thật không phải dễ. Một tháng đôi ba lần họ “đến” với nhau, hoặc nhân chuyến đi công tác dài ngày họ kết hợp tour du lịch ở xứ người, rồi thỉnh thoảng là chiếc tivi màn hình siêu phẳng, chiếc Iphone 6s Plus 16GB, món đồ trang sức đắt tiền nhân ngày sinh nhật,… họ tặng cho nhau, thì không thể coi đó là “chứng cứ” xử phạt hành vi vi phạm. Đó là chưa kể đến việc xác định thế nào là “ngoại tình” dẫn đến phải ly hôn. Bởi quy định này chỉ mang tính “định tính” còn thực tế khi áp dụng phải chứng minh đủ độ “định lượng” để có căn cứ, mà trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đủ “niềm tin nội tâm” áp dụng tội danh vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nếu không rõ ràng thì rất có thể việc áp dụng sẽ theo cảm tính, “xử sao cũng được” thì vô hình chung lại rất nguy hiểm. Hay trong trường hợp một trong hai vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng đều ngoại tình và đây là nguyên nhân dẫn đến việc họ ly hôn nhưng khi ra tòa yêu cầu ly hôn họ đưa ra những lý do khác để không bị đi tù thì liệu quy định tại Điều 182 BLHS năm 2015 có phát huy được tác dụng như nhà làm luật đã kỳ vọng? Thực tiễn cho thấy, Tòa án chỉ cho ly hôn theo yêu cầu của một bên một khi cuộc sống chung không thể được duy trì, cứu vãn. “Ngoại tình” chỉ là cái cớ để ly hôn nếu nó thực sự là nhân tố chính dẫn đến tình trạng không thể được duy trì, cứu vãn ấy được. Cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xem xét hành vi “ngoại tình” phụ thuộc vào yếu tố “chung sống như vợ chồng”, nhưng nếu không viện dẫn được chứng cứ chứng minh này, thì rõ ràng quy định trên rất khó đi vào thực tế.

Thứ ba, việc tố cáo nhằm xử lý về hình sự trong quan hệ vợ chồng khi vi phạm chế độ một vợ, một chồng là cũng rất khó. Bởi lẽ các bên còn ràng buộc mối quan hệ con cái và gia đình. Về nguyên tắc nếu không còn tình cảm thì có thể đồng thuận xin ly hôn hoặc một bên xin ly hôn tại Tòa án, điều này sẽ có lợi hơn vì giữ được thể diện gia đình, cho tương lai con cái của họ sau này. Việc một bên tố cáo xử lý hình sự về hành vi này, thực tế xét xử tuy có nhưng hầu như chỉ xảy ra với trường hợp người chồng “quất ngựa truy phong”, lãng quên mọi trách nhiệm mà trước đó họ đã từng hứa hẹn với người phụ nữ. Còn ngược lại, tất cả  rơi vào im lặng, vì pháp luật hiện hành cho phép người phụ nữ không nhất thiết phải có chồng nhưng được quyền có con, được thực hiện thiên chức làm mẹ! Và hơn cả là tâm lí “e ngại”, người vợ không bao giờ để người chồng đi tù, bởi ai sẽ cùng gánh trách nhiệm nuôi con với họ? Thực tế giữa hai người vẫn chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân. Hơn nữa, để tố cáo phải có chứng cứ; để có chứng cứ phải theo dõi, việc theo dõi phải thật khéo léo nếu không thận trọng sẽ bị coi xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Bên cạnh đó, rất khó có thể thu thập chứng cứ chứng minh “chung sống như vợ như chồng” trên thực tế theo qui định của pháp luật. Mặt khác, theo quy định người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình “biết rõ” là đang có chồng, có vợ . Cụm từ “biết rõ” ở đây phải được hiểu là có căn cứ để chứng minh sự “biết rõ” đó, như có nhìn thấy Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; bạn bè thân thiết của vợ hoặc chồng, thậm chí thường xuyên qua lại thăm viếng nhau; được bạn bè hoặc con cái, họ hàng của người vợ hay người chồng can ngăn;... và quan trọng nhất phải nhận biết rõ tình trạng hôn nhân của người đó.  
Tuy là khó xử lý hình sự tội phạm này trên thực tế, nhưng quan điểm của nhà làm luật vẫn phải qui định trong BLHS để nhằm mục đích răn đe, phòng chống các vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng là những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Thực chất, khoản 1 Điều 182 BLHS năm 2015 giữ nguyên quy định cũ về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng “ngoại tình” làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn tại Điều 147 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và văn bản hướng dẫn, với mức hình phạt là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ  ba tháng đến một năm. Việc luật hóa hậu quả vào BLHS năm 2015 mang tính chất răn đe, trừng trị cao hơn, góp phần ngăn ngừa tình trạng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng dẫn đến tỉ lệ ly hôn ngày càng cao như hiện nay.
Về hình phạt, quy định như vậy đã hợp lý. Điều cần làm là sự chủ động của các cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện các trường hợp vi phạm để tiến hành xử lý phù hợp. Hiện nay, hầu như chúng ta chưa thấy việc người vợ hay người chồng vì “ngoại tình” mà bị xử lý hình sự; có chăng thì họ chỉ bị xử lý vi phạm hành chính và dư luận xã hội lên án về mặt đạo đức. Do đó, dường như rất nhiều người không hề lo lắng việc “ngoại tình” sẽ dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên quy định tại Điều 147 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) mới không có sức răn đe.
Bên cạnh đó, cần phải nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên vì mức phạt thấp như hiện nay không mang lại hiệu quả cao. Người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì phải xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Đó là biện pháp pháp lý làm giảm thiểu tình trạng không tuân thủ chế độ hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng; tránh để lại những hậu quả, hệ lụy không tốt đối với người vợ hoặc người chồng, con cái, gia đình của người vi phạm.
Hiện nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ xem “ngoại tình” là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự. Philippines, Ấn Độ và lãnh thổ Đài Loan vẫn hình sự hóa tội ngoại tình. Ở Mỹ, trong khi nhiều bang coi ngoại tình là vấn đề đạo đức thì có đến 21 bang, như: Idaho, Massachusetts, Michigan, Oklahoma và Wisconsin… coi ngoại tình là tội phạm, có thể bị phạt tiền từ 10 USD (bang Maryland) đến tù chung thân (bang Michigan). Ở các quốc gia như Ả Rập Saudi, Pakistan, Somalia, những ai phạm tội “zina” (tức “gian dâm ngoài hôn nhân”) sẽ bị phạt tiền, bỏ tù, phạt roi hoặc tử hình trong những trường hợp đặc biệt. Trong khi đó, theo tạp chí The Week (Anh), pháp luật của  tất cả các nước thuộc châu Âu và nhiều khu vực ở Mỹ Latin không xem hành vi “ngoài vợ ngoài chồng” là tội phạm dù hành vi này vẫn để lại nhiều hậu quả pháp lý, đặc biệt là trong thủ tục ly hôn. Tại Hàn Quốc, theo một đạo luật có từ năm 1953, hình phạt áp dụng là phạt tù 2 năm đối với những ai lừa dối bạn đời. Tuy nhiên, từ tháng 2/2015, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra quyết định hủy bỏ đạo luật nói trên và không còn xem “ngoại tình” là tội phạm được quy định trong pháp luật hình sự.
Tóm lại, để Điều luật quy định tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng phát huy được hiệu quả, theo quan điểm của tác giả, điều quan trọng hơn cả là cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn rõ hơn, chi tiết hơn vấn đề mà trong phạm vi bài viết này đã đề cập đến, trong đó có nội dung thế nào là sống chung như vợ chồng? Giải quyết triệt để được vấn đề này, chắc chắn rằng Điều 182 BLHS năm 2015 sẽ là công cụ hữu hiệu bảo vệ mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, bảo vệ được hạnh phúc của các gia đình bằng pháp luật.
ThS. Lê Văn Sua - Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang
 
[1] 3. Về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS).
3.1 Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơquan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
3.2. Chỉ có thể truycứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát,v.v...
b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
3.3. Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việcchung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độmột vợ, một chồng theo khoản 2 Điều 147 Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứutrách nhiệm hình sự thêm về tội không chấp hành án theo Điều 304 Bộ luật Hình sự.