Thuyết phân quyền trong nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Bộ máy nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp 1946

11/04/2016

Trong hệ thống tư tưởng của nhân loại về Nhà nước, Thuyết phân quyền được coi là một học thuyết dân chủ, tiến bộ bởi sự phân chia quyền lực được nêu ra trong học thuyết này chính là phương thức hữu hiệu để hạn chế quyền lực nhà nước, chống lại nguy cơ tha hoá quyền lực và bảo vệ nhân quyền. Do đó, phân quyền đã trở thành nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam có sự tiếp thu, vận dụng tư tưởng này và thực tế đã cho thấy những hệ quả tích cực.

1. Một số vấn đề lý luận chung

1.1.  Nguồn gốc sự ra đời và phát triển của thuyết phân quyền

Ngược dòng thời gian, ta thấy tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước có mầm mống xa xưa trong lịch sử. Chúng ta có thể tìm thấy những nét sơ khai đầu tiên của nó trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Hy Lạp, La Mã cổ đại, trong các quan điểm chính trị của Aristote, Polybe…
Aristote (384-322 tr.CN) đã chia hoạt động của Nhà nước thành ba thành tố: nghị luận, chấp hành và xét xử. Các thành tố này, lúc đầu, được mô tả một cách giản đơn về mặt cấu trúc, chức năng và thẩm quyền, những khía cạnh có tính đơn biệt của việc tổ chức quyền lực nhà nước, chứ chưa chỉ rõ phương thức vận hành cũng như mối quan hệ bên trong giữa các thành tố đó. Cũng theo Aristote không có loại hình Chính phủ nào là duy nhất có thể phù hợp với tất cả mọi thời đại, mọi quốc gia. Tuy nhiên, tư tưởng này gần như bị lãng quên hoặc không thể được nhắc đến trong thời kỳ hưng thịnh của chế độ phong kiến, khi mà chính thể quân chủ chuyên chế xuất hiện hầu hết ở các nước. Chỉ đến khi quan hệ sản xuất phong kiến tan rã, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện và trở thành chỗ dựa vững chắc về mặt tư tưởng cho các phong trào đấu tranh lật đổ chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ phong kiến thì tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước hay là tư tưởng phân quyền mới thực sự ra đời. Nhiều học giả đã nhận định rằng thuyết phân quyền ra đời nhằm chống lại chế độ quân chủ  chuyên chế.
Tuy có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử, tuy nhiên, tư tưởng về phân quyền chỉ trở thành một lý thuyết toàn diện và độc lập trong thời kỳ Khai sáng. Người khai sinh ra lý thuyết này là triết gia người Anh, John Locke (1632-1704). John Locke cho rằng: quyền lực của nhà nước là quyền lực của nhân dân. Nhân dân nhường một phần quyền lực của mình cho nhà nước qua khế ước và để chống độc tài phải thực hiện phân quyền. Locke phân quyền lực nhà nước thành: lập pháp – hành pháp – liên hợp. Tuy là người khai sinh ra lý thuyết về phân quyền nhưng người thực sự phát triển nó lại là nhà luật học người Pháp S. Montesquieu (1689-1755). Từ thế kỷ 18, S. Montesquieu đã phát triển thuyết phân quyền thành một thuyết độc lập với mục đích tạo dựng thể chế chính trị đảm bảo tự do công dân. Theo đó, Montesquieu xây dựng thuyết phân quyền với phương châm: “dùng quyền lực nhà nước hạn chế quyền lực nhà nước”. Ông cho rằng nhân dân lao động là những người bị trị, nên không thể hạn chế quyền lực nhà nước do một tập đoàn có thế lực nhất trong xã hội nắm giữ, bởi vậy, phải thiết lập một cơ chế khác để hạn chế quyền lực nhà nước, nhằm ngăn ngừa tệ độc đoán và lạm quyền trong bộ máy nhà nước. Cũng như Aristote và John Locke, Montesquieu cho rằng, thể chế chính trị tự do là thể chế mà trong đó quyền lực tối cao được phân thành ba quyền: lập pháp (biểu hiện cho ý chí chung của quốc gia, do Nghị viện (Quốc hội) nắm giữ); hành pháp (là việc thực hiện luật pháp đã được thiết lập do Chính phủ, tổng thống nắm giữ); tư pháp (trừng trị tội phạm, giải quyết xung đột cá nhân). Đây là sự tiến bộ trong tư tưởng phân quyền của Montesquieu khi tách quyền xét xử - quyền tư pháp tách ra khỏi các quyền khác. Tư tưởng phân quyền của Mongtesquieu là đối thủ đáng sợ của chủ nghĩa chuyên chế phong kiến và có thể khẳng định ông là người đã phát triển và hoàn thiện thuyết phân quyền.
1.2. Nội dung cơ bản của thuyết phân quyền:
Nội dung cơ bản của thuyết phân quyền được thể hiện qua những đặc điểm sau:
Một là, quyền lực nhà nước được cấu thành bởi các bộ phận khác nhau là: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
Hai là, các loại quyền lực nói trên không được tập trung vào tay một cá nhân hoặc một cơ quan nhà nước, mà phải được chia ra cho các cơ quan khác nhau thực hiện, nắm giữ: quyền lập pháp thuộc về cơ quan dân cử; quyền hành pháp do cá nhân đứng đầu chịu trách nhiệm nắm giữ; quyền tư pháp thuộc về một cơ quan có sự độc lập cao so với hai cơ quan còn lại để đảm bảo chức năng bảo vệ công lý.
Ba là, giữa các cơ quan nhà nước, trong quá trình thực hiện quyền lực, chúng có thể kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau, để không cho bất kỳ cơ quan nào có thể lạm dụng quyền lực. Đó là cơ chế “quyền lực ngăn cản quyền lực” hoặc cơ chế “kiềm chế - đối trọng”.
Như vậy, có thể hiểu rằng phân quyền không những sẽ làm tăng thêm hiệu quả của mỗi nhánh quyền lực trong việc thực hiện những chức năng được giao, mà còn ngăn cản, kiềm chế không để một cơ quan riêng biệt nào tập trung quyền lực quá mức, dẫn đến lạm dụng quyền hành trong khi thi hành công vụ.

2. Vận dụng thuyết phân quyền trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động  Bộ máy nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp 1946

Hiến pháp năm 1946 được xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó thể hiện khá rõ tư tưởng phân quyền trong các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước. Việc tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ theo mô hình cộng hòa lưỡng tính, có sự phân quyền mềm dẻo. Bởi vậy, trong quá trình nghiên cứu về Hiến pháp 1946, đã có ý kiến cho rằng khi xây dựng bản hiến pháp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “chấp nhận phân quyền”
Hiến pháp 1946 đã áp dụng những nguyên lý cơ bản của thuyết phân quyền ở khía cạnh kỹ thuật tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Điều đó được thể hiện tại Điều 22 Hiến pháp 1946: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; Điều 43: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”;  Điều 63: “Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có: Tòa án tối cao, các toà án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp”.
Đặc biệt khác với các bản Hiến pháp khác, Hiến pháp 1946 áp dụng chế độ “hành pháp hai đầu” đó là một phần quyền lực hành pháp thuộc về Chủ tịch nước, một phần thuộc về Thủ tướng, tuy nhiên, quyền lực chủ yếu tập trung vào Chủ tịch nước. Cụ thể, Hiến pháp 1946 quy định: Chính phủ gồm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Nội các, Chủ tịch nước chọn Thủ tướng…Chủ tịch nước chủ tọa Hội đồng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ chọn các thành viên Nội các. Có thể nhận thấy, đây là một trong những quy định bị ảnh hưởng bởi mô hình Cộng hòa lưỡng tính.
Về sự phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp 1946 quy định như sau:
Về quyền lập pháp, Điều 23 Hiến pháp 1946 quy định: “Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài”.
Về quyền hành pháp được Hiến pháp 1946 quy định thông qua quyền hạn của Chủ tịch nước (Điều 49) và quyền hạn của Chính phủ (Điều 52). Theo đó, quyền hạn của cơ quan hành pháp như sau:
Thứ nhất, Chủ tịch nước có quyền: thay mặt cho nước, giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc; chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân; ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ, Chủ toạ Hội đồng Chính phủ; ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị; thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự, Đặc xá, Ký hiệp ước với các nước, Phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước.
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ có quyền: thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện, Đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện; đề nghị những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt; bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết của cơ quan cấp dưới, nếu cần; bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn; thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước; lập dự án ngân sách hàng năm.
Về quyền tư pháp, cũng như các bản Hiến pháp khác, Hiến pháp 1946 quy định Tòa án là cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 Như vậy, có thể thấy theo quy định của Hiến pháp 1946 trong cơ cấu quyền lực nhà nước đã bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư­ pháp và có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan. Quyền lập pháp thuộc về Nghị viện nhân dân; quyền hành pháp thuộc Chính phủ, quyền t­ư pháp thuộc Toà án tối cao, các toà phúc thẩm, các toà đệ nhị cấp. Những quy định này phản ánh sự phân công lao động giữa các cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước.
Bên cạnh đó, khi quy định thẩm quyền cụ thể của các cơ quan nhà nước, Hiến pháp 1946 cũng đã quy định cơ chế phối hợp, kiểm soát giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Điều đó được thể hiện thông qua mối quan hệ giữa các cơ quan như sau:
Thứ nhất, Mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp:
Mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp được thể hiện qua mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Chính phủ với Nghị viện nhân dân.
Hiến pháp 1946 đã xây dựng được một chế định hết sức đặc biệt, phù hợp với tình hình của nước ta lúc bấy giờ, đó là chế định Chủ tịch nước. Điều 45 Hiến pháp 1946 quy định: “ Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viện bỏ phiếu thuận. Nếu bỏ phiếu lần đầu mà không đủ số phiếu ấy, thì lần thứ nhì sẽ theo đa số tương đối. Chủ tịch nước Việt Nam được bầu trong thời hạn 5 năm và có thể được bầu lại. Trong vòng một tháng trước khi hết nhiệm kỳ của Chủ tịch, Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện để bầu Chủ tịch mới”. Mặc dù được được bầu ra trong Nghị viện nhân dân, tuy nhiên nhiệm kỳ của Chủ tịch nước dài hơn nhiệm kỳ của Nghị viện nhân dân, điều đó cho thấy sự ổn định và tính độc lập cao của Chủ tịch nước, tránh phù thuộc vào Nghị viện nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng được trao những quyền hạn rất lớn, Điều 50, 51 Hiến pháp 1946 quy định: “Chủ tịch nư­ớc không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”; “Mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó Chủ tịch hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một toà án đặc biệt để xét xử”. Như vậy, theo Hiến pháp 1946, Chủ tịch nước không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước Nghị viện nhân dân.
Mặc dù có tính độc lập tương đối, tuy nhiên, Hiến pháp 1946 cũng tạo ra cơ chế kiềm chế, phối hợp chặt chẽ giữa nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp.
Cụ thể, trong mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Nghị viện nhân dân, Điều 31 Hiến pháp 1946 quy định: “Những luật đã được Nghị viện biểu quyết, Chủ tịch nước Việt Nam phải ban bố chậm nhất là 10 hôm sau khi nhận được thông tri. Nhưng trong hạn ấy, Chủ tịch n­ước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại. Những luật đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch phải ban bố”. Quy định này của Hiến pháp 1946 cho phép liên tưởng tới những quy định trong Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa kỳ về quyền phủ quyết luật của Tổng thống nhưng sáng tạo hơn ở chỗ những luật đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch phải ban bố.
Ngoài ra, cơ chế phối hợp, kiểm soát giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp còn được thể hiện qua mối quan hệ giữa Chính Phủ và Nghị viện nhân dân. Điều 47 Hiến pháp 1946 quy định: “Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách. Thứ trưởng có thể chọn ngoài Nghị viện và do Thủ tướng đề cử ra Hội đồng Chính phủ duyệt y. Nhân viên Ban thường vụ Nghị viện không được tham dự vào Chính phủ”. Quy định này, đã thể hiện rõ nét mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và Nghị viện nhân dân, đặc biệt quy định nhân viên Ban thường vụ Nghị viện không được tham dự vào Chính phủ là một quy định hết sức tiến bộ, tránh tình trạng kiêm nhiệm dẫn đến chồng chéo công việc, hiệu quả hoạt động thấp, thiết nghĩ đây là một trong những quy định mà nhà nước ta cần nghiên cứu, học tập, tiếp thu theo Hiến pháp 1946.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, Hiến pháp 1946 còn quy định Chính Phủ có quyền đề nghị những dự án luật trước Nghị viện, đề nghị dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt. Có thể nhận thấy, quy định về quyền trình dự án luật của Chính phủ trong Hiến pháp 1946 cũng tương đồng với các bản Hiến pháp khác của Việt Nam.
Điều 54 Hiến pháp 1946 còn quy định:
“Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì phải từ chức. Toàn thể Nội các không phải chịu liên đới trách nhiệm về hành vi một Bộ trưởng.
Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các. Nhưng Nghị viện chỉ có thể biểu quyết về vấn đề tín nhiệm Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tư tổng số nghị viện nêu vấn đề ấy ra.
Trong hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận lần thứ nhất là 48 giờ. Sau biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức.”
Như vậy, Nghị viện có quyền “kiểm soát và phê bình Chính phủ” bỏ phiếu bất tín nhiệm Bộ trưởng và Nội các, nếu Bộ trưởng và Nội các không được tín nhiệm thì phải từ chức.  Những quy định này không khác gì với cơ chế “nghị viện giải tán chính phủ” được quy định trong Hiến pháp của nhiều quốc gia đương đại.
Thứ hai, mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp
Trong mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, Điều 64 Hiến pháp 1946 quy định: “Các viên thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm”. Như vậy, Thẩm phán do Chính phủ bổ nhiệm, tuy nhiên, trong khi xét xử, các thẩm phán lại chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (Điều 69 Hiến pháp 1946). Quy định này đã thể hiện rõ tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án, nhằm đảm bảo chức năng bảo vệ công lý.
Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đây là bản Hiến pháp đã đặt nền tảng chính trị, pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Có thể nói rằng, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới. Những tư tưởng tiến bộ của Hiến pháp 1946 đã được nhà nước ta tiếp thu và kế thừa trong quá trình xây dựng các bản Hiến pháp tiếp theo, đặc biệt là sự vận dụng thuyết phân quyền trong việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Nguyễn Thị Trà – Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp 1946
2. Nguyễn Thị Hồi, Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức bộ máy nhà nước ở một số nước, NXB Tư pháp;
3. GS.VS Nguyễn Duy Quý, Phát huy nhưng giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệm đổi mới hiện nay, Tạp chí nghiên cứu lập pháp;
4. Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Đại học KHXH và NV, Hà Nội;
5. Bùi Ngọc Sơn, Học thuyết phân chia quyền lực nhà nước – Một cách tư duy về quyền lực nhà nước, Tạp chí Luật học.
6. Nguyễn Minh Tuấn, Hiến pháp 1946 thể hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực.