Một số quy định mới về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý

12/11/2012
Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là công tác phát  hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của đất nước. Với vai trò quan trọng như vậy, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn được coi là khâu quan trọng, then chốt nhằm tạo sự chủ động, khoa học trong công tác cán bộ.

Trong thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Ban Tổ chức Trung ương. Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý còn tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ ở một số địa phương, đơn vị chưa căn cứ chủ yếu vào đánh giá cán bộ, chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, dẫn đến nhiều đề án quy hoạch còn hình thức, thiếu tính khả thi. Chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, chưa đồng đều và hầu hết các đề án quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, chưa bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi. Cơ cấu cán bộ trong quy hoạch chưa cân đối, ít cán bộ trẻ, cán bộ nữ; trình độ, ngành nghề đào tạo của cán bộ ở nhiều nơi chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nhìn tổng thể, quy hoạch cán bộ thời gian qua chưa có sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa địa phương với Trung ương, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác...

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, ngày 05 tháng 6 năm 2012, Bộ Chính trị (khóa XI) đã có Kết luận số 24-KL/TW về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trên cơ sở Kết luận này, ngày 05 tháng 11 năm 2012, Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 24-KL/TW ngày 05 tháng 6  năm 2012 của Bộ Chính trị (khóa XI). Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Ban Tổ chức Trung ương.

Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã tiếp tục làm rõ hơn một số điểm nội dung cơ bản về công tác quy hoạch như thống nhất nhận thức về công tác quy hoạch, nội dung, phương pháp quy hoạch, quản lý và quy trình thực hiện quy hoạch. Cụ thể như sau:

1. Phân biệt giữa Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và Đề án quy hoạch cán bộ

Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là công tác phát  hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của đất nước.

Đề án quy hoạch cán bộ là kế hoạch tổng thể, dài hạn về đội ngũ cán bộ có triển vọng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng số cán bộ đó theo quy hoạch.

2. Nhấn mạnh công tác đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch

Cần phải đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch. Hướng dẫn này đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá cán bộ được quy hoạch, bao gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, Năng lực thực tiễn, Uy tín, Sức khỏe, Chiều hướng và triển vọng phát triển.

3. Quy hoạch đối với cán bộ đương chức

Thống nhất thực hiện chủ trương quy hoạch cán bộ lên chức vụ cao hơn, không quy hoạch tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm khi xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ tới và các nhiệm tiếp theo, cũng như khi rà soát, bổ sung quy hoạch của nhiệm kỳ hiện tại. Các đồng chí đương nhiệm về nguyên tắc đã phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ đang đảm nhiệm, nếu có triển vọng phát triển thì đưa vào quy hoạch chức vụ cao hơn; nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện tiếp tục tái cử thì là nguồn đương nhiên để xem xét khi tiến hành công tác nhân sự của khóa mới.

4. Số lượng nguồn đưa vào quy hoạch

Đối với chức danh lãnh đạo, quản lý, tối thiểu phải quy hoạch 2-3 người vào 01 chức danh; không quy hoạch 01 người cho 01 chức danh.

Không quy hoạch 01 người vào quá 03 chức danh.

Không quy hoạch 01 chức danh quá 04 người, ví dụ chức danh Phó Vụ trưởng theo quy định có 03 người thì số lượng đưa vào quy hoạch không quá 12 người.

5. Yêu cầu về độ tuổi và cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch

Cần đưa vào quy hoạch những đồng chí có triển vọng, nhưng phải trẻ tuổi, để có quỹ thời gian cho việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ và kinh qua thực tiễn, lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới. Để khi bố trí cán bộ vào chức danh quy hoạch, phải bảo đảm những đồng chí lần đầu được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý phải đủ tuổi công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn một nhiệm kỳ (05 năm).

Thời điểm tính tuổi cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan nhà nước là thời điểm bầu cử Quốc hội, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp.

Đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch không dưới 15% trong quy hoạch.

Về cơ cấu độ tuổi, phải bảo đảm cơ cấu 03 độ tuổi; dãn cách giữa các độ tuổi là 05 năm. Cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt quy hoạch khi đáp ứng yêu cầu này.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, điều động và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Sau khi được ban hành, Quy chế này sẽ góp phần tiếp tục làm rõ công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB