Bàn về công lý tự nhiên trong chiến lược cải cách tư pháp Việt Nam đến năm 2020

07/11/2012

1. “Vườn địa đàng”: Đâu chỉ là chuyện trong Kinh Thánh…

Vườn địa đàng (The garden of Eden) là một phần của câu chuyện thường được sử dụng để giải thích nguồn gốc tội lỗi và sai phạm của loài người trong Kinh Thánh. Theo ngôn ngữ Aramaic (nằm trong họ ngôn ngữ Phi Á, có lịch sử tồn tại khoảng 3000 năm) thì Eden có nghĩa là mảnh đất, miền đất “trù phú” và “màu mỡ”. Trong sách Sáng thế (Book of Genesis), cuốn sách luận giải về nguồn gốc của vũ trụ và nhân loại thì từ thuở hồng hoang, Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất và sau đó là loài người. Thiên chúa đặt con người trần truồng, chưa biết thiện ác và xấu hổ trong Vườn Eden với những luật lệ chặt chẽ, đó là cho phép họ ăn tất cả mọi loại trái cây trong vườn, ngoại trừ cây biết điều thiện và điều ác (Tree of Knowledge of Good and Evil). Tuy nhiên, con người đã sa ngã, không tuân theo những luật lệ của Thiên chúa, nghe lời xúi giúc của con rắn xảo quyệt, đã ăn trái của cây cấm.

Thuở ấy, Thiên chúa đã không kết tội ngay mà gọi Adam đến (The Lord God called to the man: Where are you?) để Adam có thể tự bào chữa, biện minh cho mình. Thiên chúa hỏi: Ai nói với ngươi rằng ngươi trần truồng, có phải ngươi đã ăn cây mà ta đã ra lệnh không được ăn không? (And he said, Who told thee that thou wast naked? Hast thou eaten of the tree, whereof I commanded thee that thou shouldest not eat?). Và Thiên chúa tiếp tục hỏi Eve: Có phải ngươi đã làm điều đó không? (What is this you have done?). Sau khi cả hai con người bào chữa và thú tội, Thiên Chúa mới kết tội con rắn xảo quyệt và đuổi con người ra khỏi Vườn Eden với những lời cảnh tỉnh về sự sa ngã và lòng tham lam của loài người: “Nay con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác.

Với nền khoa học pháp lý thế giới, “Vườn địa đàng” không chỉ thuần tuý là câu chuyện tôn giáo trong Kinh Thánh về nguồn gốc của vũ trụ, mà còn là sự khởi đầu cho một tư duy pháp lý mang tính chất tiên nghiệm có ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc. Đó chính là nguyên tắc, là nghĩa vụ phải hành động một cách công bằng, công chính, dù người đó là bất cứ ai, từ Thiên chúa đã sáng tạo ra cả vũ trụ hay là mỗi con người bình thường trong xã hội. Đó chính là nền tảng để hình thành tư tưởng về công lý tự nhiên với mục đích cơ bản là gìn giữ, bảo vệ và phát triển lòng tin, niềm tin của cộng đồng đối với sự công chính của hệ thống pháp luật và tư pháp, thông qua những nguyên tắc về thủ tục chặt chẽ, giản đơn như quyền của Adam được Thiên chúa xét hỏi trước khi kết tội, để chống lại những thành kiến, định kiến, những suy nghĩ và thông tin thiên lệch, bảo vệ lẽ phải, công bằng.

2. Những nguyên tắc cơ bản của công lý tự nhiên

Niềm tin xã hội (public confidence) đối với hệ thống pháp luật và tư pháp của mỗi quốc gia có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc giữ gìn trật tự và ổn định của quốc gia đó. Với quan niệm như vậy, công lý không chỉ quan trọng vì đã được thực thi mà quy trình, thủ tục thực thi công lý cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đặc biệt trong việc tạo dựng niềm tin của xã hội. Công lý tự nhiên được áp dụng chủ yếu trong những quy trình, thủ tục, luật lệ tố tụng. Tại Hoa Kỳ, các luật gia có thể dễ dàng làm sáng tỏ sự khác biệt giữa công lý theo thủ tục với công lý theo bản thể. Ví dụ, nếu thực sự có người đã giết hại một người khác, công lý bản thể đòi hỏi kẻ sát nhân bị trừng phạt đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu kẻ sát nhân bị cảnh sát tra tấn bất hợp pháp mà phải thú tội và nhờ vào bản thú tội này, cảnh sát tìm được chứng cứ thuyết phục như vũ khí gây án, dấu vân tay, thi thể nạn nhân…để toà án có thể kết án kẻ sát nhân để xác lập công lý bản thể nhưng bồi thẩm đoàn vẫn có thể không xem xét các chứng cứ này và kẻ sát nhân có thể trắng án do các luật lệ về thủ tục không được áp dụng một cách ngay thẳng và không trong sáng.  

Công lý tự nhiên là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi hệ thống luật án lệ có nguồn gốc từ Vương quốc Anh. Hai nguyên tắc cơ bản của công lý tự nhiên bao gồm: (1) Audi alteram partern (Hear the other side or The right to a fair hearing): Một cá nhân không thể bị trừng phạt bởi một quyết định liên quan đến mình trừ khi cá nhân đó được thông báo trước về vụ việc, có cơ hội công bằng để trả lời những cáo buộc và có điều kiện để bảo vệ chính mình. (2) Nemo debet esse judex in propria sua causa (No one can be judge in his or her own cause or the rule against bias): Người có thẩm quyền giải quyết vụ việc không được có những lợi ích về tài sản, tiền bạc hoặc nhân thân có thể ảnh hưởng đến kết quả tranh tụng, người đó cần phải thể hiện được hoặc chứng minh được sự công tâm, khách quan và chính trực của mình khi tham gia giải quyết vụ việc.

Công lý tự nhiên là một thuật ngữ, một khái niệm có nội hàm gắn liền với hệ thống luật án lệ nhưng đã được phát triển khá rộng rãi trên các nền khoa học pháp lý hiện đại. Truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa về cơ bản đã chấp nhận, tiếp thu và thực định hoá những nguyên tắc cơ bản nêu trên trong hệ thống pháp luật tố tụng của mình. Ngày nay, những nguyên tắc cơ bản của công lý tự nhiên luôn được coi là những tiêu chuẩn tối thiểu để đưa ra những quyết định công bằng, hợp đạo lý. Nhiều hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các quốc gia đã yêu cầu các cơ quan hoặc cá nhân thực hiện quyền tài phán phải tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc cơ bản của công lý tự nhiên.

3. Một vài suy nghĩ về công lý tự nhiên trong Chiến lược cải cách tư pháp Việt Nam đến năm 2020.

Công lý tự nhiên trong truyền thống pháp luật Việt Nam

Cần phải khẳng định rằng quá trình hình thành truyền thống pháp luật và tư pháp Việt Nam không có nhiều sự liên quan đến các học thuyết chính trị - pháp lý của Phương Tây. Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản của công lý tự nhiên luôn thấp thoáng trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Trong giai đoạn phong kiến cách đây 500 năm, vua Lê Thánh Tông triều Lê và tiếp theo đó là các vua Minh Mạng, Thiệu Trị triều Nguyễn đã phát triển luật hồi tỵ thành một chủ trương, đường lối, chính sách đắc lực và quan trọng giúp các vị quân chủ phong kiến có thể quản lý và khống chế đội ngũ quan lại câu kết, ngăn ngừa sự lạm chức quyền, địa vị để kết bè kéo cánh, âm mưu chống lại triều đình. Chính sách hồi tỵ cũng còn là chế độ phòng ngừa, giám sát và quản lý nghiêm ngặt các quan lại nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ, địa phương.  

Sau này, năm 1946, khi đất nước ta tập trung xây dựng đội ngũ thẩm phán của chính quyền cách mạng non trẻ, ngay tại Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã dành 04 điều (Mục C) rất chặt chẽ quy định về các trường hợp “Bất năng kiêm nhiệm” nhằm khẳng định tính khách quan, công chính của người làm công tác xét xử.

“Điều thứ 65: Các người thân thuộc, thích thuộc cho đến bậc chú cháu, bác cháu, hay cậu cháu, không thể cùng làm Thẩm phán trong một toà, trừ phi vị Chủ tịch nước Việt Nam cho phép miễn trừ riêng.

Dù có miễn trừ, các người ấy cũng không thể làm cùng một phòng trong Toà Thượng thẩm.

Điều thứ 66: Một Thẩm phán không thể xét xử một việc mà người thay mặt hay Luật sư của người đương sự là thân thuộc hay thích thuộc của mình cho đến bậc thứ ba.

Điều thứ 67: Chức vụ Thẩm phán không thể kiêm nhiệm được với một nghề nghiệp hay nhiệm vụ công tư nào khác, trừ chức giáo sư trường Đại học hay trường Trung học của Nhà nước.

Điều thứ 68: Các Thẩm phán có thể làm hội viên các Hội đồng nhân dân.

Nhưng nếu được bầu vào một Uỷ ban hành chính, thì phải hoặc từ chối không vào, hoặc từ chức Thẩm phán.”

Công lý tự nhiên trong Chiến lược cải cách tư pháp.

Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2020 ban hành tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị đã đặt một trong những trọng tâm cải cách là mục tiêu bảo vệ công lý. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã 04 lần sử dụng từ “công lý” với nhiều ý nghĩa khác nhau:

- Tại Phần Đánh giá thực trạng công tác tư pháp, Nghị quyết của Bộ Chính trị nhận định: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm”.

- Tại Phần Mục tiêu Cải cách tư pháp, Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”.

- Tại Phần Phương hướng và nhiệm vụ, Mục “Nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp’, Nghị quyết của Bộ Chính trị quy định: “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý.”

Cũng tại Phần này, Mục “Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh’, Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm “đấu tranh vì công lý”, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Với những phân tích nói trên, chúng ta có thể thấy rằng Chiến lược cải cách tư pháp tại Việt Nam đến năm 2020 đã sử dụng nội hàm khái niệm “công lý” từ cả khía cạnh công lý bản thể và công lý thủ tục (mà một bộ phận quan trọng là công lý tự nhiên). Công lý vừa là động lực, vừa là mục tiêu, vừa là khát vọng hướng tới của hệ thống các cơ quan tư pháp. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải có những nghiên cứu có tính hệ thống, sâu sắc và toàn diện hơn để làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm công lý và yêu cầu bảo vệ công lý theo tinh thần của Chiến lược Cải cách tư pháp. Bài viết này xin phép được khép lại tại đây với mục đích chỉ dừng lại giới thiệu về cội nguồn triết học/tôn giáo của công lý tự nhiên, các nguyên tắc cơ bản của công lý tự nhiên và gợi mở về những phương hướng nghiên cứu mới đối với khái niệm công lý trong Chiến lược cải cách tư pháp tại Việt Nam  trong giai đoạn hiện nay.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Vụ Tổ chức cán bộ

CN. Nguyễn Thế Anh - Học viện Tư pháp

Tài liệu tham khảo:

1. Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp: Đề tài cấp Bộ “50 năm Ngành Tư pháp Việt Nam”, năm 2002.

2. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến (Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài), Nhà xuất bản lao động - xã hội, năm 2012.

3. Robin Creyke, John McMillan and Rocque Reynolds: Control of Government Action: Text, Cases and Commentary, LexisNexis Butterworths, Australia 2005.  

4. Tham khảo: http://en.wikipedia.org/wiki/Garden_of_Eden