Tại phiên họp, nhìn lại các hoạt động trong năm 2020, CGAP ghi nhận nỗ lực của Ban Thư ký duy trì các hoạt động của tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Năm 2020, HCCH đã có thêm 4 thành viên mới (Cộng hòa Dominica, Uzbekistan, Nicaragua, Namibia), và 14 quốc gia ký kết hoặc gia nhập các Công ước của Hội nghị.
CGAP đã chứng kiến việc Thái Lan nộp văn kiện chấp thuận Quy chế của Hội nghị, gia nhập HCCH và chính thức trở thành thành viên thứ 88 của tổ chức, El Salvado nộp văn kiện đề nghị gia nhập HCCH, và Israel ký Công ước năm 2019 về công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và Công ước năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn Tòa án. Cùng với sự gia nhập HCCH của Thái Lan, khối ASEAN hiện có 5 quốc gia là thành viên của Hội nghị (Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam và Thái Lan).
Về các công việc lập pháp, CGAP ủng hộ việc tiếp tục các dự án Thẩm quyền và dự án Quan hệ cha mẹ con, mang thai hộ; xây dựng dự thảo Hướng dẫn thực thi tiếp cận công lý cho khách du lịch và khách tham quan, bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến; dự thảo Hướng dẫn thực thi công nhận và thi hành xuyên biên giới các thỏa thuận đạt được trong lĩnh vực gia đình liên quan đến trẻ em. CGAP cũng ủng hộ các hoạt động tiếp tục nghiên cứu các vấn đề tư pháp quốc tế trong lĩnh vực kinh tế số. CGAP hoan ngênh việc tiếp tục các hoạt động hợp tác với UNCITRAL (Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế), UNIDROIT (Viện quốc tế về nhất thể hóa luật tư) và WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới), bao gồm các công việc liên quan đến thủ tục phá sản và tài sản trí tuệ.
Về các hoạt động hỗ trợ hậu gia nhập các Công ước của HCCH, CGAP ghi nhận các công việc chuẩn bị được thực hiện trước các phiên họp Ủy ban đặc biệt về thực thi các Công ước khác nhau của HCCH. Xem xét đến tình hình ngoại lệ đặc biệt do dịch bệnh COVID-19, CGAP đồng ý tổ chức phiên họp tiếp theo của Ủy ban đặc biệt về thực thi Công ước Apostille, dự kiến vào tháng 10/2021 dưới hình thức trực tuyến. Tình hình dịch bệnh cũng dẫn đến việc hoãn các phiên họp ủy ban đặc biệt khác, bao gồm cả Ủy ban về thực thi Công ước hoàn trả quốc tế các khoản cấp dưỡng trẻ em và các hình thức cấp dưỡng gia đình khác năm 2007 (và Nghị định thư), Công ước về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế năm 1993, và Công ước năm 2000 về bảo vệ người thành niên, tạo điều kiện tối đa cho việc tiến hành họp trực tiếp để các chuyên gia có cơ hội trao đổi tập trung, chuyên sâu về các chủ đề này.
Từ góc độ quản trị tổ chức, CGAP ghi nhận các bước tiến đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2019- 2022 và các sáng kiến hướng đến việc xây dựng kế hoạch chiến lược tiếp theo trước phiên họp năm 2022.
Đoàn Việt Nam gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao đã tham gia đầy đủ 5 ngày họp từ 17h- 20 h (giờ Việt Nam). Trưởng đoàn bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp đã phát biểu bày tỏ sự cảm ơn của Việt Nam với Ban thư ký của Hội nghị và các quốc gia thành viên đã giúp đỡ Việt Nam trong nghiên cứu, gia nhập và thực thi các Công ước của HCCH và cập nhật tình hình thực hiện Công ước thu thập chứng cứ tại Việt Nam. Việt Nam đề nghị các nước quan tâm mở rộng quan hệ hợp tác, sớm chấp nhận quan hệ điều ước với Việt Nam trong khuôn khổ Công ước thu thập chứng cứ.
Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 3 Công ước đa phương trong khuôn khổ HCCH (Công ước về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế năm 1993, Công ước về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1965, Công ước về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1970). Các Công ước này đã tạo cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp giữa Việt Nam và thế giới. Bên cạnh việc đẩy mạnh thực thi hiệu quả 3 Công ước này, hiện Việt Nam cũng tiếp tục nghiên cứu khả năng gia nhập một số Công ước quan trọng khác của HCCH như Công ước về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài năm 1961 - Apostille, Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế năm 1980 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp