Gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực DS hoặc thương mại

Gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực DS hoặc thương mại

Ngày 4/3/2020, tại Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế diễn ra tại La Hay (Hà Lan), đại diện Việt Nam, bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế đã nộp Văn kiện gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Convention on the taking of evidence abroad in civil or commercial matters) (Công ước Thu thập chứng cứ). Sau Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế và Công ước La Hay 1965 về tống đạt ở nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, đây là Công ước thứ ba trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế mà Việt Nam gia nhập. Công ước Thu thập chứng cứ sẽ có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 3/5/2020.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam, các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng phát triển đa dạng cả về bề rộng lẫn chiều sâu dẫn đến nhiều vụ việc tranh chấp về dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài phát sinh và để giải quyết được thì cần sự hỗ trợ, hợp tác về tương trợ tư pháp (TTTP) giữa các nước có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng xuyên quốc gia, như thu thập chứng cứ ở nước ngoài hay tống đạt giấy tờ ra nước ngoài… Điều này thể hiện rất rõ qua số lượng uỷ thác tư pháp về dân sự (UTTP) mà Việt Nam đã tiếp nhận của nước ngoài cũng như UTTP của Việt Nam gửi đi nước ngoài tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nếu trong giai đoạn từ 2008-2011, số lượng UTTP trung bình mỗi năm là hơn 2.000 hồ sơ thì từ giai đoạn 2013-2019, con số này đã tăng lên khoảng trên 4.000 hồ sơ mỗi năm, nội dung UTTP phần lớn là tống đạt giấy tờ tư pháp và thu thập chứng cứ lấy lời khai của đương sự[1].
Các yêu cầu UTTP trước hết được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các nước. Trường hợp không có điều ước quốc tế thì yêu cầu này được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại và hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của quốc gia được yêu cầu. Thực tế hiện nay, Việt Nam có nhu cầu cao về UTTP đối với các quốc gia có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống hoặc có nhiều giao lưu dân sự, thương mại như Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Liên bang Đức … nhưng giữa Việt Nam và các nước này lại chưa có quan hệ điều ước quốc tế nên không có căn cứ pháp lý quốc tế để yêu cầu các quốc gia này thực hiện UTTP, hệ quả là tòa án Việt Nam không có đầy đủ cơ sở để giải quyết vụ việc dân sự một cách khách quan và toàn diện, nhiều vụ việc dân sự phải tạm đình chỉ, chờ kết quả thực hiện UTTP.
Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần tăng cường ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực TTTP, trong đó chú trọng việc gia nhập các điều ước quốc tế đa phương nhằm mở rộng quan hệ hợp tác TTTP với nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là chủ trương đã được nhấn mạnh tại các Nghị quyết của Đảng và các Văn kiện Đại hội Đảng[2].
Việt Nam đã gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay) vào ngày 10/4/2013. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1440, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất gia nhập các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị này, đặc biệt là các công ước về hợp tác tư pháp. Năm 2016, Việt Nam đã gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt giấy tờ). Việc gia nhập Công ước tống đạt giấy tờ giúp Việt Nam không mất thời gian, nhân lực và kinh phí cho việc đàm phán điều ước quốc tế song phương mà cùng một lúc thiết lập được quan hệ hợp tác TTTP tống đạt giấy tờ với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Công ước tống đạt giấy tờ chỉ điều chỉnh việc thực hiện UTTP về tống đạt giấy tờ, trong khi đó UTTP về thu thập chứng cứ với một số lượng không nhỏ lại chưa có căn cứ pháp lý quốc tế để yêu cầu nước ngoài thực hiện.
Công ước thu thập chứng cứ hiện có 62 quốc gia thành viên, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng cho hoạt động hợp tác TTTP trong lĩnh vực thu thập chứng cứ. Những quốc gia mà Việt Nam có nhu cầu UTTP thu thập chứng cứ cao đều là thành viên của Công ước này, ngoài các quốc gia thành viên thuộc Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc như Đức, Anh, Hoa Kỳ, Ô-xtơ-rây-lia phải kể đến một số quốc gia Đông Nam Á và Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinh-ga-po cũng đã gia nhập Công ước từ rất sớm. Bên cạnh đó, xu thế chung của các quốc gia là đều đồng thời tham gia Công ước thu thập chứng cứ và Công ước tống đạt giấy tờ (hiện nay có đến 53 quốc gia đồng thời tham gia cả hai Công ước) bởi lẽ đây là một cặp công cụ pháp lý đồng hành, hỗ trợ cho hoạt động TTTP, giúp giải quyết các vụ việc dân sự, thương mại một cách nhanh chóng, triệt để.
Qua hơn gần 3 năm Việt Nam thực thi Công ước tống đạt giấy tờ cho thấy Công ước đa phương này thực sự hiệu quả cho việc thực hiện các yêu cầu UTTP về tống đạt của Việt Nam. Vì vậy, nếu Việt Nam có thể sớm gia nhập Công ước thu thập chứng cứ thì sẽ có thể thiết lập được cơ sở pháp lý toàn diện cho nhu cầu UTTP của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.
Trước bối cảnh đó, ngày 10/10/2019, Bộ Tư pháp với vai trò cơ quan đầu mối về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự đã trình Chính phủ hồ sơ về việc gia nhập Công ước Thu thập chứng cứ. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã nhất trí về chủ trương và trình Chủ tịch nước phê chuẩn việc gia nhập Công ước. Ngày 13/01/2020 Chủ tịch nước đã ký quyết định số 70/2020/QĐ-CTN phê chuẩn việc gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. 
Công ước thu thập chứng cứ là Công ước đa phương của Hội nghị La Hay được ký ngày 18/3/1970 và có hiệu lực ngày 07/10/1972. Mục tiêu của Công ước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập chứng cứ và hài hòa hóa phương thức thu thập chứng cứ giữa các quốc gia thông qua (i) Văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan trung ương của quốc gia thành viên khác (kênh chính) và (ii) thông qua viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và người được ủy quyền (các kênh thu thập chứng cứ bổ sung). Tuy nhiên khi gia nhập Việt Nam tuyên bố bảo lưu đối với việc thực hiện qua kênh thu thập chứng cứ bổ sung.
Công ước có hiệu lực đối với Quốc gia xin gia nhập vào ngày thứ 60 sau ngày nộp văn kiện gia nhập. Tuy nhiên, Công ước chỉ có hiệu lực giữa quốc gia xin gia nhập và quốc gia thành viên khác của Công ước vào ngày thứ 60 khi quốc gia thành viên đó nộp văn kiện tuyên bố chấp nhận việc gia nhập của quốc gia xin gia nhập (Điều 39). Theo đó, Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 3/5/2020. Về khả năng các nước chấp nhận yêu cầu gia nhập Công ước của Việt Nam, qua nghiên cứu bảng thống kê tình hình chấp nhận việc gia nhập của các nước thành viên Công ước cho thấy về cơ bản các quốc gia đều chấp nhận việc tham gia Công ước của các nước mới, chỉ có môt số trường hợp quốc gia không nhận được nhiều văn bản chấp nhận. Đối với Việt Nam, từ thực tiễn thực hiện Công ước tống đạt giấy tờ kể từ thời điểm gia nhập, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của các quốc gia thành viên và chưa nhận được bất kỳ ý kiến thắc mắc, phản ánh nào. Các nước thành viên Hội nghị La Hay cũng luôn đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong thực thi Công ước tống đạt giấy tờ cũng như trong các hoạt động của Hội nghị La Hay vì vậy ít có khả năng yêu cầu gia nhập của Việt Nam không được các quốc gia chấp nhận.
Khi trở thành thành viên Công ước, Việt Nam sẽ có các quyền chính như sau: Yêu cầu các quốc gia thành viên đã chấp thuận việc gia nhập của Việt Nam thực hiện các yêu cầu thu thập chứng cứ của mình theo quy định tại Công ước và phù hợp với phạm vi tuyên bố, bảo lưu của quốc gia được yêu cầu; Từ chối thực hiện các yêu cầu thu thập chứng cứ của các quốc gia thành viên khác theo quy định tại Điều 12 của Công ước; Có quyền lựa chọn tuyên bố áp dụng hoặc bảo lưu các quy định của Công ước, phù hợp với pháp luật và điều kiện của mình và cũng có quyền rút bảo lưu, rút hoặc thay đổi các tuyên bố đã đưa ra vào bất kỳ thời điểm nào; Rút khỏi Công ước bất kỳ thời điểm nào (bằng cách gửi thông báo cho Bộ Ngoại giao Hà Lan, theo Điều 41 của Công ước).
Về nghĩa vụ, khi trở thành quốc gia thành viên của Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu thu thập chứng cứ của các quốc gia thành viên Công ước đã chấp thuận việc gia nhập của Việt Nam, phù hợp với phạm vi, yêu cầu và quy trình thủ tục được quy định tại Công ước, cũng như các tuyên bố, bảo lưu của Việt Nam.
Để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, theo quy định của Điều 35 Công ước, Việt Nam đã chỉ định Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương để thực hiện nhiệm vụ nhận Văn bản yêu cầu từ các quốc gia thành viên, chuyển trả văn bản xác nhận thực hiện yêu cầu và thông báo lý do của việc không thực hiện yêu cầu. Hiện nay, theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối tiếp nhận yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự với nước ngoài (ủy thác ra) và của nước ngoài (ủy thác vào), trong đó có các yêu cầu thu thập chứng cứ. Do đó, việc chỉ định Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương của Việt Nam phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, các Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự.
Công ước không đặt ra bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho các nước thành viên khi tham gia Công ước (không phải nộp niên liễm).
Đối với Việt Nam, việc gia nhập Công ước thu thập chứng cứ sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TTTP thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên, qua đó hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại và đầu tư có liên quan đúng quy định và thời hạn luật định; tạo môi trường pháp lý bảo vệ hoạt động giao lưu dân sự, kinh doanh – thương mại, đầu tư giữa các cá nhân, tổ chức của Việt Nam và các quốc gia thành viên và khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan đề xuất gia nhập Công ước sẽ có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch thực thi Công ước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành để có thể kịp thời thi hành khi Công ước chính thức có hiệu lực với Việt Nam./.
 
 
[1] Các yêu cầu UTTP bao gồm cả hai nội dung tống đạt giấy tờ và lấy lời khai chiếm 60%
[2]Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Mục I.6 Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 yêu cầu trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế phải “đẩy mạnh tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp”; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày05/11/2016 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định chủ trương: “Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế”.