Với mục đích cung cấp đầy đủ thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn cho các cấp có thẩm quyền tham khảo để đề xuất kiến nghị về việc gia nhập Công ước của Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực mới này, Viện khoa học pháp lý được giao chủ trì thực hiện Đề tài “Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em kinh nghiệm quốc tế gia nhập, thực thi và đề xuất đối với Việt Nam”.
Trong khuôn khổ thực hiện Đề tài, ngày 01/3/2019, Ban chủ nhiệm Đề tài đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Công ước La Hay 1960 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em”.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An, Bộ Lao động thương binh và xã hội; các giảng viên, chuyên gia pháp lý thuộc các trường đại học, học viện nghiên cứu tại Hà Nội…cùng các chuyên gia cộng tác viên của Đề tài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Bạch Quốc An- Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế – Chủ nhiệm Đề tài đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận góp ý cho các các chuyên đề bài trình bày những vấn đề cần bổ sung, làm rõ và nhận xét, đề xuất đối với việc nghiên cứu Công ước, những nội dung Ban chủ nhiệm cần tập trung nghiên cứu, phân tích sâu để Báo cáo phúc trình đạt yêu cầu.
Các chuyên đề trình bày tại Hội thảo tập trung và đi sâu vào giới thiệu nội dung Công ước, những khuyến nghị của Hội nghị La Hay, kinh nghiệm của các nước thuộc Liên minh Châu Âu và đánh giá về thực tiễn nhu cầu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giữ hoặc đưa trẻ đi ra nước ngoài trái phép. Một số vụ việc cụ thể liên quan đến việc cha/mẹ đưa trẻ đi ra nước ngoài và đưa về trở về Việt Nam trái phép được các chuyên gia và các đại biểu phân tích đánh giá tại Hội thảo để có một cách nhìn tổng quát về thực trạng này tại Việt Nam.
Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhận xét, góp ý cho các chuyên đề nghiên cứu và những nội dung Ban chủ nhiệm Đề tài cân nhắc làm rõ để đảm bảo Đề tài thực sự là một sản phẩm khoa học có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Bên cạnh đó, nhiều nội dung xung quanh Công ước cũng được các đại biểu thảo luận như: (i) nội hàm của từ “bắt cóc” trong tên gọi của Công ước để phân biệt với bắt cóc trẻ em theo nghĩa hình sự; (ii) vấn đề hình sự hóa hành vi giữ hoặc đưa trẻ đi ra nước ngoài trái phép; (iii) vai trò của cơ quan Trung ương và các cơ quan hữu quan; (iv) nguồn kinh phí và nhân lực thực thi Công ước.
Những ý kiến, trao đổi, bình luận tại Hội thảo được Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề tài.
Phát biểu kết luận, Ban chủ nhiệm Đề tài cảm ơn sự tham dự của các đại biểu và mong muốn trong thời gian tới các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các bộ, ngành hữu quan tiếp tục đồng hành với Bộ Tư pháp trong việc nghiên cứu Công ước và pháp luật trong nước có liên quan để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.
Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp