Tọa đàm về kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp trong thực thi Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại

Tọa đàm về kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp trong thực thi Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại

Ngày 28/11/2018, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế đã tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp trong thực thi Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Tọa đàm). Đây là hoạt động triển khai Chương trình Hợp tác giai đoạn 2018-2019 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp. Tọa đàm còn nhằm mục đích thu thập thông tin, kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu gia nhập Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp thực hiện.
Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp; các giảng viên, chuyên gia pháp lý, luật sư thuộc các trường đại học, học viện nghiên cứu, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và chuyên gia của Cộng hòa Pháp, bà Camille Blanco nguyên thẩm phán, hiện là cán bộ thuộc Phòng Dân sự, Vụ Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp.
Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước) là công ước đa phương của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế được ký ngày 18/3/1970 và có hiệu lực ngày 07/10/1972. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ước có 61 thành viên là quốc gia và vùng lãnh thổ từ tất cả các hệ thống pháp luật và Châu lục trên toàn thế giới. Công ước gồm 3 chương và 42 điều  được áp dụng cho việc thu thập chứng cứ trong các thủ tục tố tụng trong lĩnh vực dân sự, thương mại và thực hiện một số hoạt động tư pháp khác giữa các Quốc gia thành viên. Mục tiêu của Công ước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập chứng cứ và hài hòa hóa phương thức thu thập chứng cứ giữa các quốc gia thông qua (i) thu thập chứng cứ bằng kênh chính (gửi Văn bản yêu cầu) đến cơ quan trung ương của quốc gia thành viên và (ii) các kênh thu thập chứng cứ bổ sung thông qua viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và người được ủy quyền. Cộng hòa Pháp là một trong 16 quốc gia tham gia ký Công ước, Công ước có hiệu lực pháp luật với Pháp từ ngày 06/10/1974.
Tại Tọa đàm chuyên gia Pháp, đã giới thiệu với các đại biểu về nội dung của Công ước, chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp khi gia nhập và thực thi Công ước. Để chuẩn bị cho việc gia nhập và thực thi Công ước một cách hiệu quả sau khi gia nhập, bà Camille Blanco đưa ra một số khuyến nghị:  
Thứ nhất, lựa chọn, chỉ định cơ quan Trung ương với tổ chức, bộ máy, nhân lực có trình độ chuyên môn để thực hiện việc tiếp nhận các yêu cầu thu thập chứng cứ, của các quốc gia thành viên cũng như hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền trong nước lập, thực hiện các yêu cầu theo quy định của Công ước.
Thứ hai, dự kiến cơ quan tư pháp trong nước có thẩm quyền thực hiện các yêu cầu cũng như đánh giá về quy trình nhận, gửi, thực hiện các yêu cầu.
Thứ ba, rà soát pháp luật trong nước với các quy định của Công ước, cần thiết có những điều chỉnh hoặc ban hành mới các quy định pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập và thực thi
Thứ tư, nghiên cứu các quy định về tuyên bố, bảo lưu của Công ước, rà soát, so sánh đối chiếu với pháp luật trong nước và đánh giá thực tiễn để đưa ra tuyên bố, bảo lưu khi gia nhập Công ước bảo đảm phù hợp và khả thi.
Thứ năm, số hóa các hồ sơ yêu cầu, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý để thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ và đôn đốc cơ quan trong nước thực hiện.
Trao đổi, thảo luận với các đại biểu tại, chuyên gia đã phân tích, làm rõ hơn các thuật ngữ, quy định của Công ước và việc áp dụng các quy định này như thuật ngữ “chứng cứ”, “hoạt động tư pháp khác’, “cơ quan tư pháp có thẩm quyền”, “người được ủy quyền”, “thu thập chứng cứ trước khi mở phiên tòa” (pre-trial), quy định về chi phí, thanh toán chi phí. Bên cạnh đó, các quy định về thu thập chứng cứ của Pháp cũng được chuyên gia giới thiệu và chia sẻ tại Tọa đàm.    
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã bày tỏ sự cảm ơn đối với những đóng góp, chia sẻ của chuyên gia và khẳng định kinh nghiệm được chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm là thông tin hữu ích cho Bộ Tư pháp Việt Nam thực hiện nghiên cứu gia nhập và thực thi Công ước. Bà Phạm Hồ Hương bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Bộ Tư pháp Pháp trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và tương tương trợ tư pháp dân sự.
Phòng Tư pháp quốc tế & Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế.