Kiểm tra công tác tương trợ tư pháp tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng
Thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, trên cơ sở Quyết định số 2604/QĐ-BTP ngày 22/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện tương trợ tư pháp tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, trong các ngày 26 và 29/10/2018, đoàn kiểm tra liên ngành do ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp làm trưởng Đoàn đã có buổi làm việc lần lượt với hai Tòa án nhân dân nêu trên.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Đã Nẵng đã báo cáo với Đoàn kiểm tra về tình hình triển khai thực hiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi thành trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; số liệu hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự, hình sự.
Báo cáo của hai Tòa án về tình hình thực hiện tương trợ tư pháp trong thời gian từ 01/01/2017 đến 30/9/2018, đều thống nhận định, trong lĩnh vực dân sự, từ khi Luật tương trợ tư pháp và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, đặc biệt là Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có hiệu lực pháp luật, đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để các cơ quan liên quan nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thực hiện ủy thác tư pháp một cách thống nhất, hoạt động tương trợ tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đồng thời, kể từ khi Việt Nam gia nhập Công ước LaHay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, số lượng kết quả thực hiện yêu cầu tống đạt gửi ra nước ngoài tăng lên, các kết quả này có ý nghĩa quyết định trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Đối với tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, số lượng yêu cầu tương trợ tư pháp so với lĩnh vực dân sự là ít hơn nhưng hiệu quả của hoạt động này cũng đã được nâng cao và chú trọng đặc biệt trong bối cảnh cải cách tư pháp và cải cách pháp luật, đất nước ngày càng hội nhập vào thế giới và khu vực. Về xem xét yêu cầu về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của nước ngoài, trong kỳ báo cáo hai Tòa án chưa nhận được yêu cầu nào nhưng qua rà soát những yêu cầu đã giải quyết từ những năm trước hai Tòa án cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai tòa án cũng trình bày những khó khăn, vướng mắc thực tế trong giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự có yếu tố nước ngoài có yêu cầu tương trợ tư pháp, cụ thể:
- Nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự chậm có kết quả ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ việc. Đặc biệt trong các vụ án hình sự không có kết quả tống đạt bản án, quyết định cho người bị hại ở nước ngoài nên tòa án không có cơ sở đóng hồ sơ vụ án.
- Việc áp dụng các quy định tại Phần thứ 8 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 - Thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể là quy định về xử lý kết quả ủy thác tư pháp, trong một số trường hợp việc giải thích quy định pháp luật giữa tòa án và viện kiểm sát khác nhau nên không thể đưa vụ án ra xét xử.
- Xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoàn toàn phụ thuộc vào cung cấp của những người tham gia tố tụng trong nước không có sự hỗ trợ kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền nên nhiều trường hợp địa chỉ không chính xác, phía nước ngoài trả lại hồ sơ dẫn đến tốn kém chi phí cho đương sự cũng như kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.
- Không có thông tin về quy định ủy thác tư pháp của các nước nên thẩm phán, thư ký lúng túng trong việc xây dựng hồ sơ.
Sau khi kiểm tra cụ thể về hồ sơ, số liệu thực hiện ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự và các vụ việc về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù Đoàn kiểm tra đã chỉ ra một số hạn chế chung của cả hai tòa án:
Thứ nhất, chất lượng hồ sơ ủy thác tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng gửi ra nước ngoài còn hạn chế, nhiều hồ sơ thiếu thông tin, tài liệu cần thiết; nội dung không đầy đủ theo quy định hiện hành hoặc không đúng ngôn ngữ; các thẩm phán, thư ký tòa án chưa nắm bắt đầy đủ được quy trình thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, số liệu thống kê của các tòa án chưa đầy đủ do thiếu bộ phận đầu mối tổng hợp, không có sổ theo dõi.
Thứ ba, công tác phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp và tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài chưa được các tòa án chú trọng dẫn đến có cách hiểu và áp dụng không thống nhất.
Ngoài ra, các ý kiến trao đổi của hai Tòa án đều được Đoàn kiểm tra trả lời, hướng dẫn và giải thích.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trưởng đoàn đề nghị các Tòa án cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan đầu mối trong công tác tương trợ tư pháp để năng cao hiểu quả. Đồng thời, Đoàn công tác tiếp thu các ý kiến trao đổi, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp để xem xét, nghiên cứu kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định pháp luật tố tụng cũng như nghiên cứu sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp