Brazil gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ

Brazil gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ

Brazil đã nộp văn kiện gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1965 (Công ước tống đạt)
Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan - Cơ quan lưu chiểu Công ước vừa thông báo cho các nước thành viên của Công ước tống đạt về việc nộp văn kiện gia nhập của Brazil với nội dung như sau:
Ngày 29/11/2018, Brazil đã nộp văn kiện gia nhập Công ước và sẽ trở thành thành viên thứ 74 của Công ước này vào ngày 1/6/2019 nếu không có quốc gia thành viên Công ước nào phản đối trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Bộ Ngoại giao Hà Lan thông báo.
Khi nộp văn kiện gia nhập, Brazil đồng thời đã đưa ra các tuyên bố, bảo lưu sau:
Bảo lưu với Điều 8 (tống đạt qua kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp)
Brazil phản đối việc sử dụng phương thức tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp quy định tại Điều 8 Công ước.
Bảo lưu với Điều 10 (tống đạt qua kênh bưu điện, các kênh tống đạt giữa những người có thẩm quyền)
Brazil phản đối các phương thức tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp quy định tại Điều 10 Công ước.
Tuyên bố với Điều 5 đoạn 3 và Điều 7 đoạn 2 (ngôn ngữ đối với giấy tờ được tống đạt và mẫu văn bản yêu cầu gửi qua kênh chính của Công ước qua Cơ quan trung ương)
Tất cả các giấy tờ được chuyển cho cơ quan Trung ương của Brazil để tống đạt phải kèm theo một bản dịch sang tiếng Bồ Đào Nha (trừ các từ ngữ tiêu chuẩn theo mẫu của Công ước đã được quy định tại Điều 7 đoạn 1).
Tuyên bố với Điều 6 (cơ quan hoàn thiện giấy xác nhận kết quả tống đạt)
Trường hợp Brazil là quốc gia được yêu cầu, giấy xác nhận kết quả tống đạt theo mẫu của Công ước phải do thẩm phán có thẩm quyền hoặc cơ quan trung ương được chỉ định theo quy định của Điều 2 Công ước ký.
Cơ quan trung ương (có nhiệm vụ tiếp nhận yêu cầu tống đạt giấy tờ)
Brazil chỉ định Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương, theo quy định tại Điều 2 Công ước.
                                                                Hoàng Ngọc Bích, Vụ Pháp luật quốc tế